Đi thăm các xã đạt tiêu chí nông thôn mới, nhìn thấy hai bên đường làng rực rỡ những luống hoa mà lòng cứ lâng lâng niềm vui. Những luống hoa, khóm lá, hàng rào cây xanh đơn sơ, dung dị vậy thôi mà chính là thành quả của bà con dưới sự phát động của các cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể quê mình. Làng quê mới mẻ có khi ẩn chứa từ những hình ảnh thân thương như vậy.

Đường làng là không gian công cộng, nó cũng giống như khoảng sân hay phòng khách trong mỗi ngôi nhà vậy. Sân nhà, phòng khách, nói nào ngay, dù nhà khá giả hay khó khăn đến mấy, thì bà con cũng cố gắng trồng vài cây kiểng, chưng vài chậu hoa. Để làm gì? Để làm đẹp đón khách đến nhà, để cho mình được thư thái sau một ngày lao động mệt nhọc. Vậy, con đường hoa cũng để chào đón khách đến thăm làng, để mỗi người dân làng cảm thấy lòng mình rộng mở hơn, yêu quê nhà hơn. Cái không gian bên ngoài coi vậy mà đôi khi lại len lỏi vào tận tâm hồn con người. Thì đó, bước vô ngôi nhà mà thấy bề bộn chén bát dơ chưa rửa chất đống, quần áo bẩn chưa giặt tứ tung, thì sẽ cảm thấy bức bối trong lòng đến nỗi nhiều khi không muốn bước vào. Ngược lại, nhìn ngôi nhà ngăn nắp, tươm tất, điểm thêm hoa lá thì thấy dễ chịu, dễ nhìn, thấy quý mến nhau hơn.

Trong bộn bề của cuộc sống, có khi con người chỉ biết châm bẩm làm lụng để tìm kiếm “miếng cơm, manh áo”. Suốt ngày “cuốc bẩm, cày sâu” nên đời sống tinh thần con người có khi bị khô khan và thấy cuộc sống sao mà đơn điệu, nhàm chán, dễ bị căng thẳng với nhau. Cứ tưởng tượng mà xem, ra đường mà ai cũng cau có thì sẽ dễ dẫn tới những hiềm khích, thậm chí sẵn sàng lớn tiếng, hằn học với nhau chỉ vì một va chạm nhỏ. Cuộc sống từ ngày này sang ngày kia, năm này tháng nọ quanh quẩn chỉ có bấy nhiêu.

Nông thôn mới đâu chỉ là mới mẻ ở con đường, cây cầu hay nhà văn hoá, trụ sở… Nông thôn mới mới mẻ còn xuất phát từ cách sống của mỗi con người dân làng. Con người phải vui vẻ với nhau, “tương thân, tương ái” với nhau, gặp nhau là “tay bắt mặt mừng”, là rộn rã tiếng cười. Muốn vui với nhau thì cần tự thấy trong lòng mình thư thái, nhẹ nhàng, vì “người buồn thì cảnh có vui đâu bao giờ” mà! Vậy, những con đường rợp bóng cây xanh, điểm thêm những luống hoa nhiều màu sắc rực rỡ giúp tạo ra những không gian cộng đồng mà mỗi người chung tay vun trồng rồi sẽ tạo cho cuộc sống tinh thần trong sâu thẳm của từng người, từng nếp nhà tốt đẹp lên. Khi thẩm thấu được giá trị sâu xa từ những điều như vậy mới không rơi vào bệnh thành tích, làm theo kiểu phong trào, “đầu voi, đuôi chuột”. Khi thấy được những điều hay như vậy, mỗi người sẽ chung tay tự giác thực hiện vì mình, cho mình mà.

Xây dựng nông thôn mới là của người dân, vì người dân, do người dân. Nông thôn mới hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng sống của người dân. Nói đến chất lượng sống, chúng ta thường nghĩ nhiều hơn đến mức sống về vật chất biểu hiện thông qua thu nhập. Tuy nhiên, chất lượng sống còn bao gồm và đôi khi còn quan trọng hơn, đó là, đời sống tinh thần của người dân. Lại một lần nữa cứ tưởng tượng mà xem, xã hội nông thôn mà mỗi người chỉ biết sống cho riêng mình, vì mình, nhà ai nấy biết, người nào nấy lo thì còn đâu là sức mạnh của cộng đồng dân cư. Sức mạnh của một cộng đồng đâu chỉ là con số cộng đơn thuần, mà là con số nhân nếu cộng đồng đó có sự gắn kết chặt chẽ. Sức mạnh đó sẽ được xây dựng bằng niềm tin giữa người dân với nhau. Chỉ khi có được sự gắn kết bền chặt thì sẽ vượt qua những so đo tính toán, dòm ngó chỉ trích, đố kỵ hẹp hòi.

Để cộng đồng yêu quý nhau thì lòng người phải cởi mở. Muốn lòng người cởi mở thì không gian sống phải tươi mới, những con đường làng phải xanh –  sạch –  đẹp, những dòng sông phải trong lành. Không gian sống từ trong nhà ra đường làng mà nhìn đâu cũng thấy bề bộn, nhếch nhác, con người sẽ thấy bước chân nặng nề hơn, nụ cười gượng gạo hơn. Ngược lại, không gian sống đầy màu sắc tạo ra cảm xúc tích cực trong mỗi người. Cảm xúc tích cực thì làm lụng cũng sẽ năng suất, hiệu quả hơn, chất lượng sống sẽ được nâng lên.

Nhìn lại những xã nông thôn mới còn nhiều việc phải làm. Mà đâu có khó khăn gì lắm đâu, chỉ cần mỗi người chung tay góp sức một chút thôi là sẽ tạo ra sự thay đổi lớn cho cả cộng đồng. Cùng nhau xây dựng làng quê, cùng nhau quản lý làng quê để rồi cùng nhau thụ hưởng thành quả do mình tạo ra, giữ gìn và truyền lại cho con cháu đời sau.

Mong rằng, sẽ có nhiều hơn nữa những con đường làng rợp bóng cây xanh, rực rỡ sắc màu hoa lá để mỗi làng quê trên mảnh đất Sen hồng thấm đẫm hồn đất, tình người.

Theo Xích Lô – dongthap.gov.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zalo

viVietnamese