Với điểm nhấn là các sản phẩm khởi nghiệp, Hội chợ triển lãm nhịp cầu Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp năm 2018 chủ đề “Đồng Tháp một địa phương khởi nghiệp” thu hút nhiều người dân đến tham quan, mua sắm. Đây được xem là cầu nối để các sản phẩm khởi nghiệp tiếp cận với người tiêu dùng…

Sản phẩm khởi nghiệp tiếp cận với người tiêu dùng

Hội chợ năm nay có trên 300 gian hàng của các tổ chức, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, cơ sở sản xuất, làng nghề trong và ngoài tỉnh tham gia. Trong đó, số lượng gian hàng sản phẩm khởi nghiệp chiếm phần lớn đã tạo nên sức hút đối với người tiêu dùng. Qua đó thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với phong trào khởi nghiệp địa phương.

Chị Nguyễn Thúy Loan ngụ phường 3, TP. Cao lãnh cho biết: “Điều thú vị khi tham quan hội chợ lần này là tôi được tiếp cận với nhiều mặt hàng khởi nghiệp mới. Tôi đã mua một số sản phẩm khởi nghiệp về dùng thử, nhằm ủng hộ tinh thần cho các startup”.

Theo quan sát tại các gian hàng, nhiều sản phẩm khởi nghiệp đã có chỗ đứng trên thị trường được người tiêu dùng rất quan tâm. Chị Nguyễn Anh Thy – chủ dự án củ ấu tươi tách vỏ (xã An Bình, huyện Cao Lãnh) chia sẻ: “Thời gian qua, khách hàng biết đến nhiều hơn về củ ấu tươi tách vỏ. Vì vậy, trong hội chợ lần này, củ ấu được bán ra với số lượng khá tốt. Đây còn là dịp để công ty giới thiệu dòng sản phẩm mới với người tiêu dùng, đó là sữa ấu”.

Với những dự án khởi nghiệp còn “non trẻ” thì đây là dịp để sản phẩm tiếp cận thị trường, tìm các đối tác trong kinh doanh. Anh Nguyễn Ngọc Phú – chủ cơ sở muối ớt ngào Ngọc Phú, xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười thông tin: “Tham gia hội chợ lần này, cơ sở không đặt nặng lợi nhuận mà chủ yếu để giới thiệu sản phẩm. Ngoài ra, thông qua sự phản hồi của khách hàng sẽ giúp cơ sở hoàn thiện quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng”.

Hợp tác xúc tiến thương mại đầu tư với Lào

Trong khuôn khổ hội chợ năm nay còn có hội nghị hợp tác xúc tiến thương mại và đầu tư giữa tỉnh Đồng Tháp với tỉnh Champasak, Salavan và thủ đô Viêng Chăn thuộc nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Sự kiện nhằm hợp tác xúc tiến thương mại và đầu tư; giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trên các lĩnh vực giữa Đồng Tháp và các tỉnh nước Lào.

Theo ông Châu Hồng Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, tình hữu nghị, đoàn kết Việt – Lào là mối quan hệ đặc biệt và nghĩa tình, trong đó có quan hệ hữu nghị truyền thống giữa tỉnh Salavan, Champasak và thủ đô Viêng Chăn với tỉnh Đồng Tháp.

Thời gian qua, các địa phương đã xúc tiến nhiều quan hệ hợp tác, hoạt động giao lưu, học tập trao đổi kinh nghiệm ý nghĩa. Đặc biệt, trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, tỉnh Champasak đã tặng nhiều suất học bổng cho 2 cán bộ tỉnh Đồng Tháp sang học ngôn ngữ Lào. Thực hiện Đề án đối ngoại với các tỉnh Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, trong 2 năm 2017, 2018, tỉnh nhà tiếp nhận đào tạo 27 lưu học sinh Lào sang học các ngành về y tế, nông nghiệp tại Trường Cao đẳng Y tế, Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp.

Tuy nhiên hoạt động hợp tác, xúc tiến thương mại và đầu tư giữa tỉnh Đồng Tháp và các địa phương của Lào chưa đạt kết quả như mong đợi. Hiện tại, có ít DN Đồng Tháp sang đầu tư hoặc có hoạt động trao đổi thương mại tại các tỉnh Salavan, tỉnh Champak và thủ đô Viêng Chăn. Và ngược lại, hiện chưa có DN Lào đầu tư tại tỉnh Đồng Tháp. Tại hội nghị, ông Châu Hồng Phúc cho rằng, sự kiện này sẽ là cơ hội để lãnh đạo các địa phương gặp gỡ, chia sẻ và tìm hiểu về cơ hội hợp tác song phương, đa phương với nhau trên các lĩnh vực thủy sản, dược phẩm,…

Thông qua những chia sẻ về chính sách thu hút đầu tư từ nước bạn, các DN tỉnh nhà bày tỏ mong muốn sự hợp tác, đầu tư trong thời gian tới. Ông Huỳnh Minh Đông – Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May chia sẻ: “Thế mạnh của DN là chế biến xuất khẩu gạo, cá tra… Ngoài ra, công ty còn phát triển các sản phẩm chế biến công nghệ cao với sự kết hợp giữa các yếu tố công nghệ, tri thức và tài nguyên bản địa. Hy vọng thời gian tới, Cỏ May tiếp cận nhiều thông tin về tài nguyên bản địa của nước bạn để có cơ hội kết nối, hợp tác cùng phát triển”.

Theo ông Lương Nguyễn Duy Thông – Giám đốc Công ty TNHH MTV K&Y, dù DN đã có một số đối tác tại thị trường Lào trong 3 năm qua nhưng việc xuất khẩu hàng hóa sang nước bạn gặp một số khó khăn do chi phí vận chuyển, logistic khá cao. Vì vậy, K&Y mong muốn tìm hiểu thêm các chính sách đầu tư, ưu đãi tại Lào để xây dựng kế hoạch phát triển thị trường này trong thời gian tới.

Nhằm giúp sự hợp tác, đầu tư được thuận lợi trong thời gian tới, ông Ber Lin Phet Chan Tha Lath – Giám đốc Sở Công Thương thành phố Viêng Chăn thông tin, việc phát triển hệ thống logistics nhằm giảm chi phí DN là một trong những nội dung được chính phủ Lào rất quan tâm. Hiện nay, Bộ Công chánh Vận tải Lào đang nghiên cứu về chính sách này và sẽ trình Chính phủ Lào trong thời gian tới…

Theo Y DU (baodongthap.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zalo

viVietnamese