Để khôi phục ngành du lịch thì phải làm từng bước một. Thứ nhất là khôi phục mảng du lịch nội địa, nghĩa là “cứu cánh duy nhất bây giờ là người Việt đi du lịch tại chính đất nước mình”.

Ngành du lịch đang “đóng băng”, nhiều khách sạn, công ty đóng cửa

Dịch bệnh COVID-19 đã khiến tất cả các ngành nền kinh tế trong đó có du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Mặc dù du lịch Việt Nam đã có mức tăng trưởng ngoạn mục thuộc hàng cao nhất thế giới với mức trung bình trên 20%. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện vào đầu năm 2020 đã khiến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đang bị khủng hoảng và chịu thiệt hại vô cùng lớn.

Theo báo cáo cuối năm của Tổng cục Thống kê, năm 2020, do việc đóng cửa biên giới để ngăn chặn COVID-19, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 79,5% so với 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%; tổng thu du lịch đạt 312 nghìn tỷ đồng, giảm 58,7% – mức giảm tương đương 19 tỷ USD. Khoảng 40-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. Khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%.

Trên địa bàn Hà Nội, nhiều khách sạn, địa điểm lưu trú cũng như những công ty lữ hành phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng.

Chia sẻ với PV Tạp chí Đời sống & Pháp luật, chị C. -quản lý một khách sạn có tiếng trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận Ba Đình, TP.Hà Nội) cho biết: “Dịch COVID-19 đã khiến tình hình kinh doanh của khách sạn gặp nhiều khó khan, chưa có dấu hiệu phục hồi. Hiện khách sạn đang phải hoạt động cầm chừng. Từ giữa năm 2020 đến nay, lượng khách quốc tế giảm 100%, khách trong nước giảm 95%. Do tình hình khó khăn, lương của nhân viên bị cắt giảm 20%, ngoài ra đơn vị cũng phải cắt giảm nhân sự của một số bộ phận”.

Trong khi đó, anh Minh Thông- Công ty Viking, cho biết, đơn vị chủ yếu làm về mảng bên Inbound (khách nước ngoài vào Việt Nam để du lịch). Tuy nhiên, ảnh hưởng của tình hình dịch COVID-19, nên đơn vị đang tạm thời đóng cửa. Theo anh Thông, sau khi đường bay thương mại quốc tế bị đóng cửa, doanh nghiệp cắt giảm nhân sự và tập trung sang du lịch nội địa (phục vụ khách trong nước đi du lịch trong nước). Tuy nhiên, tình hình kinh doanh cũng phập phù vì dịch cứ vài ba tháng lại bùng, dẫn đến doanh nghiệp hoàn toàn bị động, không đưa ra được các tour tuyến có tính chất trung và dài hại. Ngoài ra, vì dịch nên khách chủ yếu là khách gia đình, mang tính chất cá nhân đi nghỉ dưỡng. Rất ít những khách đoàn của các công ty, doanh nghiệp cho cán bộ, công nhân viên đi nghỉ mát hàng năm.

“Khó khăn nữa là đại lý du lịch trong đại dịch lại ít được hỗ trợ từ các đơn vị đối tác như: Hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng. Nhiều khách du lịch lên kế hoạch đặt Tour cho mình trước khoảng 1 – 2 tháng, sau đó vì dịch bùng phát thì họ lại e ngại và đòi hoàn lại tiền Tour. Nhưng các hãng Hàng không lại không hỗ trợ hoàn lại tiền, các khách sạn, Resort … cũng thế. Họ chỉ cho dời ngày sang 1 thời gian khác trong cùng năm đó”, anh Thông chia sẻ.

Nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực ở Hà Nội tạm đóng cửa, hoặc hoạt động cầm chừng

Chị Hiền (Công ty TNHH Xe đạp điện Tây Hồ, Hà Nội) cũng cho biết hoạt động của đơn vị gần như đóng băng hoàn toàn vì nguồn khách chủ yếu là khách quốc tế.

