Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay, ngành du lịch Việt Nam đã rơi vào trạng thái tê liệt. Là ngành có sự liên quan mật thiết đến nhiều ngành nghề khác trong xã hội, nên sự đóng băng của du lịch cũng đồng nghĩa với sự suy giảm của nhiều ngành khác, gây tác động không nhỏ đến kinh tế – xã hội nói chung. Tuy nhiên, dù trong bối cảnh nào, thì các hoạt động quảng bá hướng đến du khách vẫn được triển khai, đặc biệt trong giai đoạn giữa năm 2020, khi mảng khách du lịch “đóng băng”, nhưng du lịch nội địa vẫn có thời điểm khá khả quan.
THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG QUẢNG BÁ DU LỊCH VIỆT NAM TRONG NĂM 2020
Khái quát du lịch Việt Nam năm 2020
Năm 2020, đại dịch Covid-19 trùm bóng đen lên thị trường du lịch Việt Nam. Theo Tổng cục Du lịch năm 2020, do việc đóng cửa biên giới để ngăn chặn Covid-19, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 79,5% so với 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%; tổng thu du lịch đạt 312 nghìn tỷ đồng, giảm 58,7% – mức giảm tương đương 19 tỷ USD. Khoảng 40%-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. Khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10%-15%.
Năm 2020 cũng chứng kiến xu hướng du lịch tại chỗ (stay vacation) phát triển mạnh mẽ trong nước. Nhiều khách sạn tìm cách vực dậy hoạt động bằng những gói giảm giá sâu, nhắm tới đối tượng khách nội địa trải nghiệm kỳ nghỉ tại chỗ. Xu hướng stay vacation giúp du khách nội địa có cơ hội tận hưởng ngày nghỉ cuối tuần tại các khách sạn uy tín với giá giảm gần 50% so với trước dịch Covid-19 mà chất lượng không đổi; đặc biệt trong nhóm khách sạn lớn tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các khu du lịch nghỉ dưỡng tại Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long…
Nhờ việc chuyển hướng kịp thời, hoạt động du lịch nội địa đã được khởi động trở lại, mang lại nhiều kết quả tích cực. Cả năm 2020, lượng khách nội địa đạt 56 triệu lượt, chiếm gần 66% lượng khách nội địa năm 2019. Công suất sử dụng phòng khách sạn ở nhiều địa phương, như: Đà Lạt, Sầm Sơn, Sa Pa, Hạ Long, Phú Quốc… đã đạt tới 30%-50%, thời kỳ cao điểm, cuối tuần lên tới 80%-90%.
Covid-19 hoành hành gây ra tác động tiêu cực rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu và được ví như một cuộc Đại Suy thoái lần 2. Ngành du lịch cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng này.
Các hoạt động quảng bá chủ yếu
Đứng trước thực trạng trên, để du lịch có thể tồn tại và phát triển bứt phá sau khi dịch bệnh được kiểm soát, ngành du lịch Việt Nam đã rất nỗ lực trong các hoạt động xúc tiến điểm đến. Bên cạnh việc kích cầu du lịch nội địa đối với một số điểm đến an toàn, thì vẫn không ngừng triển khai các hoạt động truyền thông để tăng cường nhận thức về du lịch Việt Nam đối với du khách quốc tế.
Năm 2020, nhờ việc kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 trong thời gian sớm nhất gây ấn tượng với cộng đồng quốc tế, cùng quyết tâm thực hiện mục tiêu kép “vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế” của Chính phủ, Tổng cục Du lịch đã xác định cơ cấu lại thị trường du lịch, lấy du lịch nội địa làm mũi nhọn, nhanh chóng triển khai các chương trình kích cầu du lịch nội địa, gồm: “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” vào tháng 5/2020, “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” vào tháng 9/2020 đã được đẩy mạnh triển khai.
