Không giống những lần trước, khi COVID-19 bùng phát lần này, các doanh nghiệp du lịch nếu còn tồn tại đều nhanh chóng xốc lại tinh thần và tìm cho mình con đường riêng để “không gục ngã.”

Du khách trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ trên vịnh Lan Hạ. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Vừa “thở phào” vì vượt qua siêu bão COVID-19 ba lần thành công và đang hồ hởi lấy đà cho những kế hoạch phục hồi, phát triển giai đoạn mới, doanh nghiệp du lịch cả nước còn đang phấn khởi trong ngày hội du lịch toàn quốc tổ chức ở Ninh Bình hồi trung tuần tháng Tư, rôm rả bàn giải pháp liên kết và làm mới sản phẩm để khai thác thị trường nội địa thì dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 lại “chết đứng” khi đại dịch bùng phát lần thứ 4.

Có thể nói, còn tồn tại được đến giờ đều là những doanh nghiệp lớn, nguồn lực mạnh cả về vốn lẫn nhân sự, và đặc biệt nhanh nhạy trong chuyển đổi mô hình hoạt động. Một số “cá lớn” chia sẻ đại ý rằng tầm như họ rồi cũng chỉ gắng gượng được “quá tam ba bận,” thêm nữa có khi… “toang.”

Thế nhưng, đối mặt với cơn “sóng thần” mới, bản lĩnh được trui rèn thời gian qua khiến những người đứng đầu các doanh nghiệp du lịch “không thể gục ngã,” họ mau chóng xốc lại tinh thần để xây dựng kế hoạch hành động mới.

COVID-19 có phải “kẻ hủy diệt”?

Trước khi COVID-19 xuất hiện, du lịch Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng thần kỳ và doanh thu từ khách quốc tế không ngừng tăng cao. Song, đại dịch toàn cầu bùng nổ, việc phải “đóng biên” khiến các doanh nghiệp phải nhìn nhận lại cách tiếp cận thị trường trong nước và các thị trường gần. Đặc biệt, hơn năm qua, những người làm nghề cũng đã nhận ra giá trị thực sự và tầm quan trọng của thị trường nội địa.

Trong tương lai, khi dịch bệnh được kiểm soát, Việt Nam có thể mở cửa đón khách quốc tế thì các doanh nghiệp phải lường trước những nhu cầu thay đổi của khách để xây dựng sản phẩm phù hợp. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Thiên Minh Group, ông Trần Trọng Kiên cho biết tại đơn vị này trước đây, mảng khách quốc tế chiếm tới 85% tổng doanh thu, nhưng từ tháng 4/2020 đến nay, gần như 100% doanh thu phụ thuộc vào khách nội địa.

“Giai đoạn đầu khi COVID-19 xuất hiện, mỗi ngày chúng tôi lỗ 3-4 tỷ đồng, song nhờ điều chỉnh kịp thời, quản lý doanh nghiệp hiệu quả, hiện tập đoàn đã bắt đầu có lãi, dù còn khiêm tốn. Những sản phẩm cao cấp của Thiên Minh Group trước đây hầu như chỉ phục vụ khách nước ngoài, như dịch vụ ngắm vịnh Hạ Long bằng thủy phi cơ, giờ xoay chuyển để phục vụ người Việt,” ông Kiên chia sẻ.

Là người có kinh nghiệm gần 30 năm hoạt động trong ngành, ông Kiên cho rằng thị trường nội địa chính là bệ đỡ của doanh nghiệp và còn dư địa rất lớn để khai thác. Chúng ta hoàn toàn có thể khai thác được thị trường trong nước hiệu quả và kinh doanh có lãi dù đối diện nhiều thách thức do COVID-19 gây ra.