Để khắc phục khó khăn, công ty đã triển khai nhiều phương án hơn dành cho khách hàng địa phương và nội địa. Mở rộng thêm đối tượng khách hàng, đa dạng và biến đổi sản phẩm dựa trên thị hiếu và yêu cầu của khách hàng địa phương và nội địa thay cho khách quốc tế như trước đây. Đồng thời giảm giá sâu nhiều dịch vụ cho thuê, chương trình tham quan và các hoạt động khác của công ty dành cho khách nội địa. Áp dụng khuyến mại như giảm giá cho khách thứ 2 đăng kí tham quan, tặng voucher, hỗ trợ đưa đón… và nhiều khuyến mại khác nhau!

Doanh nghiệp cần làm gì để tháo gỡ khó khăn

Theo chị Hiền, mong muốn của công ty cũng như nhiều công ty du lịch khác về việc hỗ trợ vận hành công ty, ưu đãi giảm thuế cho các doanh nghiệp trước và sau COVID-19 để có thời gian khôi phục và phục hồi. Đẩy mạnh hơn các hoạt động quảng bá ngành du lịch Việt Nam đa dạng và phong phú hơn, nâng cao ý thức cũng như cần nhiều quy định cho người dân trong việc vận hành khai thác đồng thời giữ gìn các điểm tham quan du lịch. Nâng cao hơn chất lượng dịch vụ cũng như chất lượng cơ sở hạ tầng tại các địa điểm tham quan du lịch! Gắn liền giữa khai thác và giữ gìn các văn hoá, các địa điểm danh lam thắng cảnh!.

Đặc biệt, chị Hiền cho rằng, nhà nước cần xem xét, mở rộng thêm việc cấp visa cho các khách du lịch quốc tế (Visa 10 ngày miễn phí trước chỉ áp dụng cho 6 quốc gia có thể tăng hơn). Đẩy mạnh dịch vụ cũng như giảm thiểu và triệt tiêu các hành động xấu ảnh hưởng đến du lịch như chặt chém, chèo kéo, lừa đảo khách du lịch.

Chia sẻ thêm với PV, anh Thông cho biết thêm, để khôi phục ngành du lịch thì phải làm từng bước một. Thứ nhất là khôi phục mảng du lịch nội địa, nghĩa là “cứu cánh duy nhất bây giờ là Người Việt đi du lịch tại chính đất nước mình”.

Để du lịch nội địa có thể “ sống” trở lại thì rất cần những chính sách hỗ trợ của Chính Phủ và các Bộ ban nghành khác. Chẳng hạn như hỗ trợ các doanh nghiệp về thuế, thí, lãi suất ngân hàng…Miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn hoặc giảm BHXH. Đặc biệt có các gói vay kích cầu du lịch với lãi suất thấp. Thứ nữa là các điểm tham quan du lịch cũng miễn hoặc giảm các loại vé tham quan. Các hãng hàng không có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch.

Đối với mảng Inbound, theo anh Thông khi tình hình dịch bệnh đã kiểm soát cũng dần mở cửa lại đối với khách quốc tế. Trước tiên là những quốc gia có sự tiêm chủng Vaccine cao và hiệu quả, gần như đã miễn nhiễm cộng đồng như: Mỹ, Israel, hay các quốc gia thuộc Liên Minh Châu Âu.

Sau đó tuỳ tình hình dịch như thế nào chúng ta tiếp tục mở cửa với các quốc gia mà có lượng khách rất lớn đến Việt Nam để du lịch và làm ăn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc…..

Như vậy, với tình hình hiện nay, du lịch Việt Nam cần tập trung lên kế hoạch khai thác du lịch nội địa, chờ đợi cơ hội khởi sắc khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Để tạo sức hấp dẫn của du lịch nội địa, các đơn vị cần có giải pháp đồng bộ từ việc việc tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch nội địa, tổ chức liên kết các nhà cung cấp dịch vụ để hình thành những chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi cho khách du lịch Việt Nam. Cần đầu tư các tuyến du lịch nội địa mới, chú trọng khai thác du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch gắn với bảo vệ môi trường.

Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp du lịch cần đồng lòng, liên kết chặt chẽ với dịch vụ hàng không, vận tải, du lịch, nhà hàng….để tạo ra những gói kích cầu du lịch, nhằm thu hút du khách….

