Dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong cộng đồng với những diễn biến phức tạp và khó lường khiến du lịch lại một lần nữa rơi vào tình trạng tê liệt.
Doanh nghiệp du lịch gần như tạm đóng cửa toàn bộ, hàng triệu lao động trong ngành phải chuyển nghề vì không thể theo đuổi đam mê mà quên nỗi lo cơm áo gạo tiền.
Học nghề mới
“Du lịch lại tạm thời nghỉ dịch, tôi tạm chuyển sang làm nông nghiệp sạch. Niềm đam mê du lịch thì không bao giờ cạn nhưng giờ vẫn phải ổn định cuộc sống và đây cũng là việc tôi thích”, Nguyễn Lan Anh, Giám đốc VTB (Thái Bình) thổ lộ.
Lan Anh liên kết với bà con trong vùng trồng dưa lê, hoa hồng, húng chanh, mít… các loại cây ăn quả và thảo dược theo phương pháp trồng vi sinh, không hóa chất. Trang trại Daza Ecofarm của cô là nơi để khách du lịch đến trải nghiệm với mô hình nông nghiệp sạch kết hợp du lịch. Đến vụ thu hoạch, Lan Anh đứng ra bao tiêu sản phẩm với giá bán cao hơn hẳn giá ngoài chợ vì là nông sản sạch. Ở mỗi nơi, cần phải tính toán để trồng cây gì, trồng như thế nào để phối màu trên cánh đồng sao cho mùa nào cũng có chỗ check in. “Đi nhiều tôi thấy nông dân rất hiểu về những thứ mình trồng, mình nuôi, từ đó có thể tạo ra những tour trải nghiệm đặc sắc, với diện tích trồng có nơi lên tới hàng trăm ha, chắc chắn sẽ thu hút đông du khách, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên và người nông dân ở trong nước. Tôi mơ ước tạo ra nhiều vùng sinh thái với mô hình nông nghiệp sạch kết hợp du lịch không chỉ ở quê hương mình mà ở nhiều địa phương khác. Du lịch bây giờ buồn quá. Chỉ một số ít công ty lớn là cầm cự được, còn lại phải chuyển nghề hết. 2 năm liền dịch như thế này, ai còn vốn để làm nữa? Nhiều giám đốc công ty du lịch, khách sạn, hướng dẫn viên phải chuyển sang dạy ngoại ngữ, kinh doanh bất động sản, bán mỹ phẩm, bán hàng online, mở hàng ăn, chạy xe Grap, bán bảo hiểm… Không ai có thể tưởng tượng, du lịch từng là một ngành thời thượng lại có lúc bi đát thế này”, Lan Anh nói.
Trong mùa dịch, du lịch không còn sôi động như năm 2019 trở về trước nhưng Lan Anh và một số người khác lại được làm những việc mà nếu bình thường, mải mê với du lịch lại không có thời gian và tâm trí để thực hiện. “Khi làm nông nghiệp sạch, tôi không thấy mình là giám đốc hay nhà nông, chỉ nghĩ đến mục tiêu sạch hoá nền nông nghiệp của quê hương. Tôi luôn cố gắng cao nhất để chia sẻ những kiến thức mình có được cho bà con nông dân quê mình và chia sẻ với cả các khách du lịch của công ty lâu nay”, Lan Anh nói.
Chờ hết dịch
Với ông Nguyễn Quang Thắng, Giám đốc Công ty du lịch Tictours Nha Trang (Khánh Hoà), ngay từ khi dịch xuất hiện tại Việt Nam năm 2020 đã về “làm vườn” tại vườn nhà cách thành phố 20 km. Hằng sáng, ông Thắng dậy sớm, hái cây trái trong vườn, tưới cây. “Sống như một nông dân thực thụ, chăm sóc các loại cây mít, cà phê, xoài, sầu riêng, nuôi cá, gà, dê, lợn, ngỗng, hươu, chồn… và ăn uống bằng thực phẩm tự cung tự cấp giờ với tôi là một cái thú”, ông Thắng chia sẻ.
Theo ông Thắng, dịch bệnh Covid-19 gây ra những thiệt hại khủng khiếp cho nền kinh tế và toàn xã hội. Ngành nào cũng chịu thiệt hại nhưng du lịch là ngành chịu tổn thất nhiều nhất. Đến “làn sóng” dịch thứ 4 này, các doanh nghiệp dường như không gượng dậy nổi. Tictours là một trong những công ty phát triển đều các mảng nội địa, outbound (đưa khách Việt Nam ra nước ngoài) và inbound (đón khách nước ngoài vào Việt Nam), mỗi năm phục vụ cả nghìn khách. Đến giờ này, công ty chỉ còn giữ lại 3 nhân lực chủ chốt như kế toán, điều hành tour… chủ yếu để giải quyết việc hoàn huỷ của khách và công nợ với đối tác, hưởng lương 50%, làm việc online. Còn lại toàn bộ nhân viên đều đã xin nghỉ việc, hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thường xuyên theo dõi thông tin dịch bệnh và trao đổi online với các đồng nghiệp ngành Du lịch, ông Thắng không để phí thời gian và cũng không cho phép mình được dừng lại. “Từ đầu mùa dịch, chúng tôi đã lập một nhóm đạp xe để rèn luyện ý chí, sức khỏe, tranh thủ khảo sát những điểm đến mới, cung đường mới. Mỗi ngày tôi đạp 40 km, cuối tuần đạp nhiều hơn. Chuyến đi xa nhất, cuối tháng 3.2021, tôi đạp 650 km từ Nha Trang ra Huế trong 4 ngày. Sau đó, người và xe lên tàu hoả về lại Nha Trang”, ông Thắng cho hay. Trong chuyến đi Huế, trên suốt hành trình, ông Thắng treo cờ có biểu tượng bông sen và khẩu hiệu “Việt Nam – vẻ đẹp bất tận” để quảng bá cho Du lịch Việt Nam. Ông dự định, đầu tháng 5 sẽ đạp xe từ Huế ra Hà Nội dự Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) Hà Nội 2021 nhưng dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng nên kế hoạch này “phá sản”.
Kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19 đến nay, có thể thấy, những người còn kinh doanh du lịch là những người rất yêu nghề, yêu du lịch nên khó khăn mà không bỏ. Có những người thức thời, chuyển hướng sang kinh doanh, sản xuất khẩu trang, kinh doanh bất động sản, mỹ phẩm, thực phẩm… có những kết quả rất tốt, ít tổn thất về kinh tế. Nhưng cứ khi nào dịch yên ổn, những người làm du lịch lại sẵn sàng với công việc và niềm đam mê của mình.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ)
THEO NGUYỄN ANH
http://baovanhoa.vn/du-lich/artmid/416/articleid/40988/dan-du-lich-tim-loi-thoat160-trong-mua-dich