Với giá trị văn hóa đặc sắc, thể hiện dấu ấn riêng của con người, vùng đất nơi có di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành sản phẩm định vị cho thương hiệu du lịch ở địa phương. Việc phát huy giá trị di sản gắn với hoạt động du lịch góp phần quảng bá, tăng sức lan tỏa đối với các giá trị của di sản, qua đó tạo nguồn lực gìn giữ di sản hiệu quả hơn.
Trăn trở nghề làm muối Bạc Liêu dù dã được công nhận là di sản nhưng vẫn chưa có nhiều sản phẩm trải nghiệm, thực hành di sản dành cho du khách, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Xuân Thu Vân cho hay, các sản phẩm du lịch trải nghiệm nghề làm muối, sản phẩm lưu niệm, dược liệu từ muối còn ít, chưa xứng với giá trị của di sản văn hóa nghề làm muối Bạc Liêu. Chưa kể yếu tố khách quan là biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, hiện tượng bất thường trong thời tiết diễn ra với tần suất ngày càng cao, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất muối, tác động trực tiếp tới đời sống của diêm dân. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống nghề làm muối ở Bạc Liêu còn nhiều khó khăn.
UBND tỉnh Bạc Liêu giao Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch hướng dẫn xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm nghề làm muối, sản phẩm lưu niệm từ muối, dược liệu từ muối; phối hợp UBND huyện Đông Hải xây dựng Lễ hội Muối tổ chức định kỳ hàng năm nhằm quảng bá, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Qua đó góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch Bạc Liêu trên cơ sở vốn quý là di sản văn hóa từ nghề làm muối.
Trong kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh, thời gian tới, Bạc Liêu coi trọng phát triển sản phẩm du lịch làng nghề như làm muối, đan lưới, đánh bắt cá, nghề làm khô (khô cá, tôm biển, khô thịt heo, thịt trâu). Tỉnh khuyến khích sự tham gia của người dân vào hoạt động du lịch, hướng đến xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại địa phương để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Tỉnh chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) nhất là sản phẩm gắn với nghề truyền thống, di sản văn hóa để khai thác, phát triển du lịch.
Quan tâm đến giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản bền vững theo hướng du lịch xanh, thân thiện với môi trường, theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Tiêu Minh Tiên, các di sản văn hóa nghề muối ba khía hay nghề gác kèo ong thực sự là những tài nguyên quý với du lịch địa phương. Để khai thác bền vững các di sản, Cà Mau chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hành di sản, chú ý công tác bảo vệ các hệ sinh thái rừng như rừng mắm, rừng đước (đối với nghề muối ba khía), rừng tràm (đối với nghề gác kèo ong) để có thể hưởng lợi và bảo vệ thiên nhiên một cách bền vững.
Các địa phương, ngành chức năng lưu ý người dân tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm từ nghề truyền thống như luôn đảm bảo chất lượng mật ong gắn với thương hiệu mật ong U Minh, sản phẩm ba khía muối gắn với thương hiệu đặc sản Đất Mũi, góp phần gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của nghề truyền thống đã được công nhận là di sản văn hóa quốc gia.
Đề xuất việc đa dạng sản phẩm du lịch, gắn kết hiệu quả hơn giữa di sản với du lịch, tạo bước phát triển mới cho làng nghề dệt chiếu Định Yên (Đồng Tháp), Thạc sĩ Lê Thị Thanh Yến (Trường Đại học Đồng Tháp) đánh giá, làng nghề dệt chiếu Định Yên đã tạo ra nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình, giải quyết việc làm, giúp ổn định về mặt kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của người dân nông thôn. Để gắn kết với hoạt động du lịch nhiều hơn, qua đó lan tỏa mạnh hơn về những nét độc đáo của nghề làm chiếu bên sông Hậu đã được tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể, cần tổ chức thêm hoạt động liên quan đến làng nghề như, trải nghiệm làm người thợ chiếu, khôi phục phiên chợ “ma” bán chiếu hoặc tổ chức lễ hội Tổ nghề, thi làm chiếu giữa các hộ dân và đón du khách đến tham gia, thực hành di sản một cách chân thực, hấp dẫn.
Theo Thanh Trà (TTXVN)