Tuy nhiên, dưới tác động của những 4 đợt dịch COVID-19 nối tiếp nhau, đa số các doanh nghiệp đã không còn nguồn lực nên để thực hiện tốt chương trình kích cầu, họ cần nhiều hơn nữa sự tiếp sức từ Chính phủ để có thể phục hồi.

Các doanh nghiệp du lịch cần đồng lòng, liên kết chặt chẽ với dịch vụ hàng không, vận tải, du lịch, nhà hàng….để tạo ra những gói kích cầu du lịch, nhằm thu hút du khách….

Đề xuất các gói vay cho doanh nghiệp du lịch với lãi suất ưu đãi

Trước đó Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho phép phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức thí điểm việc sử dụng “hộ chiếu vaccine” để đón một số đoàn khách được lựa chọn tại một số thị trường có đủ điều kiện; cho phép xã hội hóa một số khâu trong đề án thí điểm để đề án có thể sớm được triển khai.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các doanh nghiệp du lịch được chọn sẽ đảm bảo thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các quy định phòng chống dịch COVID-19, khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn.

Thêm vào đó, chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu hồ sơ những người đã tiêm chủng vaccine ở Việt Nam, với đầy đủ các tiêu chí cần thiết để khi Việt Nam đạt được các thỏa thuận công nhận kết quả tiêm chủng với các quốc gia khác.

Ngoài ra, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp lữ hành, đề nghị Chính phủ cho phép chuyển đổi tạm thời Giấy phép lữ hành quốc tế sang Giấy phép lữ hành nội địa nhằm chuyển mức ký quỹ của doanh nghiệp lữ hành quốc tế từ 500 triệu đồng xuống 100 triệu đồng, là mức quy định cho mảng nội địa. Quy định này phù hợp với thực tế vì từ năm 2020, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã chỉ đón khách nội địa. Hiệp hội cho rằng, việc đổi giấy phép có thể làm rất đơn giản. Tổng cục Du lịch chỉ cần gửi thông báo đến ngân hàng để doanh nghiệp có thể rút 80% tiền ký quỹ lữ hành quốc tế. Khi Việt Nam cho phép đón khách quốc tế, doanh nghiệp sẽ đổi lại giấy phép trong thời hạn 1 năm và nộp đủ tiền ký quỹ theo quy định của Luật Du lịch.

Cùng với đó là các đề nghị như giảm 50% thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp du lịch cả năm 2021, áp dụng các quy định về giảm tiền thuế đất, về giãn nộp thuế cho áp dụng cả năm 2021, giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt cho hoạt động phục vụ khách du lịch của các sân golf….

Trao đổi với Pv Tạp chí Đời sống & Pháp Luật, luật sư Nguyễn Viết Hưng, Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng cho biết: “Đối với các doanh nghiệp du lịch, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 kéo dài, phần lớn không có doanh thu hoặc doanh thu không đáng kể, trong khi vẫn duy trì đều đặn việc thanh toán các chi phí như: lương, bảo hiểm cho nhân viên, chi phí mặt bằng và các chi phí khác….thì hiển nhiên rằng là các doanh nghiệp này không có lợi nhuận. Thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng khi doanh nghiệp có lợi nhuận, trong khi đó hầu hết các doanh nghiệp du lịch không có lợi nhuận. Vậy đề xuất miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không có ý nghĩa nhiều trong trường hợp này. Vì vậy, nhà nước nên xem xét miễn, giảm BHXH để giảm bớt gánh nặng chi phí. Có các gói cho vay cho các doanh nghiệp du lịch với lãi suất ưu đãi để các doanh nghiệp du lịch có nguồn vốn để tái cấu trúc doanh nghiệp”.

Cũng theo luật sư Hưng, không có cơ sở pháp lý để thực hiện việc chuyển đổi từ Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế sang Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp đã có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế đối với khách du lịch ra nước ngoài hoặc khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài, nếu muốn có thể xem xét đổi phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành sang đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam để giảm tiền ký quỹ từ 500 triệu xuống còn 250 triệu.

Theo Hoàng Yên

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/dspl/du-lich-dong-bang-cuu-canh-duy-nhat-la-gi-a501544.html

https://www.doisongphapluat.com/du-lich-dong-bang-cuu-canh-duy-nhat-la-gi-a501544.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zalo

viVietnamese