Các chương trình kích cầu nội địa không chỉ nhắm tới đối tượng là người Việt Nam, mà cả những người nước ngoài đang sinh sống lâu dài tại Việt Nam đã thu hút được sự hưởng ứng của các công ty lữ hành, doanh nghiệp hoạt động du lịch và cả của các địa phương trên cả nước. Chưa năm nào các tour trong nước lại đa dạng như năm 2020 và nửa đầu năm 2021 với nhiều mức giá, thời gian và hướng đến các đối tượng khách hàng. Hàng loạt các liên minh kích cầu du lịch được hình thành trong cả nước với các sản phẩm dịch vụ có mức giá ngày càng hấp dẫn và chất lượng dịch vụ cũng được nâng cao hơn. Điển hình là Chương trình liên kết giữa TP. Hồ Chí Minh với các vùng trong cả nước, như: Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, các tỉnh Tây Bắc mở rộng, các tỉnh Đông Bắc. Hay chương trình liên kết kích cầu du lịch giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung; Chương trình liên minh kích cầu của 3 tỉnh Nghệ An – Hải Phòng – Bình Định; Chương trình liên kết kích cầu du lịch Thu Đông miền Bắc…
Năm 2020, song song với việc chuyển hướng lấy thị trường nội địa làm mũi nhọn để vực dậy ngành du lịch, du lịch Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt việc chuyển đổi số. Đại dịch Covid -19 là một “cú huých” mạnh mẽ để tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch, phải nhanh chóng triển khai phương thức chuyển đổi số để tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn, chăm sóc khách hàng tốt hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả của hoạt động xúc tiến.
Năm 2020, cả nước đã chứng kiến nỗ lực vượt bậc của cả ngành du lịch Việt Nam nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ để thay đổi cách thức truyền thông cũng như phát triển sản phẩm mới. Các công ty lữ hành tại Việt Nam là những đơn vị nhanh chóng bắt kịp xu hướng chuyển đổi số. Hầu hết công ty du lịch lớn, như: Saigontourist, Vietravel, Hanoitourist, Vietrantour, Goldentour… đều áp dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý, xây dựng sản phẩm mới, quảng bá tour, giao dịch với khách hàng thông qua các ứng dụng trên nền tảng công nghệ số hóa.
Bên cạnh các công ty lữ hành áp dụng công nghệ, các điểm đến du lịch trên khắp đất nước cũng ứng dụng công nghệ để xây dựng sản phẩm du lịch thông minh, quảng bá du lịch. Những điểm đến như: Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò, Làng gốm sứ Bát Tràng, Dinh Độc Lập, Bưu điện TP. Hồ Chí Minh, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, Hang Múa, vườn chim Thung Nham (Ninh Bình)… đã ứng dụng thành công hệ thống thuyết minh tự động, ra mắt website tra cứu thông tin điểm đến, triển khai tour thực tế ảo.
Năm 2020, cùng với các doanh nghiệp, Tổng cục Du lịch đã đưa vào sử dụng ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” để góp phần triển khai hiệu quả chương trình kích cầu du lịch giai đoạn 2. Cùng với đó Tổng cục du lịch, và các sở du lịch địa phương cũng triển khai các hoạt động trực tuyến, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch quốc gia, kết nối liên thông với các Bộ, ngành liên quan và từ Trung ương đến địa phương.
Đặc biệt, bất chấp những tê liệt trong hoạt động vì “bão Covid-19”, du lịch Việt Nam năm 2020 vẫn ghi dấu bằng loạt giải thưởng quốc tế uy tín và có mặt thường xuyên trên các tạp chí lữ hành uy tín của thế giới. Cụ thể, tháng 11/2020, vượt qua nhiều ứng viên “nặng ký” tại cuộc bình chọn của Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA), du lịch Việt Nam đã giành được nhiều bình chọn ở nhiều hạng mục của giải thưởng được ví như giải Oscar của ngành du lịch thế giới, Việt Nam được trao tặng giải thưởng Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam vinh dự được nhận giải thưởng danh giá này.
Ở khu vực châu Á, Việt Nam tiếp tục được bình chọn là Điểm đến Văn hóa, Điểm đến Di sản và Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á, cùng với danh hiệu Điểm đến Golf tốt nhất châu Á. Nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch của Việt Nam cũng được trao tặng các giải thưởng quốc tế danh giá, như: Sun Group, VinGroup, VietnamAirlines, Vietravel… Đặc biệt, Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng) tiếp tục ghi dấu ấn với giải thưởng Công viên chủ đề hàng đầu châu Á.
