Nhằm từng bước phôi phục lại hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã xây dựng Chương trình phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với chủ đề “Du lịch an toàn – Trải nghiệm trọn vẹn”. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch về mở cửa lại hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh trong điều kiện bình thường mới. Những tháng đầu năm 2022, tỉnh tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch đánh dấu hoạt động mở cửa du lịch trở lại, làm đòn bẩy cho ngành du lịch đẩy nhanh tốc độ phục hồi trong trạng thái bình thường mới. Trong đó, nhiều sự kiện được tổ chức thành công với quy mô cấp tỉnh, cấp khu vực gắn với TP Hồ Chí Minh, có chiều sâu, gắn với tạo dựng hình ảnh địa phương và xây dựng văn hóa, con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo; phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh và đáp ứng sự mong mỏi, nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần trong Nhân dân.
Nổi bật, Lễ hội Vía bà Chúa Xứ Gò Tháp năm 2022 tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp tọa lạc xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười mang đậm tín ngưỡng văn hóa dân gian truyền thống kết hợp hàng loạt hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, giải trí. Sau 2 năm giảm quy mô do dịch Covid-19, Lễ hội Vía bà Chúa Xứ Gò Tháp năm nay được tổ chức đủ phần lễ và phần hội gắn với nhiều hoạt động kích cầu du lịch, thu hút đông đảo người dân đến hành hương và tham quan du lịch. Ông Ngô Quang Tuyên – Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh cho biết, với mục tiêu từng bước nâng tầm Lễ hội Vía bà Chúa Xứ Gò Tháp gắn với tạo dựng hình ảnh địa phương, phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư tỉnh đã chủ động kết nối với các đơn vị lữ hành nhằm liên kết tour, tuyến du lịch đến với Di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp. Tín hiệu vui là trong 3 ngày (14 – 16/4/2022) diễn ra Lễ hội Vía bà Chúa Xứ Gò Tháp đã thu hút hàng chục ngàn người dân hành hương, các đoàn du khách đến Gò Tháp, tạo đà khôi phục lại các hoạt động du lịch sau dịch Covid-19.
Tỉnh đã tổ chức các hoạt động như: Lễ kỷ niệm 30 năm Khu di tích Xẻo Quít được xếp hạng Di tích Lịch sử – Văn hóa Quốc gia; Ngày sách và văn hóa đọc lần thứ nhất; Hội nghị triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam khu vực Tây Nam bộ; Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ 1; Diễn đàn kết nối du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long… gắn với việc kích cầu du lịch đã thu hút khoảng 90.000 du khách và người dân đến hành hương và tham quan du lịch. Song song đó, để nâng cao tính chuyên nghiệp của du lịch Đồng Tháp, tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn nhằm trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, cách làm hay, giải pháp thiết thực để tạo ra những sản phẩm dịch vụ du lịch có tính hấp dẫn cao thu hút du khách, góp phần đa dạng các sản phẩm du lịch của tỉnh. Triển khai tập huấn kỹ thuật chế biến 20 món ăn từ sen (trong Danh mục 200 món ăn từ Sen được xác lập Kỷ lục Thế giới) cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ẩm thực, điểm du lịch, điểm tham quan cộng đồng, khách sạn có phục vụ ẩm thực để đưa vào thực đơn phục vụ khách.
Sở VH,TT&DL cũng triển khai phối hợp tổ chức tham gia quảng bá du lịch, các sản phẩm hàng quà tặng, đặc sản, sản phẩm OCOP tại Hội chợ Du lịch quốc tế Hà Nội – VITM Hanoi 2022. Toàn tỉnh phát triển mới 3 điểm du lịch cộng đồng ở các huyện: Tam Nông, Tân Hồng và TP Cao Lãnh, 1 Làng du lịch cộng đồng ở huyện Cao Lãnh. Có 2 điểm du lịch đầu tư nâng cấp và được công nhận là Điểm du lịch cấp tỉnh theo Luật Du lịch 2017 (Điểm du lịch Việt Me-Kong Farmstay và Điểm du lịch sinh thái Sunny). Các doanh nghiệp lữ hành đã khôi phục hoạt động, xây dựng nhiều chương trình tour du lịch nội địa phục vụ khách nhân dịp các lễ hội. Đặc biệt, hoạt động du lịch đường thủy nội địa đang được các doanh nghiệp, cơ sở, hộ dân trên địa bàn tỉnh quan tâm đầu tư đóng tàu, xin phép mở bến khách để khai thác tiềm năng lợi thế sông Mêkông trong phát triển loại hình du lịch mới, hứa hẹn thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước đến với vùng Đất Sen hồng.
THEO DŨNG CHINH