Sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 thì đây là cơ hội để du lịch Việt Nam tư duy lại, cơ cấu lại làm mới mình, đưa du lịch lên một tầm cao mới. Muốn như vậy cần phải tháo gỡ các rào cản để vừa tạo động lực phát triển du lịch nội địa, vừa đẩy mạnh thu hút du khách quốc tế đến với Việt Nam.

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về những vấn đề tồn tại của du lịch Việt Nam cũng như đề cập các giải pháp để gỡ những “nút thắt” hạn chế sự cạnh tranh của du lịch Việt Nam đối với các nước trong khu vực và thế giới, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu nhấn mạnh, hiện nay chúng ta đang chuyển sang giai đoạn mới. Sau ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 thì phát triển du lịch phải được thực hiện ở trình độ cao hơn, bài bản hơn, đòi hỏi tính chuyên nghiệp, cạnh tranh khốc liệt hơn. Trước đây, khách du lịch tự nhiên đến, nhưng sau giai đoạn COVID-19, tất cả điểm đến đều mở lại để cạnh tranh. Do đó du lịch phải có cách làm mới, bài bản hơn, chuyên sâu hơn chứ không thể “ung dung tự tại” nữa.

Theo ông Hà Văn Siêu, những năm qua, với chủ trương của Đảng, Nhà nước, du lịch Việt Nam được xác định là ngành kinh tế mũi nhọ. Tiềm năng chúng ta có rất nhiều, từ cảnh quan, địa hình, khí hậu, văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc, chiều dài lịch sử, đến ẩm thực phong phú, cuốn hút. Lối sống của người Việt chân tình, ấm áp, bao dung, cởi mở, thân thiện, luôn rộng mở vòng tay chào đón du khách. Tất cả những điều đó làm nên một Việt Nam hấp dẫn, là điểm đến có tầm cỡ với du khách.

Chúng ta cũng có thị trường gần 100 triệu dân, có đà phát triển từ những năm trước, chính trị ổn định, có chính sách ưu tiêu phát triển du lịch, coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Từ những kết quả đạt được trong 30 năm qua, những điều kiện về nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, chính sách đặt nền móng cho đến nay, rõ ràng du lịch Việt Nam có cơ đồ phát triển mạnh, tiếp đà phát triển của những giai đoạn trước, vượt lên để trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu ở khu vực, châu Á và trên thế giới.

Tuy nhiên, ông Hà Văn Siêu cho rằng muốn du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp tương xứng cho nền kinh tế thì phải “tư duy lại, cơ cấu lại, làm mới mình”.  

Trong đó, xúc tiến, quảng bá du lịch phải bài bản, đòi hỏi tất cả các ngành, các cấp cùng tham gia để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cần tái cấu trúc ngành du lịch, đầu tư khu điểm du lịch mới, hạ tầng phải bảo đảm tính đồng bộ, kết nối thông minh, nền tảng hạ tầng số để phát triển du lịch số, du lịch thông minh.

Đặc biệt trong xây dựng chính sách cần có sự liên thông, liên kết của các ngành để cùng phát triển du lịch. Huy động các nguồn lực, sự liên kết giữa các địa phương theo tính chất liên vùng, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Tính hiệu quả, bền vững của du lịch Việt chưa cao

Theo Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu, hiện nay hiệu quả du lịch chưa cao thể hiện ở giá trị sản phẩm du lịch vẫn còn thô nhiều hơn tinh, cơ cấu khách cao cấp sử dụng các sản phẩm dịch vụ cao cấp nhỏ hơn khách đại trà (trong số 100 khách thì chỉ có 3 khách sử dụng sản phẩm cao cấp). Do đó, cần phải nâng cao phân khúc khách du lịch cao cấp. 

Hiện nay, chúng ta chưa có sản phẩm cao cấp, mới tiếp cận được thị trường ở cấp trung bình, chưa chạm được nhiều vào thị trường cao cấp. Nguyên nhân vừa do thiếu đầu tư, tiếp cận quảng bá chưa chạm sâu vào phân khúc khách cao cấp. Chúng ta phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, số khách lớn nhưng hiệu quả chưa đúng với những gì chúng ta mong muốn.

Ông Hà Văn Siêu cũng chỉ ra tính bền vững của du lịch Việt Nam còn yếu. Theo đó,một số trung tâm du lịch lớn quá tải không đủ năng lực phục vụ; doanh nghiệp lữ hành phụ thuộc nhiều vào thị trường gửi khách nên đành chấp nhận việc đưa đến đâu được đến đấy. Câu chuyện chia sẻ lợi ích của lữ hành với người cung cấp dịch vụ ở địa phương được thực hiện như thế nào vẫn còn là vấn đề cần quan tâm giải quyết.

Mặt khác, phát triển bền vững về văn hóa, xã hội, môi trường cũng đang là một vấn đề lớn. Nhiều dự án đầu tư tự phát đã phá vỡ cảnh quan môi trường, làm chu kỳ sống của điểm đến suy thoái rất nhanh. Sau vài năm phát triển đông khách quá khiến không giữ được cảnh quan và vẻ đẹp vốn có tự nhiên nên du khách sẽ không muốn quay trở lại. Sản phẩm du lịch nhàm chán, chưa có sản phẩm độc đáo, văn hóa bản địa vùng miền chưa được khai thác hợp lý, chưa được giữ gìn bảo tồn, phát huy chiều sâu.