Nhìn ở một góc độ khác, COVID-19 không phải “kẻ hủy diệt” mà nó đặt ngành công nghiệp không khói vào thế buộc phải chuyển mình, thậm chí thúc đẩy các doanh nghiệp tăng tốc chuyển đổi số, cơ cấu lại guồng máy hoạt động…

Khi không thể giảm giá sản phẩm, các doanh nghiệp du lịch hướng tới tăng giá trị trải nghiệm cho du khách. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Minh chứng là năm 2020, ông Kiên cho biết mặc dù ngành kinh tế xanh bị ảnh hưởng, nhưng nền tảng du lịch trực tuyến ivivu.com của Tập đoàn Thiên Minh tăng trưởng mạnh cả về lượng truy cập và sản phẩm bán ra. Điều đó cho thấy, chuyển đổi số không chỉ là xu thế mà chính là con đường để các doanh nghiệp du lịch tự cứu mình trong bối cảnh khó khăn này.

Chủ tịch Lux Group – đơn vị chuyên cung ứng các dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp, ông Phạm Hà cho biết tất cả các hệ thống của doanh nghiệp đều tối ưu trải nghiệm của khách hàng từ điểm chạm đầu tiên là tìm kiếm đến khi họ đặt trực tuyến, có thể chọn trả tiền online… cho đến kết thúc hành trình.

“Hệ thống dữ liệu của chúng tôi có toàn bộ thông tin của khách hàng, kể cả sở thích cá nhân, những món ăn chay, ăn kiêng; nhân viên gọi đúng tên khách ngay lần đầu giao tiếp. Dù là văn phòng ở Hà Nội, Cát Bà hay trên du thuyền đều đồng bộ nhờ phần mềm quản lý. Việc đồng bộ này giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động quản lý, nguồn nhân lực và giảm thiểu chi phí nhân sự cũng như giảm thiểu những lỗi có thể phát sinh…,” ông Hà chia sẻ.

Xu hướng trải nghiệm ký ức

COVID-19 đã làm thay đổi tất cả trong đó có nhu cầu, thói quen xê dịch của du khách cũng như các hoạt động của doanh nghiệp. Theo Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), ông Hoàng Nhân Chính, kết quả nghiên cứu gần đây của TAB cho thấy khách hàng đang có xu hướng du lịch ngắn ngày hơn trước, đặt tour ngay trước khi khởi hành và chọn đi đường bộ nhiều hơn các phương tiện khác.

Khi dịch bệnh chưa hoàn toàn được kiểm soát, người dân có xu hướng trải nghiệm những
điểm đến hoang sơ, vắng vẻ. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Người Việt có xu hướng đặt dịch vụ trực tuyến và trực tiếp với nhà cung cấp thay vì qua công ty lữ hành và đặc biệt đặc qua điện thoại thông minh. Đây chính là xu thế mà các doanh nghiệp buộc phải thích nghi để tồn tại hoặc là chết. Doanh nghiệp nào thích ứng càng nhanh thì tồn tại và sẽ sống khỏe.

Đặc biệt, du khách ngày càng có xu hướng tìm kiếm những trải nghiệm hơn là việc giá rẻ. Kể cả giá có rẻ thật nhưng nếu không thích họ cũng không đi hoặc họ thích đi theo nhóm nhỏ, gần gũi với thiên nhiên để “sống chậm,” thư thái cảm nhận về cuộc sống, để cảm thấy trân quý những giá trị của hiện tại và giá trị gia đình. Những thay đổi trong tâm lý và nhu cầu đó khiến các doanh nghiệp buộc phải nắm bắt và chuyển mình thích nghi.

Trước biến động đó, ông Phạm Hà nhận định: “Giờ đây du lịch là trải nghiệm ký ức, là trải nghiệm mang đến cho du khách những câu chuyện thú vị và khác biệt. Đó cũng là lý do tất cả sản phẩm của chúng tôi đều hướng tới câu chuyện về văn hóa và lịch sử, những câu chuyện để du khách có thể chạm vào di sản.”

“Muốn vậy, doanh nghiệp cần hiểu khách hàng của mình là ai, mong muốn điều gì và cách họ cư xử ra sao, nhu cầu thế nào… mới có thể bán được sản phẩm. Cũng bởi vậy mà thời gian qua, tôi nhận thấy trong khi rất nhiều doanh nghiệp đóng cửa thì cũng nhiều công ty xây dựng được sản phẩm tốt, doanh thu rất tốt.”