Ngoài ra, nhằm duy trì sự kết nối giữa du lịch Việt Nam và khách quốc tế trong bối cảnh giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19, năm 2020, Tổng cục du lịch tiếp tục thực hiện quảng bá hình ảnh đất nước, con người, du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình nổi tiếng CNN qua đoạn clip dài 30 giây mang tên “Why not Viet Nam?”. Đây là chiến dịch lớn nhất của du lịch Việt Nam cho khách nước ngoài trong năm để chuẩn bị cho thời điểm mở cửa du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Tháng 6/2020, TP. Đà Nẵng cũng ký kết quảng bá du lịch Đà Nẵng với kênh truyền hình quốc tế BBC. Theo đó, mỗi ngày BBC khu vực châu Á-Thái Bình Dương (phủ sóng ở hơn 200 quốc gia) phát clip giới thiệu về Đà Nẵng có độ dài 30 giây. Thời lượng phát sóng là 98 lần vào các giờ cao điểm.
Kết quả đạt được của hoạt động quảng bá
Thực tế trên cho thấy, hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam đang có những bước đổi mới quan trọng, nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả, đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới, đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Năm 2020, trong khi du lịch thế giới tê liệt vì đại dịch Covid-19, thì du lịch Việt Nam vẫn được nhắc đến trên nhiều tạp chí danh tiếng thế giới, như: tạp chí du lịch nổi tiếng của Australia Lonely Planet đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến có ẩm thực tốt nhất cho chuyến du lịch cá nhân năm 2021; Tạp chí Travel+Leisure của Mỹ đã xếp Việt Nam đứng thứ 16 trong danh sách 20 điểm đến dành cho du lịch cá nhân trong năm 2021; Tạp chí du lịch uy tín của Mỹ Condé Nast Traveler (CNTraveler) đã bình chọn Việt Nam đứng ở vị trí thứ 9 trong 20 quốc gia là điểm đến yêu thích năm 2020. Các điểm đến của Việt Nam, như: vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ, hang Sơn Đoòng, Ninh Bình, Sa Pa, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hòa Bình, Phú Quốc… luôn là nằm trong các bảng xếp hạng gợi ý điểm đến của các tạp chí và trang đánh giá du lịch của thế giới.
Với việc đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch tại nhiều địa bàn trên cả nước, du lịch Việt Nam được thị trường quốc tế đánh giá là điểm đến mới nổi có nhiều tiềm năng phát triển; là điểm đến với sự phát triển liên tục, tốc độ đầu tư lớn, sự thay đổi diện mạo nhanh chóng; các điểm đến, các sản phẩm du lịch liên tục được mở rộng ở nhiều điểm đến tạo ra sức cạnh tranh và sức hấp dẫn đối với thị trường.
Vẫn còn nhiều hạn chế
Bên cạnh những kết quả tích cực, thì hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam cũng có những hạn chế, đó là:
– Hoạt động trong cơ chế thị trường, việc xây dựng các sản phẩm du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch đặc thù và là hoạt động marketing xúc tiến quảng bá du lịch đến các thị trường du lịch trọng điểm vẫn là điểm yếu của du lịch Việt Nam, dù đây là một trong những yếu tố rất quan trọng quyết định sự thành công của kinh doanh du lịch. Việc đầu tư xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch, nhất là các sản phẩm du lịch đặc thù và hoạt động marketing xúc tiến quảng bá du lịch còn nhiều bất cập.
– Hiện tại, ngân sách quảng bá du lịch của Việt Nam quá thấp. Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam không có cơ quan quảng bá du lịch quốc gia; chưa có văn phòng đại diện tại các thị trường trọng điểm…
– Chương trình quảng bá du lịch của Việt Nam chưa được thiết lập một cách quy mô và bài bản, mà chủ yếu là những chương trình, hoạt động xúc tiến du lịch riêng rẽ, manh mún, thiếu sự định hướng rõ ràng.
– Ấn phẩm, tài liệu để quảng cáo cho du lịch Việt Nam còn chưa phong phú, đầy đủ về chủng loại cho các đối tượng thị trường khách khác nhau. Ấn phẩm còn chưa hấp dẫn về chất lượng, số lượng, tính thống nhất và thẩm mỹ. Nội dung thiếu tính sáng tạo. Việc phát hành và phân phát ấn phẩm chưa có sự định hướng rõ ràng nên chưa đúng đối tượng.
