Các đề xuất và nhận định được Ban IV đưa ra trên cơ sở các hoạt động nghiên cứu độc lập cũng như quá trình phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hội thảo, hội nghị đối thoại công – tư để đánh giá các giải pháp thúc đẩy phục hồi, phát triển ngành du lịch sau đại dịch.
Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) tiếp tục có báo cáo và một số đề xuất với Thủ tướng xung quanh kiến nghị của các doanh nghiệp hàng không, du lịch về việc mở cửa du lịch quốc tế.
Cụ thể, Báo cáo tháng 1/2022 gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Ban IV cho rằng, sau gần 4 tháng ban hành và áp dụng Nghị quyết 128/NQ-CP, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã rất thành công trong việc chuyển trạng thái phòng chống dịch trên toàn quốc sang giai đoạn “thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh”, tạo tâm lý và khí thế hoàn toàn mới cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nhiều ngành lĩnh vực.
Thông điệp và chủ trương nhất quán này đã được Chính phủ khẳng định thông qua các quyết sách, nhằm tạo điều kiện ngày một thuận lợi hơn cho quá trình giao dịch thương mại, đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt, với kết quả tiêm vắc xin cao TOP 10 thế giới (theo số liệu ở thời điểm hiện tại), Việt Nam duy trì được hình ảnh là một đất nước phòng, chống dịch hết sức hiệu quả trong đánh giá của cộng đồng quốc tế. “Tất cả các yếu tố này tạo nên một bối cảnh đặc biệt thuận lợi cho các quyết sách có tính “đột phá” của Chính phủ, bao hàm trong đó việc xem xét mở cửa sớm du lịch quốc tế để tạo cơ hội và động lực cho quá trình phục hồi một ngành kinh tế hết sức quan trọng, giúp tái thiết công văn việc làm cho 2,5 triệu lao động của ngành này cũng như hàng triệu lao động các ngành, lĩnh vực liên quan khác”, Ban IV nhấn mạnh.
Theo đánh giá của Ban IV, trong lĩnh vực du lịch, một số nước là thị trường du lịch có yếu tố “cạnh tranh” với Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản… (nhóm các nước có tập quán “ăn đũa”, vốn có sức hút rất lớn với du khách quốc tế đặc biệt là khách châu Âu, Mỹ) hiện vẫn đang trong tình trạng “nói không với Covid”, hoặc duy trì các quy định ngặt nghèo với mọi đối tượng nhập cảnh. Do đó, việc Việt Nam có Công văn 6683/VPCP – ĐMDN ngày 13 tháng 08 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ, thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ra quyết định mở cửa du lịch quốc tế ngay ở thời điểm này được các chuyên gia nhìn nhận như là một quyết sách chiến lược để tận dụng “thời điểm vàng” nhằm giúp ngành du lịch Việt Nam “cất cánh”.
Bên cạnh đó, rất nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cũng đánh giá, việc mở cửa du lịch quốc tế ngay từ đầu năm 2022 sẽ góp phần khơi thông dòng đầu tư quốc tế và các giao dịch thương mại – xuất nhập khẩu với Việt Nam. Thực tế, nhiều nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm thị trường Việt Nam nhưng còn gặp khó khăn khi chưa có cơ chế để đi lại thuận lợi.
Tuy vậy, theo Ban IV để việc mở cửa thị trường thực sự thành công và tận dụng được thời cơ vàng để khôi phục ngành du lịch, còn nhiều vấn đề cần cải thiện. Chương trình thí điểm thực hiện đón khách du lịch quốc tế vào 07 địa phương (05 địa phương giai đoạn 1 và bổ sung thêm 02 địa phương ở giai đoạn 2) được triển khai thực hiện thời gian qua đã mang lại những thành quả bước đầu, đồng thời cũng cho thấy còn một số vấn đề cần khắc phục để chuẩn bị cho việc mở cửa thuận lợi, hiệu quả đồng thời đảm bảo an toàn. Với số lượng 8.500 khách quốc tế tới Việt Nam trong 2 tháng thí điểm vừa qua, mặt ưu điểm được các bên liên quan đồng thời ghi nhận đó là không có các sự cố hay các tình huống rủi ro nào lớn phát sinh, không tạo thêm nhiều áp lực cho bài toán phòng, chống dịch trong nước.
