Hai năm tê liệt kinh doanh vì dịch Covid-19, thời điểm mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch vào ngày 15/3 là tin vui nhất của cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Song họ vẫn còn ngổn ngang lo lắng trước “giờ G”.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, với cộng đồng hơn 40.000 doanh nghiệp, hơn 1 triệu lao động trực tiếp và 2 triệu lao động gián tiếp. Tuy nhiên, theo thống kê của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), 95% doanh nghiệp lữ hành và gần một nửa doanh nghiệp khách sạn đóng cửa, các doanh nghiệp hàng không chịu đựng tổn thất nặng nề.
Chia sẻ về thực tế khốc liệt của ngành du lịch trước đại dịch, ông Vũ Thế Bình – Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay, hiện rất nhiều điểm du lịch trong cả nước “không gian vắng lặng như tờ” vì không có khách du lịch; nhiều cơ sở kinh doanh, điểm đến phủ bụi, xuống cấp nghiêm trọng.
Vì thế, theo đại diện cộng đồng doanh nghiệp du lịch, mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch từ ngày 15/3 có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ riêng ngành này mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế. Tuy vậy, trước “giờ G” mở cửa trở lại cộng đồng doanh nghiệp vẫn ngổn ngang lo lắng do các quy định ngặt nghèo, chưa thật sự thông thoáng. Những hạn chế này đang làm cho cộng đồng kinh doanh thấp thỏm, bởi khách quốc tế sẽ “ngại” đến Việt Nam, có những cân nhắc và lựa chọn các quốc gia khác với thủ tục dễ dàng, cởi mở hơn.
Ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel bày tỏ, không phải cứ mở cửa ra là có khách quốc tế ngay, mà doanh nghiệp cần thời gian để làm thị trường, xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm, chào bán tour… trong khi đó, đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa nẵm rõ hướng dẫn chính thức về các chính sách nhập cảnh mới để làm việc với đối tác. Ông Phạm Hà, CEO Lux Group cũng đầy lo lắng nhận định, thời hậu Covid-19, cơ hội là như nhau cho các quốc gia, nước nào thích ứng nhanh, chuẩn bị tốt thì sẽ có nhiều cơ hội. “Chúng ta đang quá chậm so với các nước trong khu vực và Việt Nam tự đặt ra quá nhiều rào cản phục hồi cũng như chưa có sự thống nhất giữa các bộ, nghành để phát triển du lịch như một ngành kinh tế thực sự”- ông Hà chia sẻ.
Gần đây, Singapore đã mở các hành lang du lịch cho du khách và họ đã đón xấp xỉ 500.000 khách quốc tế đến trong điều kiện thực hiện việc tiêm vắcxin cũng như xét nghiệm và không có thêm các ràng buộc gì thêm trong quá trình du lịch. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch chỉ rõ, đối với Việt Nam, chúng ta đã thực hiện thí điểm với điều kiện khắt khe, với điều kiện kiểm soát y tế quá chặt chẽ, cộng với việc chưa thực hiện chính sách mở cửa lại visa, thì việc thực hiện thí điểm vừa qua mới đón được lượng khách rất khiêm tốn là khoảng 9.000 khách trong mấy tháng.
Trước cơ hội vực dậy ngành kinh tế xanh, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, với chủ trương mở cửa hoàn toàn, với những gì là nút thắt, rào cản các Bộ ngành cần chung tay tháo gỡ, kiến nghị để có phương án mở cửa an toàn, linh hoạt, tạo điều kiện thật sự thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai. Chung nỗi trăn trở, ông Vũ Thế Bình đề nghị thêm, chúng ta đã quy định dừng lại tất cả các việc cấp visa cho khách khi bắt đầu có dịch Covid-19. Vậy bây giờ chúng ta đã có đầy đủ cơ hội, thì phải mở cửa, mà đã mở cửa thì phải mở visa cho khách vào Việt Nam. Còn về cách ly y tế, chúng ta cần linh hoạt hơn trong tình hình mới, không tạo thêm khó khăn cho phục hồi kinh tế. “Đặc biệt, những chính sách đã ban hành cần phải dễ hiểu, dễ thực hiện và mong rằng những quy định đó nên làm đơn giản hóa, để các doanh nghiệp có thể triển khai được”- ông BÌnh nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp du lịch, hàng không đã trải qua hai năm vô cùng khó khăn, do đó, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch Quốc gia (TAB) khuyến nghị, hỗ trợ cần thiết nhất của Chính phủ trong thời điểm hiện tại là mở cửa một cách quyết liệt và mở cửa an toàn, không có chuyện đóng – mở ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Theo đó, đến thời điểm ngày 15/3, du lịch mở cửa toàn bộ và nếu dỡ bỏ tất cả các hạn chế thì tin rằng Việt Nam sẽ có thể tạo sự hấp dẫn lớn và đón được một số thị trường khách quốc tế, nhất là một số thị trường truyền thống có mức chi trả cao như: Anh, châu Âu, Úc… Đồng thời đây sẽ là tiền đề rất quan trọng để chúng ta có thể tiếp tục thu hút đầu tư, mở rộng phát triển du lịch.
Liên quan đến chủ trương chính sách xây dựng “luồng xanh” cho du lịch, ông Đỗ Trọng Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) cũng mong Bộ Y tế cùng với các bộ ngành liên quan ủng hộ tạo điều kiện một cách tốt nhất cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện chủ trương mở cửa của Chính phủ. Cùng với đó, để chuẩn bị cho lộ trình mở cửa an toàn, hiệu quả, theo ông Hậu, Công ty CP đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng sẽ triển khai các giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất các điểm tiếp xúc của khách hàng đi máy bay với nhân viên hàng không và các chuỗi cung ứng dịch vụ; cải tạo không gian xanh để phục vụ tiện ích cho khách hàng khi quay lại, để khách hàng cảm thấy sự an toàn khi tới Việt Nam.
Theo Tổng cục Du lịch, hiện ngành này đã soạn thảo phương án mở lại dịch vụ du lịch đảm bảo an toàn phòng chống dịch nhưng cũng tạo thuận lợi hết mức cho các cơ quan, doanh nghiệp du lịch và du khách đồng thời áp dụng đồng bộ trên toàn quốc, đảm bảo an toàn, khoa học và hiệu quả. Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho biết thêm, Bộ Y tế đang soạn thảo các văn bản thay thế quy định cũ, ví dụ như về khách nhập cảnh, các điều kiện chống dịch… “Chúng tôi hy vọng rằng Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể để ngành du lịch có thể áp dụng sớm cho việc mở cửa trở lại”- ông Phương nói.
Ngày 12/3/2022, Văn phòng Chính phủ ban văn bản số 1560/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2021-2026. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch thích ứng với tình hình mới; khẩn trương triển khai hiệu quả các giải pháp để mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới; các Bộ ngành rà soát, tháo gỡ theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cản trở quá trình phát triển du lịch theo các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. |
Theo Hoa Quỳnh
https://congthuong.vn/doanh-nghiep-mong-chinh-sach-mo-cua-du-lich-thong-thoang-173216.html