– Việc tham gia hội chợ, lựa chọn hội chợ để tham gia còn thiếu sự đồng bộ nghiên cứu, chịu sự chỉ đạo của cấp trên
– Đội ngũ tham gia vào hoạt động quảng bá còn chưa chuyên nghiệp, nên hiệu quả công việc cưa cao.
– Du lịch Việt Nam chưa sử dụng và phát huy được hết tác dụng của các công cụ xúc tiến du lịch; chưa xây dựng và lập kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch một cách bài bản, chưa liên kết được với các công ty lớn để xúc tiến chương trình du lịch, việc tiếp thị chương trình du lịch trên mạng internet chưa phát huy được hiệu quả.
NHỮNG GIẢI PHÁP CẦN THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI
Thứ nhất, nâng cao hiệu quả hoạt động quảng bá du lịch Việt Nam, trong đó chú trọng vào giới thiệu hình ảnh con người, cũng như các di sản văn hóa có giá trị tại các điểm đến nổi tiếng được nhiều du khách quan tâm. Trước mắt, tập trung vào phân khúc du khách trong nước.
Theo đó, để hoạt động quảng bá hiệu quả, thì ngành du lịch cùng với chính quyền địa phương cần tập trung vào xây dựng hình ảnh điểm đến, quảng bá sản phẩm du lịch điển hình được nhiều du khách yêu thích. Hoạt động quảng bá du lịch là tạo ra sự nhận biết về các hình ảnh của điểm đến theo từng giai đoạn khác nhau một cách khác biệt và hấp dẫn. Một trong những vấn đề cốt lõi của ngành du lịch là quản lý điểm đến, tiến hành hoạt động marketing nhằm nghiên cứu thị trường, chọn thị trường mục tiêu cho điểm đến, định vị điểm đến, xây dựng sản phẩm đặc thù cho điểm đến, từ đó xây dựng và quảng bá hình ảnh điểm đến trên thị trường du lịch; xây dựng chiến lược quảng bá phù hợp cho điểm đến du lịch, đầu tư kinh phí thích đáng cho công tác quảng bá; tăng cường công tác quảng bá du lịch thông qua nâng cấp trang web du lịch, xây dựng hệ thống các ấn phẩm quảng bá hấp dẫn cho du lịch; nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh, truyền hình, quảng bá về điểm đến du lịch, tiến tới phủ sóng qua vệ tinh để quảng bá rộng rãi ra quốc tế, tham gia các hội chợ du lịch trong nước và nước ngoài…
Bên cạnh đó, muốn quảng bá các điểm đến du lịch có hiệu quả, địa phương cần khai thác tất cả các loại ấn phẩm thông tin du lịch được sử dụng tại Việt Nam do cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các doanh nghiệp ấn hành và cung cấp cho du khách; tổ chức các chuyến famtrip, presstrip; tuyên truyền quảng bá du lịch thông qua các ấn phẩm truyền thông, truyền hình; tham dự hội chợ, hội thảo và giao lưu các chương trình du lịch trong và ngoài nước để giới thiệu về hình ảnh của điểm tới khách du lịch, đối tác và các nhà đầu tư; tăng cường hơn nữa nguồn kinh phí cho hoạt động xúc tiến, quảng bá…
Thứ hai, các công ty du lịch, lữ hành cần tích cực hơn nữa trong việc liên kết với các công ty vận tải, hàng không, cũng như các điểm đến đã an toàn để thiết kế thêm các gói sản phẩm, dịch vụ ưu đãi dành cho du khách nội địa. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn lan rộng trên toàn thế giới, thì việc tập trung khai thác thị trường du lịch nội địa vẫn là giải pháp được lựa chọn cho ngành du lịch Việt nam hiện nay. Thời gian tới, du lịch Việt Nam cần tập trung vào các sản phẩm du lịch văn hóa và sinh thái có chất lượng cao. Việc khai thác các nét văn hóa địa phương, như: làng nghề, các món ăn đặc sản, các nét đặc trưng đặc thù riêng của từng vùng và sử dụng người dân địa phương làm thuyết minh viên cần được phát huy hiệu quả. Ngoài ra, các chương trình văn hóa tâm linh cũng cần được thực hiện gắn liền với các giá trị văn hóa truyền thống của điểm đến du lịch. Tạo ra và làm nổi bật các hình ảnh riêng biệt tạo ấn tượng khi du khách tham gia du lịch văn hóa.