Hình ảnh, thương hiệu định vị Việt Nam trên thế giới chưa đạt được vững chắc trên những thị trường trọng điểm. Nhiều khách đến Việt Nam chưa thực sự hài lòng để khách có thể quay trở lại.

Bên cạnh đó, đầu tư hạ tầng chưa đồng bộ, khách tăng thì hệ thống giao thông công cộng tắc nghẽn; sân bay, nhà ga… quá tải. Các chương trình, hạ tầng để kết nối các điểm đến không được chú trọng làm giảm cơ hội cho các điểm đến mới ra đời.

“Du lịch muốn phát triển nhưng còn nhiều khó khăn hiện hữu cả về nguồn lực, trình độ, cơ chế không đồng nhất giữa các bộ, ngành; chưa có thiết chế điều tiết. Ví dụ như công tác phối hợp liên ngành giữa ngành văn hóa, du lịch, giao thông, công an, ngoại giao… cần có sự thống nhất, đồng điệu nhưng chúng ta vẫn chưa làm được”, ông Hà Văn Siêu chia sẻ.

“Nếu bảo thủ sẽ luôn tụt hậu”

Vấn đề nữa được Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đề cập là ở góc độ cạnh tranh thế giới.

“Du lịch là ngành hội nhập, muốn đón khách quốc tế hoặc đi du lịch thế giới chúng ta phải nói câu chuyện của thế giới. Thế giới liên tục thay đổi, nếu không nắm bắt sự thay đổi đó rồi bảo thủ theo thông lệ trong nước thì sẽ luôn tụt hậu”, ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh.

Du lịch phải thích ứng với thế giới, vì là ngành hội nhập để kịp hòa nhập với thế giới. Nhưng chúng ta lại phải đợi những quy định, thể chế trong nước về đi lại, thị thực… Đây là tình trạng ngành du lịch như đứng ở giữa hai làn, một là thế giới luôn đổi mới, hai là phải đợi những hài hòa trong nước để điều chỉnh nhưng trong nước thường chậm hơn thế giới nên luôn có những mâu thuẫn, xung đột.

Ông Hà Văn Siêu dẫn chứng, khi đi dự diễn đàn đa phương quốc tế mới thấy chúng ta mang tới những thứ của mình không hợp với thế giới, lấy của nước ngoài áp dụng vào mình cũng không hợp. Câu chuyện này thu hẹp được đến đâu là do chính nỗ lực của chúng ta. Khi làm chủ được sân đa phương trong hợp tác quốc tế, khi điều chúng ta đưa ra được thế giới chấp nhận thì ta mới chiếm lĩnh được “trận địa” cộng đồng quốc tế.

Đơn cử, ngành du lịch triển khai rất sớm thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về nghề du lịch (MRA-TP) dưới sự hỗ trợ của dự án phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam do Liên minh châu Âu tài trợ trước đây, đã xây dựng được tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam và Hội đồng cấp chứng chỉ nghiệp vụ du lịch Việt Nam. Đến nay, ASEAN trở thành Hội đồng ngành và Hội đồng cấp chứng chỉ ngành du lịch. Tuy nhiên Luật Việc làm của Việt Nam giao thẩm quyền đó cho Bộ LĐTB&XH và những nội dung thí điểm triển khai của Bộ VHTT&DL trong khuôn khổ dự án đó đến nay không được thực hiện.

Do đó khoảng cách giữa trong nước và quốc tế kéo sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam xuống. Tiếng nói vị thế của ngành du lịch còn thấp vì ngay từ đầu đã không đặt ra khung thể chế mà còn phụ thuộc vào các ngành khác. Du lịch là ngành tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực nhưng lại phụ thuộc khá nhiều vào ngành khác.

Về chính sách visa thì cần linh hoạt và khôn khéo hơn để giữ khách lưu lại lâu hơn. Thực tế, nhiều nước miễn thị thực cho khách du lịch 30 ngày nhưng ở Việt Nam phần lớn du khách các nước mới đang được hưởng chế độ miễn thị thực 15 ngày, trong khi đó du khách đến từ những thị trường xa thường có nhu cầu du lịch lâu hơn. Điều đó dẫn đến Việt Nam không thu hút được khách có khả năng lưu trú dài ngày với mức chi tiêu cao.

Các doanh nghiệp lữ hành đều muốn chính sách visa phải thông thoáng, thuận tiện; visa điện tử mở rộng các diện, miễn cho đủ những chương trình du lịch. Những chính sách liên quan đến du lịch cần phải được không ngừng đổi mới, hoàn thiện để đáp ứng các yêu cầu mới đặt ra.

Theo Diệp Anh

https://baochinhphu.vn/bai-3-co-hoi-de-du-lich-viet-nam-tu-duy-lai-co-cau-lai-lam-moi-minh-102220908181333456.htm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zalo

viVietnamese