Bãi ba trái đào trên vịnh Lan Hạ. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Không chỉ người Việt thay đổi mà khách quốc tế sau này trở lại Việt Nam cũng sẽ khác. Các chuyên gia nhận định, thay bằng đi nhóm lớn khách Tây sẽ du lịch theo nhóm nhỏ và chắc chắn sẽ không đến những nơi xô bồ có quá nhiều điểm shopping. Họ sẽ tìm về những trải nghiệm chuyên sâu, mang tính văn hóa cao hơn. Song đó lại là góc thiếu hụt trong các sản phẩm du lịch Việt Nam và đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp buộc phải làm mới mình nếu muốn hút khách.

Nghề kinh doanh cảm xúc

“Du thuyền Heritage của chúng tôi đã buộc phải thay đổi rất nhiều để phù hợp với thị hiếu của du khách Việt. Ví dụ như với ẩm thực, nếu khách nước ngoài thì buổi trưa sẽ ăn set menu, buổi tối là À la carte (thực đơn gọi món), hôm sau là ăn buffet; nhưng để phục vụ người Việt sẽ phải thay đổi cho hợp với cách ăn của người Việt như buổi trưa ăn buffet, buổi tối ăn set menu…,” ông Hà chia sẻ.

Năm nay, dù dịch bệnh đang tiếp tục nhưng nhiều công ty lữ hành, doanh nghiệp du lịch và đơn vị cung ứng dịch vụ còn đủ lực khẳng định không giảm giá nữa, bởi mức giá giảm 50% như hiện nay đã là chạm đáy, mà sẽ cạnh tranh bằng cách gia tăng dịch vụ chất lượng, gia tăng giá trị trải nghiệm cho khách.

Ảnh hưởng của COVID-19 khiến các doanh nghiệp du lịch, các đơn vị cung ứng dịch vụ vừa phải giảm giá tối đa vừa không ngừng làm mới sản phẩm. Giữa vòng xoáy đó câu chuyện không đơn giản chỉ xoay quanh lỗ-lãi mà vấn đề là họ có thể tồn tại hay không.

Du khách đi du thuyền nhưng được trải nghiệm ‘bảo tàng mỹ thuật’ thu nhỏ
với hàng trăm tác phẩm hội họa ngay trên tàu. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Muốn tồn tại doanh nghiệp phải tối ưu hóa được dòng tiền bằng cách làm sao để bán sản phẩm với giá rẻ hơn 50% nhưng thu được tiền sớm để duy trì vận hành. Và thực tế, mỗi doanh nghiệp đều chọn cho mình được một lối đi riêng phù hợp.

“Các tàu chủ yếu bán phòng nhưng chúng tôi bán trải nghiệm từ các không gian và các hoạt động trên tàu. Chúng tôi có tour văn hóa-lịch sử giới thiệu về Bạch Thái Bưởi, về mỹ thuật Việt Nam và những chương trình riêng dành cho khách thiền định, khách ăn chay hoặc những khách muốn luyện thân-tâm-tuệ…,” ông Hà cho hay.

Nhiều chuyên gia trong ngành nhận định du lịch chính là nghề “kinh doanh cảm xúc.” Vì thế, những giá trị du khách được tận hưởng mới là yếu tố then chốt để làm ấm thị trường du lịch nội địa chứ không phải giảm giá.

Mặc dù du lịch trong nước đang tiếp tục phải “đóng băng” nhưng lần này hầu hết các doanh nghiệp đều đã dạn dày kinh nghiệm “vượt bão” nên nếu còn sống, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, hàng không, cơ sở lưu trú, lữ hành phải bắt tay nhau thật chặt để tạo ra các tour, sản phẩm kích cầu nhằm mang đến gam màu tươi sáng hơn cho bức tranh du lịch Việt Nam giai đoạn bình thường mới./.

Theo Xuân Mai (Vietnam+)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Zalo

en_USEnglish