Thứ ba, tiếp tục tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của du lịch trong việc phát triển kinh tế địa phương, kinh tế vùng tới người dân. Theo đó, không chỉ Nhà nước, ngành du lịch, mà cả cộng đồng cùng chung tay quảng bá về các điểm đến du lịch hấp dẫn ở Việt Nam tới bạn bè quốc tế; Qua đó, không chỉ thu hút khách du lịch, mà còn có ý nghĩa thu hút nguồn vốn đầu tư vào du lịch Việt Nam. Việc thu hút các tập đoàn du lịch có uy tín quốc tế đầu tư phát triển du lịch vào Việt Nam nhằm giải quyết bài toán hạ tầng vật chất cho phát triển du lịch, đồng thời họ cũng là kênh quảng bá uy tín cho du lịch Việt Nam.
Thứ tư, thành lập thêm các trung tâm hướng dẫn và cung cấp thông tin về du lịch Việt Nam, về tiềm năng – đất nước và con người Việt Nam cho khách du lịch quốc tế tại các điểm đến du lịch mới khai thác ở vùng Đông Bắc, Tây Bắc như Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên. Bên cạnh đó, các văn phòng đại diện, chi nhánh du lịch tại các điểm đến du lịch đã được du khách trong nước và quốc tế biết đến, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế…, thì cần liên kết chặt chẽ hơn với các cơ quan, tổ chức (ngoại giao, hàng không, thương vụ…) để triển khai các chương trình xúc tiến hiệu quả hơn.
Thứ năm, đa dạng hóa các mặt hàng lưu niệm (thiết kế và sản xuất nhiều loại quà lưu niệm gắn liền với nét văn hóa của điểm đến du lịch để tặng cho du khách); đa dạng hóa các hình thức bán hàng lưu niệm cho du khách tại các điểm đến du lịch, như: bán tại khách sạn, nhà trưng bày, chợ dân sinh… Thông qua hoạt động bán hàng tại các điểm đến du lịch, hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam cũng được du khách tiếp nhận và quảng bá ra thị trường du lịch quốc tế.
Thứ sáu, tăng cường, quảng bá các điểm đến du lịch hấp dẫn trên nhiều kênh thông tin, đặc biệt là các kênh thu hút sự quan tâm của nhiều du khách. Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, Việt Nam cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, truyền thông, phát triển sản phẩm du lịch mới. Tăng cường quảng cáo hình ảnh du lịch Việt trên các phương tiện quảng cáo như trang web, truyền hình, truyền thanh… Xác định các kênh để đưa thông tin tới thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam. Tiến hành hoạt động phát hành các ấn phẩm quảng bá; xây dựng một số bộ phim có chất lượng về du lịch Việt Nam; tham dự các hội chợ, triển lãm về du lịch quốc tế; nâng cấp trang thông tin điện tử về du lịch Việt Nam…/.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tổng cục Du lịch Việt Nam (2019, 2020). Báo cáo tổng kết hoạt động ngành du lịch Việt Nam năm 2019, 2020
2. Thanh Giang (2021). Để du lịch nội địa trở thành chủ lực trong phục hồi du lịch Việt Nam, truy cập từ https://baotintuc.vn/du-lich/de-du-lich-noi-dia-tro-thanh-chu-luc-trong-phuc-hoi-du-lich-viet-nam-20210708110812485.htm
3. Trang Linh (2021). Du lịch Việt Nam 2020: phát huy nội lực trong “bão Covid-19”, truy cập từ https://nhandan.vn/dien-dan-dulich/du-lich-viet-nam-2020-phat-huy-noi-luc-trong-bao-covid-19-630469/
4. Trung tâm Thông tin du lịch, Tổng cục Du lịch (2020). Nhìn lại năm 2020 của du lịch Việt Nam: Ứng phó Covid-19, phục hồi hoạt động, được thế giới vinh danh, truy cập từ https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/35206
TS. Tăng Thị Hằng, Đỗ Thùy Trang, Phạm Thị Thùy Linh, Nguyễn Thị Hồng Hạnh
Trường Đại học Mở Hà Nội
(Bài viết đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 22, tháng 8/2021)