Ngày 08/7/2019, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký Quyết định số 2395/QĐ-BVHTTDL xếp hạng di tích quốc gia đối với Mộ và Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường.

Đền thờ và Mộ ông bà Đỗ Công Tường tọa lạc tại số 64, đường Lê Lợi, phường 2, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Di tích là một tổ hợp kiến trúc gồm: Đền thờ, nhà khách, ngôi mộ rất đồ sộ, được xây dựng bằng vật liệu kiên cố, trang trí, chạm trỗ nguy nga lộng lẫy theo phong cách kiến trúc thời Nguyễn mang tính đặc trưng của đình, đền Nam bộ nên di tích được xếp thuộc loại hình di tích lịch sử (lưu niệm danh nhân) và kiến trúc nghệ thuật.

Về kiến trúc thẩm mỹ, Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường được xây dựng theo kiểu kiến trúc dân gian truyền thống. Mái đền được lợp bằng ngói thanh lưu ly. Các hàng cột đều có treo câu đối bằng nhằm ca ngợi công đức của Ông Bà. Hầu hết các gian thờ được trang trí lộng lẫy với các hoành phi, bao lam chạm lộng sơn son thếp vàng với đề tài Tứ linh hay Tứ quý. Riêng khám thờ ông bà Đỗ Công Tường được chạm trổ tứ linh, hình song long tranh châu và nhiều họa tiết hoa văn tinh xảo tất cả đều được sơn son thếp vàng rực rỡ. Hệ thống sắc phong, đối liễn, hoành phi cổ của Đền thờ là kho tàng di sản Hán Nôm của địa phương.

Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường

Ông Đỗ Công Tường tục danh là Lãnh cùng vợ đến lập nghiệp tại thôn Mỹ Trà khoảng đầu đời Gia Long. Theo lời truyền tụng trong dân gian thì ông sanh ngày 16 tháng 3 âm lịch. Nhờ chăm chỉ, cần cù khai khẩn đất hoang, ươm trồng vườn tược, không bao lâu sau, ông bà đã trở nên dư ăn từ huê lợi của khu vườn quýt. Vườn quýt của ông bà rộng rãi, mát mẻ, lại thuận tiện cả đường sông lẫn đường bộ nên dân trong thôn thường nhóm họp ở đây để mua bán, lần hồi thành chợ.

Dân chúng quanh vùng ai cũng mến mộ Ông Bà. Thấy ông có tính cương trực, lại thông thuộc kinh sách, nên thôn dân cử ông giữ chức Câu đương, trông coi việc phân xử những vụ tranh tụng nhỏ trong thôn. Từ đó, người người quen gọi chức vụ và tên tục của ông là Câu Lãnh. Còn khu chợ Vườn Quýt cũng được người dân gọi tên là chợ Ông Câu hay chợ Câu Lãnh. Công lao thành lập chợ của Ông Bà cũng được triều đình phong kiến nhà Nguyễn ghi nhận thông qua bản sắc phong của vua Tự Đức năm 1935.

Chính điện thờ ông bà Đỗ Công Tường

Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường là một di tích lưu lại dấu ấn tiền nhân thời kỳ khẩn hoang lập ấp của vùng đất Cao Lãnh ngày nay nói riêng, Nam bộ nói chung. Gia đình ông bà Đỗ Công Tường là một trong những lớp lưu dân tiên phong đến khai phá đất hoang, tạo lập nên xóm làng trù phú, chợ búa phồn vinh. Trường hợp của ông bà Đỗ Công Tường cũng là một trường hợp đặc biệt khi từ tên người được dân gian hóa thành tên một vùng đất, từ Câu Lãnh thành Cao Lãnh và sau nầy trở thành tên hành chánh cho một quận, một huyện, thị xã và bây giờ là thành phố Cao Lãnh.

Vào năm Canh Thìn (1820), tiết trời biến động, bệnh dịch tả phát lên dữ dội làm chết nhiều người. Ông Bà đặt bàn hương án khấn nguyện, xin nguyện chết thay cho dân chúng và cầu cho dịch bệnh mau chấm dứt. Sau đó, Ông Bà chay lạt, khổ hạnh 3 ngày, thì Bà lâm bệnh và mất, ngày hôm sau, Ông cũng lâm bệnh và qua đời. Dịch bệnh cũng từ đó chấm dứt.

Cảm công ơn “cứu nhân” của Ông Bà, dân làng lập Miếu thờ phụng, với tên gọi “Miếu Ông Bà Chủ Chợ”. Hàng năm, lấy ngày mùng 9 và mùng 10 tháng 6 âm lịch làm ngày giỗ. Có thể nói đây là lễ hội tiêu biểu cho truyền thống uống nước nhớ nguồn, tri ân và tôn kính đối với bậc tiền nhân có công với quê hương, đất nước – là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của thành phố Cao Lãnh. Lễ hội này đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tâm linh không thể thiếu trong đời sống của người dân thành phố Cao Lãnh nói riêng và người dân Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Mỗi kỳ Lễ hội thu hút hàng trăm nghìn lượt khách từ khắp mọi nơi đến chiêm bái, thể hiện lòng thành./.

Nguyễn Toàn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zalo

viVietnamese