Những năm gần đây, ngành du lịch tỉnh Đồng Tháp đã có bước chuyển mình mạnh mẽ về lượng khách và doanh thu; cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ không ngừng được nâng cao, công tác đào tạo nguồn nhân lực luôn quan tâm chuẩn hóa …trong đó công tác xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng riêng của vùng đất Sen hồng để thu hút du khách và tăng khả năng cạnh tranh trong phát triển du lịch chung của vùng được chú trọng có hiệu quả.

Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh phát triển nhanh, bền vững, ngành du lịch đã triển khai hiệu quả Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp về tiếp tục thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020.

Trong đó, chú trọng tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch theo hướng chuyên nghiệp; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra toàn diện về kinh doanh dịch vụ lưu trú, lữ hành, các khu điểm du lịch…, xét cấp nghiêm ngặt thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa và du lịch quốc tế để nâng cao chất lượng phục vụ du khách chuyên nghiệp.

Đặc biệt với các chính sách hỗ trợ đầu tư về phát triển du lịch; về hỗ trợ lãi suất vay tiền đối với các cá nhân, đơn vị phát triển du lịch cộng đồng đã khuyến khích nhân dân, các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển du lịch, chung tay phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp.

Bên cạnh đó, ngành du lịch luôn quan tâm chuẩn hóa, nâng cao đội ngũ làm du lịch thông qua tổ chức các hội thi thuyết minh viên du lịch, các lớp tập huấn kiến thức cơ bản về đón tiếp và phục vụ khách du lịch; đồng thời đã tăng cường liên kết vùng để hỗ trợ phát triển thông qua việc ký kết hợp tác với điểm nhấn là thỏa thuận hợp tác du lịch giữa Tiểu vùng Đồng Tháp Mười và TP. Hồ Chí Minh…

Để lôi kéo, thu hút khách và giữa chân khách du lịch đến với Đồng Tháp Ngành du lịch tỉnh đã chú trọng nâng chất lượng các dịch vụ, tăng sức hấp dẫn đối với du khách, bổ sung các sản phẩm dịch vụ đặc trưng, hạn chế xu hướng phát triển tự phát, làm giảm sản phẩm du lịch, ngành đã chú trọng thực hiện đa dạng hóa sản phẩm du lịch địa phương tại các khu điểm du lịch trọng điểm của tỉnh như tại Khu du lịch Tràm Chim đã xây dựng các tour du lịch trải nghiệm mùa nước nổi được các hộ dân vùng đệm tham gia khai thác và phục vụ khách du lịch với các dịch vụ: Trải nghiệm làm ngư dân, thu hoạch lúa ma, tham quan sinh thái bãi chim sinh sản, giỡ chà chuột,.. Nhất là gần đây, Tour tham quan hoa đồng nội Nhĩ cán tím và hoa Hoàng đầu ấn được đông đảo du khách đặc biệt yêu thích.

Tham quan nhà trưng bày trứng chim, cá nước ngọt tại Khu du lịch Tràm Chim

Đối với Khu di tích Xẻo Quít đã và tiếp tục triển khai Chương trình trải nghiệm một ngày làm nông dân, thu hút được đông đảo các công ty lữ hành đưa vào chương trình tham quan như: dỡ chà, giăng lưới bắt cá, bắt vịt trên sông, đua xuồng, cắm trại, trồng rau sạch…Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng đang khai thác thế mạnh về ẩm thực đồng quê với làng ẩm thực cuối tuần, khu biểu diễn ẩm thực phục vụ khách trải nghiệm và dịch vụ vận chuyển khách bằng xe bò cũng thu hút khá đông du khách trải nghiệm.

Khu du lịch Đồng Sen Tháp Mười phát triển du lịch trên nền tảng nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm cho cộng động đã dần hoàn thiện từ kỹ năng phục vụ cho đến chất lượng sản phẩm, là một trong những điểm đến yêu thích vào dịp cuối tuần của khách du lịch trong khu vực ĐBSCLvà TP. Hồ Chí Minh. Khu du lịch Văn hóa Phương Nam chính thức đi vào hoạt động phục vụ khách du lịch cũng đã góp phần thu hút khách về với Đồng Tháp để tham quan, trải nghiệm.

Điểm nhấn là Làng hoa kiểng Sa Đéc tổ chức trồng, hướng dẫn, giới thiệu khách tham quan, trải nghiệm quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ hoa kiểng, đặc tính, đặc điểm của từng loại hoa, tạo mô hình để khách tham quan chụp ảnh lưu niệm trong làng hoa. Chỉ tính riêng Tết 2017, Làng hoa Sa Đéc tiêu thụ trên 2,5 triệu giỏ hoa, đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng. Thương hiệu Làng hoa trăm tuổi được khẳng định và lan toả.

Bên cạnh đó, du lịch cộng đồng, homestay tại tỉnh Đồng Tháp có sự phát triển đột phá. Nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư các mô hình du lịch cộng đồng mới, với kinh phí đầu tư từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của một lượng lớn du khách, tạo sự phong phú, hấp dẫn sản phẩm và thương hiệu cũng như sự lan toả của du lịch Tỉnh. Nổi bật như 08 điểm tham quan du lịch vườn Quýt hồng, 01 điểm tham quan vườn Thanh long ở Lai Vung, đã đầu tư nhà chờ, nâng cấp nhà vệ sinh, bổ sung các phẩm quà lưu niệm, mạnh dạn cho du khách tham gia hái quýt tại vườn, tạo sự hứng khởi đối với khách tham quan; Làng du lịch cộng đồng Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh.

Khách tham quan tại Homestay Huỳnh Gia

Các điểm du lịch cộng đồng tại Sa Đéc: Homestay Ngôi nhà Hoa và Ếch; Ngôi nhà tre Phong – Levent; Homesaty Hoa Hồng – Cơ sở hoa kiểng cây xanh, Cơ sở hoa kiểng Hùng Thy và Khu vui chơi Happy Land – Hùng Thy (Sa Đéc), với nhiều dịch vụ, trò chơi mới lạ như: tắm ao, chạy xe đạp qua cầu ván, đu dây qua sông, bắt cá dưới ao, hấp dẫn du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Một số sản phẩm du lịch mới khác như: Tham quan Chùa Tổ (Huyện Cao Lãnh), Làng du lịch xanh Cồn Phú Mỹ (Thanh Bình), Làng dệt chiếu Định Yên (Lấp Vò), Làng đóng xuồng ghe Bà Đài (Lai Vung), Làng dệt khăn choàng Long Khánh (Hồng Ngự) cũng đã bước đầu thu hút được sự quan tâm của các công ty lữ hành ngoài Tỉnh tìm hiểu thông tin để đưa khách trong thời gian tới.

Trong năm 2018, du lịch Đồng Tháp sẽ phấn đấu đón và phục vụ 3,6 triệu lượt khách, trong đó có 90.000 lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu du lịch đạt 780 tỷ đồng.  Được biết, trong năm 2017, tổng số khách du lịch đến với Đồng Tháp đạt trên 3,3 triệu lượt khách, với trên 18.000 khách quốc tế, tăng 13,66% so với cùng kỳ. Tổng thu từ du lịch đạt 684 tỷ đồng, đạt 118,96%, tăng 40,24% so với cùng kỳ năm 2016, gần cán đích mục tiêu Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2015-2020 là đón 3,5 triệu lượt khách vào năm 2020./.

Nguyễn Toàn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zalo

viVietnamese