Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, du lịch Đồng Tháp đã đạt được kết quả hết sức khả quan, ngày càng phát triển bền vững. Các chỉ tiêu về lượt khách và tổng thu du lịch hàng năm tăng trưởng ổn định và vượt kế hoạch. Cụ thể, nếu năm 2014, tổng lượt khách du lịch đạt 1,855,921 thì đến năm 2018 đạt 3.607.840, tăng 194,39% so với năm 2014. Tổng thu từ du lịch năm 2014 là 318,16 tỷ đồng thì đến năm 2018 đạt 913 tỷ đồng, tăng 287%.
Theo Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 – 2020, du lịch Đồng Tháp đã định vị sản phẩm đặc trưng từng khu, điểm du lịch trọng điểm phục vụ du khách. Khách du lịch đến với Khu du lịch Tràm Chim sẽ được trải nghiệm các tour du lịch mùa nước nổi được các hộ dân vùng đệm tham gia khai thác và phục vụ, với các dịch vụ như trải nghiệm làm ngư dân, thu hoạch lúa ma, tham quan sinh thái bãi chim sinh sản, giỡ chà chuột; tham quan hoa đồng nội Nhĩ cán tím và hoa Hoàng đầu ấn,.. được đông đảo du khách đặc biệt yêu thích.
Men theo quốc lộ 30, đến với huyện Cao Lãnh, quy khách sẽ về với Khu địa đạo thép kiên cường một thời, đó là Khu di tích Xẻo Quít: Ở đây, khách sẽ tha hồ trải nghiệm một ngày làm nông dân, thu hút được các công ty lữ hành lớn (Sài Gòn tourist, Bến Thành,…) đưa vào chương trình tham quan như: dỡ chà, giăng lưới bắt cá, bắt vịt trên sông, đua xuồng, cắm trại, trồng rau sạch… Lượng khách và doanh thu tăng trưởng ổn định, đặc biệt vào các dịp nghỉ lễ khách du lịch từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực đến cả vài ngàn lượt một ngày.
Đến với Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, du khách tận mắt thấy được thế mạnh về ẩm thực đồng quê với làng ẩm thực cuối tuần, khu biểu diễn ẩm thực phục vụ khách trải nghiệm và dịch vụ vận chuyển khách bằng xe bò cũng thu hút khá đông du khách trải nghiệm.
Ngược về Thủ phủ Sen hồng, khách không thể không ghé thăm Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, nới an nghĩ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Tại Khu di tích, khách sẽ tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của cụ Nguyễn Sinh Sắc và của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, phát huy các giá trị truyền thống làng Hòa An xưa với các làng nghề thủ công truyền thống, hoạt động văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian, bộ sưu tập rau dược liệu,…
Về với Khu di tích lịch sử văn hóa khảo cổ Gò Tháp – Đồng sen: “Vương quốc Sen và văn hóa tâm linh”, phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, các yếu tố văn hoá truyền thống thời khẩn hoang, tâm linh và sen. Tập trung khai thác sự bí ẩn của nền văn hoá Óc Eo và 2 lễ hội lớn của Gò Tháp: Lễ hội Bà Chúa Xứ (rằm tháng 3 âm lịch) và Lễ hội Thiên hộ Võ Duy Dương – Đốc Binh Nguyễn Tấn Kiều (rằm tháng 11 âm lịch). Năm 2018, Tuần lễ du lịch Đồng Tháp được tổ chức cùng với Lễ hội Thiên hộ Võ Duy Dương – Đốc Binh Nguyễn Tấn Kiều tại KDT Gò Tháp thu hút 575.000 lượt khách, tổng thu của sự kiện đạt gần 35 tỷ đồng.
Đến thành phố Cổ kinh Sa Đéc, khách sẽ thăm Làng hoa kiểng Sa Đéc 100 tuổi: định hướng phát triển thành “Thành phố hoa của khu vực Nam bộ” với những khu vườn kiểu mẫu, bảo tàng hoa với hàng trăm loài hoa đẹp, lạ,… nổi tiếng cả trong nước và nước ngoài. Các hộ dân tổ chức hướng dẫn cho khách tham quan, trồng hoa kiểng trải nghiệm quy trình sản xuất, giới thiệu nguồn gốc xuất xứ hoa kiểng, đặc tính, đặc điểm của từng loại hoa, tạo mô hình để khách tham quan chụp ảnh lưu niệm trong làng hoa. Thương hiệu làng hoa trăm tuổi được khẳng định và lan tỏa.
Thời gian tới, sẽ phát triển 04 trọng điểm về du lịch gắn với sản phẩm đặc trưng
Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tập trung phát triển 04 trọng điểm về du lịch gắn với sản phẩm đặc trưng.
Đó là Thành phố Sa Đéc tập trung phát triển Làng hoa, phát huy giá trị của làng hoa trăm tuổi làm trọng điểm thu hút khách và tạo sự lan tỏa cho các điểm phía Nam Sông Tiền đồng thời kết nối tour tuyến với các điểm Bắc Sông Tiền (Xẻo Quít, Gò Tháp) và Thành phố Cao Lãnh. Qui hoạch chi tiết phát triển làng hoa theo qui hoạch tổng thể mới được UBND Tỉnh phê duyệt. Xây dựng qui chế quản lý làng hoa theo hướng phát triển bền vững, phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường và bảo tồn giá trị văn hóa, di sản. Xây dựng các công trình công cộng phục vụ phát triển du lịch như chợ hoa, trung tâm phân phối hoa kiểng tiến tới sản xuất hoa và giống hoa…
Còn đối với Thành phố Cao Lãnh sẽ phát triển theo hướng thủ phủ Đất sen hồng. Phục hồi giá trị cảnh quan, phát huy giá trị di tích văn hóa lịch sử, Liên kết không gian văn hóa Cao Lãnh – Hội An. Tổ chức Lễ hội Sen để quảng bá du lịch Đồng Tháp cũng như hình ảnh đất và người Đồng Tháp. Tổ chức không gian trưng bày giới thiệu đặc sản Đồng Tháp; phiên chợ nông nghiệp xanh và trưng bày giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp.
Tại huyện Tháp Mười phát triển sản phẩm du lịch Sen: Qui hoạch Đồng sen Tháp Mười phục vụ du lịch. Tiếp tục hỗ trợ các hộ dân làm du lịch cộng đồng hoàn thiện cơ sở vật chất, xây dựng sản phẩm và nâng cao kỹ năng phục vụ khách du lịch. Phát huy giá trị sen trong ẩm thực (các món ăn chế biến từ sen), trong chăm sóc sức khỏe (tinh dầu sen, trà sen) và làm đẹp (nước hoa hồng, xà bông, mặt nạ từ bột sen,..) để tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch. Phát huy giá trị khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp trong khai thác du lịch văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng.
Đối với Khu du lịch Tràm Chim sẽ Nghiên cứu các giải pháp để bảo vệ hệ sinh thái đặc thù thu hút chim quay về vườn quốc gia Tràm Chim. Phát triển hai loại hoa đặc trưng là Hoàng đầu ấn và Nhĩ cán tím phục vụ du lịch. Hoàn thiện chương trình du lịch mùa nước nổi và trải nghiệm làm nông dân. Phục hồi diện tích lúa ma thu hút khách du lịch.
Nguyễn Toàn