Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định 1975/QĐ-TTg ngày 24/11/2021 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021 – 2030.
Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch đến năm 2025 là hoàn thành việc điều tra, thống kê, kiểm kê diện tích các vùng đất ngập nước trên phạm vi toàn quốc; xác lập được các vùng đất ngập nước quan trọng, các vùng đất ngập nước quan trọng có dấu hiệu bị suy thoái và xây dựng được cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước quan trọng.
Cả nước có 13 khu đất ngập nước được công nhận là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar); tăng diện tích các vùng đất ngập nước quan trọng được bảo vệ trên toàn quốc; mạng lưới các khu Ramsar Việt Nam được thiết lập và hoạt động có hiệu quả, trong đó chú trọng các hoạt động, chương trình du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường.
Đến năm 2030, cả nước có 15 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar; tăng số lượng các khu bảo tồn đất ngập nước; phục hồi được ít nhất 25% vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái;…
Phục hồi các vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái
Một trong những nhiệm vụ của Kế hoạch là phục hồi các vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái. Cụ thể, điều tra, đánh giá mức độ suy thoái, nguyên nhân và khả năng phục hồi của các vùng đất ngập nước quan trọng có dấu hiệu bị suy thoái tại Việt Nam;
Ưu tiên phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái tại các khu bảo tồn đất ngập nước, khu Ramsar và một số hệ sinh thái rừng tràm, rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển; xây dựng và thực hiện chương trình giám sát các mối đe dọa, đánh giá mức độ tác động đến các vùng đất ngập nước quan trọng, đặc biệt là các vùng đất ngập nước quan trọng dễ bị tổn thương;
Bên cạnh đó là nhiệm vụ xây dựng và triển khai các mô hình sinh kế bền vững về môi trường, mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước quan trọng.
Cụ thể, xây dựng và triển khai các mô hình sinh kế bền vững về môi trường, mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước quan trọng; tiến hành tổng kết, đánh giá hiệu quả của các mô hình đã triển khai và phổ biến rộng rãi;
Thí điểm các mô hình đồng quản lý, mô hình quản lý có sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng đối với một số vùng đất ngập nước quan trọng; triển khai thực hiện áp dụng cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng nguồn tài nguyên đất ngập nước.
Theo số liệu thống kê, các vùng đất ngập nước đã cung cấp lương thực, thủy sản cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2019. Khoảng 20 triệu người dân Việt Nam có thu nhập chính hoặc thu nhập một phần từ tài nguyên thủy sản và đang khai thác, sử dụng trên 300 loài hải sản và trên 50 loài thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế.
Những năm gần đây, giá trị của đất ngập nước được khai thác mạnh cho phát triển ngành du lịch như đảo Cát Bà, Côn Đảo, Phong Nha – Kẻ Bàng, Cần Giờ, Ba Bể, Tràm Chim,… là những điểm thu hút rất nhiều khách trong và ngoài nước.
Đất ngập nước còn có giá trị về văn hóa, xã hội, lịch sử. Chính đất ngập nước là cội nguồn của nền văn minh lúa nước gắn với đời sống văn hóa, tinh thần và nhiều phong tục của người dân Việt Nam. Đáng chú ý, đất ngập nước còn có giá trị về nghiên cứu khoa học và giáo dục để giúp con người hiểu biết đầy đủ hơn sự vận hành của các hệ thống tự nhiên, góp phần bảo vệ và cải tạo môi trường, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển bền vững.
Đa dạng nguồn lực cho bảo tồn và sử dụng bền vững cho các vùng đất ngập nước
Một trong những giải pháp của kế hoạch là đa dạng nguồn lực cho bảo tồn và sử dụng bền vững cho các vùng đất ngập nước, cụ thề:
Ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí cho nhiệm vụ bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước theo phân cấp của Luật ngân sách nhà nước, Nghị định 66/2019/NĐ-CP về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước;
Khuyến khích, huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp đầu tư tài chính cho hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước;
Xây dựng cơ chế đa dạng hóa nguồn đầu tư cho bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước thông qua các cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước, bồi hoàn đa dạng sinh học, cơ chế chia sẻ lợi ích tại các vùng đất ngập nước quan trọng và các cơ chế tài chính khác;
Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ quốc tế đầu tư cho các dự án về bảo tồn đất ngập nước, hoạt động về tuyên truyền cho công tác bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái;
Phát triển các hoạt dộng du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường tại các vùng đất ngập nước./.
XV-Phòng XTTM