Nhu cầu đi du lịch của khách nội địa và quốc tế đã thay đổi do tác động của đại dịch COVID-19 và phát triển nhanh của công nghệ 4.0, đòi hỏi các doanh nghiệp cần nắm bắt và đáp ứng trong tất cả các khâu dịch vụ. Trong đó việc xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với từng giai đoạn là rất cần thiết và quan trọng, quyết định sự “sống, còn” của doanh nghiệp du lịch.

Khai thác những thế mạnh về văn hóa của Việt Nam để phát triển
các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng…

Sản phẩm du lịch phải hấp dẫn, an toàn

Theo ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, xây dựng sản phẩm du lịch là khâu then chốt quyết định đến mức độ phát triển kinh doanh du lịch của doanh nghiệp lữ hành.

Từ những nhu cầu thực tế của thị trường du lịch trong giai đoạn hiện tại và hậu COVID-19, những sản phẩm du lịch được xác định mang tính chiến lược và cốt lõi là: Du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn và du lịch mạo hiểm.

Trong đó ông Phùng Quang Thắng nhấn mạnh đến sản phẩm du lịch văn hóa là những trải nghiệm đích thực của du khách tại một địa phương về lối sống, truyền thống, lịch sử, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, ẩm thực, nghề thủ công… Tất cả các hình thức trải nghiệm khác nhau được sáng tạo áp dụng phù hợp để du khách có thể cảm nhận được những nét đẹp, bản sắc và độc đáo mà người dân địa phương đang gìn giữ và phát huy.

“Tập trung phát triển du lịch văn hóa là tạo ra động lực chính thu hút khách du lịch, tăng cường mạnh mẽ sức cạnh tranh, nâng cao hình ảnh Du lịch Việt Nam”, ông Phùng Quang Thắng nói.

Cùng chung quan điểm trên, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng, do có sự thay đổi nhu cầu của khách du lịch nhằm đảm bảo sự an toàn và xử lý linh hoạt các tình huống có thể xảy ra khi thực hiện chương trình du lịch, các doanh nghiệp du lịch cần làm mới các sản phẩm du lịch truyền thống bằng việc bổ sung các biện pháp an toàn, chọn lựa các lộ trình, các điểm thăm quan, ăn nghỉ, mua sắm đủ điều kiện, liên hệ với các cơ sở y tế, các cơ quan có trách nhiệm để có thể giải quyết tình huống.

Trong đó tập trung vào các sản phẩm du lịch văn hóa, kiến trúc, phong cảnh ở ngay tại địa phương (nhằm đáp ứng nhu cầu đi ngắn thời gian, đi gần, đi nhóm nhỏ). Các sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng, nhấn mạnh yếu tố du lịch xanh (điểm đến xanh, tuyến du lịch xanh, cơ sở dịch vụ du lịch xanh,…). Phát triển du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm…), nhằm khai thác sự phục hồi của các cơ sở kinh tế, đưa MICE trở thành một nhánh quan trọng của du lịch Việt Nam. Phát triển du lịch thể thao, nhằm khai thác sự quan tâm nâng cao sức khỏe của người dân sau đại dịch như: Du lịch Golf; du lịch chạy bộ, đi bộ, bơi lội; các sự kiện thể thao trong nước và quốc tế; phát triển các dịch vụ du lịch (Dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cung cấp hàng hóa cho khách du lịch); xây dựng và khai thác các giá trị độc đáo, khác biệt của Ẩm thực Việt Nam, đưa Ẩm thực trở thành một sản phẩm nổi bật của Du lịch Việt Nam.

Chú trọng chuyển đổi số trong khai thác sản phẩm du lịch

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã hình thành nhiều rào cản, khó khăn cho việc di chuyển của du khách, từ đó dần dần hình thành một loại tour du lịch dựa chủ yếu vào nền tảng công nghệ 4.0. Theo ông Phùng Quang Thắng, đó có thể là cung cấp những tour du lịch online cho khách du lịch quốc tế bằng việc thiết lập hành trình du lịch gồm một số điểm dừng trong một khung giờ nhất định, khách ở nhà có thể truy cập vào nhóm online và hướng dẫn viên đi qua từng điểm và giới thiệu về điểm du lịch. Hướng dẫn viên và khách tương tác trên mạng internet, tuy không thể tối ưu chất lượng trải nghiệm của du khách nhưng đã giải quyết được phần nào nhu cầu du lịch. Hay hoạt động du lịch sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR) giúp cho khách có thể trải nghiệm các điểm du lịch trước khi có chuyến đi du lịch thực tế.

Ngoài ra, triển sản phẩm du lịch trên nền tảng công nghệ 4.0 còn có thể triển khai ở nhiều khâu dịch vụ làm tăng trải nghiệm hay cảm nhận của du khách về giá trị văn hóa hay tự nhiên của điểm tham quan, đặc biệt là giúp cho việc cá nhân hóa sản phẩm du lịch cho từng đối tượng, nhóm khách cụ thể.

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ 4.0, hàm lượng công nghệ  số, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo… vào sản phẩm du lịch ngày càng tăng. Sản phẩm du lịch số sẽ ra đời và kết hợp hài hòa với sản phẩm du lịch truyền thống làm tăng giá trị chuyến đi du lịch của du khách, đồng thời giúp các doanh nghiệp du lịch có những sản phẩm hấp dẫn hơn, tăng hiệu quả kinh doanh.

Ông Vũ Thế Bình cũng cho rằng, cần ứng dụng công nghệ số để chọn lựa các điểm đến, các cơ sở dịch vụ phù hợp và tạo sự chủ động trong quá trình triển khai các chương trình du lịch.

Theo đại diện Công ty Vietravel để khởi động lại du lịch trong bối cảnh mới cần ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và giám sát hoạt động du lịch như: Tích hợp hệ thống nhận diện người dân đã tiêm vaccine và khu vực vùng xanh vào một hệ thống dưới dạng QR code; đặt các máy quét QR code tự động tại các điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ để kiểm tra tình trạng của khách du lịch; đồng thời chia sẻ dữ liệu đối với các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng dịch vụ trực tiếp với khách hàng…

Theo Diệp Anh

https://m.baochinhphu.vn/Story.aspx?did=455745

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zalo

viVietnamese