Đi khắp các tỉnh Nam Bộ, ở đâu cũng có thể ăn được hủ tiếu nhưng để tìm đúng cái hương vị đặc sắc, độc đáo của nó thì người ta chỉ thấy có 3 loại hủ tiếu “đường hoàng” trương bổn hiệu ở Sài Gòn và các tỉnh lỵ khác, đó là: Hủ tiếu Sa Đéc, hủ tiếu Mỹ Tho và hủ tiếu Nam Vang.

Trước năm 1975, người sành điệu Sài Gòn đều biết quán hủ tiếu, bánh bao Ông Cả Cần của Bà Năm Sa Đéc ở góc đường Nguyễn Tri Phương – Hùng Vương. Quán đặc biệt này, chủ nhân của nó là một nghệ sĩ sân khấu – điện ảnh của miền Nam, là người bạn đời của học giả Vương Hồng Sển. Bà xuất thân trong một gia đình nặng nợ với “nghiệp Tổ” mà thân phụ là ông bầu Tam, người lập gánh hát bội sớm nhất Sa Đéc, sanh quán làng Tân Khánh (nay thuộc xã Tân Khánh Đông-thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp). Hơn 40 năm sống vời nghề, qua nhiều vai diễn, chiếm được cảm tình nồng hậu của công chúng. Khoảng đầu năm 1973, bà mở quán hủ tiếu với cái hương vị đậm đà bản sắc Sa Đéc mà từ thuở ấu thơ, thiếu thời cho đến lúc thành danh nghệ sĩ nam Sa Đéc đã thưởng thức.

Quán được bài trí tre lá theo phong cách “văn minh miệt vườn” giữa “Hòn ngọc Viễn Đông”. Ngồi trong quán có thể phóng tầm mắt ra nhiều hướng thuộc những con đường huyết mạch của vùng quận 10 – Sài Gòn. Hủ tiếu ở đây hoàn toàn khác với hủ tiếu của mấy “chú Ba” trong Chợ Lớn. Cọng bánh mền mà không bở, cũng không dai, vị bánh không chua, hương bánh thơm mùi gạo mới, trắng tươi màu sữa. Có người kháo nhau rằng: bánh hủ tiếu được bà Năm lấy từ làng bột Tân Phú Đông (Sa Đéc) mỗi ngày, do cánh xe đò Sa Đéc – Sài Gòn chuyển tới. Bây giờ, quán vẫn còn đó nhưng đã đổi chủ, thay tên, còn bà Năm Sa Đéc thì thanh thản về quê hương Tân Khánh Đông – Sa Đéc an nghỉ ngàn thu từ ngày 26/1/1988. Ông Năm một mình lẻ bóng rồi khăn gói lên đường về lòng đất mẹ Sóc Trăng để gặp ông bà vào ngày 12/9/1996. Tiếc thay, con cháu hai cụ không ai nối nghiệp để duy trì, phát triển cái “thương hiệu” độc đáo giữa một thành phố sôi động văn hóa ẩm thực.

Trở lại Sa Đéc, quê hương của nhiều món ăn, thức uống được cả Nam bộ biết tiếng, khen ngợi, trong đó có hủ tiếu đã vang danh khắp xứ, cả Bắc – Trung – Nam, từ những năm đầu thế kỉ XX… Nhiều người xa quê, ở tận Âu – Mỹ vẫn nhờ về tô hủ tiếu quê nhà, nhớ những buổi sáng rộn rịp ở quán Chú Cá, Chí Ký (quán này có mấy anh em đều mở tiệm ăn riêng như Dầu Ký, Á Đông ở Cao Lãnh), Chí Thành, Lãnh Nam…

Còn ăn theo kiểu bình dân, vỉa hè thì nhiều lắm nhưng lâu đời hơn cả là hủ tiếu bà Sẩm (ở xéo cửa đình Vĩnh Phước) tồn tại cho đến tận bây giờ và chỉ sáu ngàn đồng một tô. Nhiều nơi bán hủ tiếu là “hậu duệ” kế nghiệp “tiền nhân” để lại. Có người cũng đào tạo “đội ngũ kế thừa” như Chí Ký cho con mở quán hủ tiếu Minh Ký. Sa Đéc còn là một “tập đoàn hủ tiếu gõ”, họ có một đội ngũ gần 20 người với 5-6 xe đẩy, bán chủ yếu về đêm vá có phân chia khu vực hẳn hòi, liên minh chặt chẽ. nhờ hợp tác trong việc mua thịt, bánh, gia vị… nên giá thành hạ, tô hủ tiếu có giá rẽ bất ngờ. Giữa khuya ngồi tại nhà nghe tiếng lốc cóc, muốn ăn tô hủ tiếu sẽ được mang đến ngay, nóng hổi, nghi ngút khói. Sáng sáng, hàng ăn tấp nập nhưng bao giờ hủ tiếu Chị Dậu, Bà Tài, Bà Được, Chị Năm, Trại hòm Sáu Lâu (chỗ này trước kia là nơi đóng hòm nên gọi quen miệng), Cầu Đốt, Cầu Đình và nhiều nơi khác nữa vẫn luôn đông đúc, trong khi các tiệm phở lâu đời cũng không kém nhộn nhịp như Bắc Hà, Mỹ Lan, Hiền, Duyệt hay bình dân như Hai Hiển….

Người Sài Gòn ngày nay vẫn đến những quán hủ tiếu Sa Đéc để tìm hương vị tuyệt vời vượt thời gian.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Zalo

en_USEnglish