Tuy nhiên, đây mới là đánh giá bước đầu bởi số liệu thí điểm còn ở quy mô rất nhỏ. “Việc thiếu hụt các quy trình hoặc không rõ ràng về quy trình để xử trí với các tình huống khác nhau về tình trạng y tế của du khách và việc tồn tại các quy định hết sức ngặt nghèo, tạo nên trải nghiệm hoàn toàn không tốt cho du khách (như quy định cách ly, các yêu cầu giấy tờ hành chính hàng loạt, yêu cầu mặc bảo hộ khi lên máy bay, hạn chế khả năng di chuyển đi lại…) và việc các địa phương vẫn áp dụng các biện pháp hành chính hoàn toàn khác nhau cho dù cùng cấp độ dịch… được đánh giá là những vấn đề phải cải thiện nhanh chóng để mở cửa thực sự với du lịch quốc tế”, Ban IV nhận định.
Trước tình hình và thực trạng nêu trên, căn cứ trên các kiến nghị khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ của nhóm doanh nghiệp hàng không, lữ hành, du lịch và dịch vụ du lịch mới đây, Ban IV tiếp tục đề xuất với Thủ tướng Chính phủ 4 vấn đề.
Thứ nhất, đề xuất Thủ tướng lựa chọn và đưa ra một quyết sách chiến lược dựa trên kết quả hết sức ấn tượng về phòng chống dịch, tiêm vắc xin trong nước, đã được các chuyên gia y tế uy tín phân tích, kiểm chứng từ các yếu tố dịch tễ, để thể hiện chủ trương nhất quán, ý chí quyết liệt và quyết tâm cao của Chính phủ trong việc khôi phục kinh tế ngay trong năm 2022, đồng thời không để bị lỡ nhịp bứt phá so với các quốc gia khác trong khu vực. Đó là công bố “Thời điểm mở cửa hoàn toàn cho du lịch quốc tế tới Việt Nam” ngay trong đầu tháng 2 để các địa phương cùng các doanh nghiệp ngành du lịch, hàng không có mốc thời gian nhằm xây dựng các kế hoạch, chuẩn bị nguồn lực hiệu quả, sẵn sàng đón khách quốc tế.
Thứ hai, đề xuất Thủ tướng chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt để Bộ Y tế và các Bộ, ngành bắt tay ngay vào việc cải thiện các quy trình, quy định hiện hành liên quan tới đảm bảo an toàn dịch bệnh đối với khách du lịch quốc tế, với tinh thần cắt hoặc giảm tối đa các quy định phức tạp, không cần thiết để tăng cường các trải nghiệm chất lượng cho du khách.
Thứ ba, để tận dụng “thời cơ vàng” và tạo động lực cho ngành du lịch bứt phá nhanh hơn nữa, Ban IV nhắc lại kiến nghị Chính phủ cho khôi phục lại chương trình miễn VISA cho khách du lịch quốc tế tại các thị trường trọng điểm như năm 2019 và tiếp tục đẩy mạnh chính sách này với các thị trường tiềm năng khác để thu hút khách quốc tế tới Việt Nam.
Cuối cùng và không kém phần quan trọng, theo Ban IV, để tăng cường năng lực y tế trong nước nhằm sẵn sàng ứng phó, cung cấp các giải pháp giải quyết các bài toán phát sinh khác nhau với du khách trong quá trình mở cửa du lịch quốc tế, nhất là cung cấp các dịch vụ y tế có nền giao tiếp tiếng Anh, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế đẩy nhanh việc thực hiện các chỉ đạo của Bộ Chính trị tại kết luận số 25/KL-TW ngày 30/12/2021, trong đó có chủ trương cho phép “các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân tham gia chăm sóc điều trị bệnh nhân Covid 19 được thu phí trong trường hợp người bệnh tự nguyện” và truyền thông, khuyến khích các cơ sở y tế tư nhân nghiên cứu, phát triển, mở rộng đầu tư cho các dịch vụ tiềm năng.
Trước đó, trong những ngày cận Tết Nhâm Dần, đại diện các hãng hàng không và một số tập đoàn du lịch lớn nhất Việt Nam, cùng đại diện Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) đã thống nhất có Thư kiến nghị khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất công bố ngay trong tháng 2 “Thời điểm mở cửa Du lịch quốc tế tại Việt Nam”.
Trong Thư kiến nghị khẩn gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, 6 hãng hàng không và các tập đoàn du lịch đều khẳng định, bằng việc quyết liệt ban hành và áp dụng Nghị quyết 128/NQ-CP, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã rất thành công trong việc chuyển trạng thái phòng chống dịch trên toàn quốc sang giai đoạn “thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh”. Bên cạnh đó, nhờ sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng và Chính phủ, Việt Nam cũng đã đạt được kết quả vô cùng ấn tượng trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin lớn nhất từ trước tới nay. Đây là nền tảng đặc biệt quan trọng để Việt Nam đẩy nhanh việc khôi phục hoạt động kinh tế, mở cửa lại ngành hàng không và du lịch với bạn bè quốc tế./.
Theo Hiếu Phương