Phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn không chỉ vì lợi ích kinh tế, mà còn là niềm tự hào quê hương, xứ sở.
Trong khi đô thị được xem là hình ảnh đại diện cho mức độ phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia, thì nông thôn chính là nơi gìn giữ trọn vẹn đời sống tinh thần, bản sắc văn hoá dân tộc, giá trị cốt lõi thấm đẫm tình đất, tình người.
Bài viết mới đăng trên một tờ báo, gửi gắm hy vọng về việc xây dựng những miền quê đáng sống, chứ không chỉ là điểm tạm lánh cho những “cuộc hồi hương bất đắc dĩ”, yên ắng chờ qua tháng ngày nguy khó do dịch bệnh phức tạp kéo dài.
Vừa rồi, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, điểm nhấn đáng chú ý là “du lịch nông nghiệp – nông thôn” được xác định là lĩnh vực góp phần phát triển “kinh tế nông thôn”.
Loại hình này vốn dĩ không còn xa lạ ở nhiều đất nước gần xa, từ vài mươi năm trước, rồi dần phổ biến tại nhiều địa phương nước ta, những năm trở lại đây.
Và bây giờ, định hướng phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn ghi nhận sự phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, chung tay tạo dựng giá trị xanh, bền vững.
Trước đến nay, nhắc đến du lịch, thì thường nghĩ ngay đến “con đường di sản” – kết nối những danh thắng nổi tiếng, bờ biển đẹp trải dài cát trắng, vịnh nước xanh biếc, hang động kỳ vĩ hay địa danh linh thiêng.
Nhắc đến du lịch, thì thường nghĩ ngay đến những khu giải trí phức hợp hoành tráng, với những công trình nhân tạo ấn tượng, nguy nga. Nhắc đến du lịch, thì thường nghĩ đến những khách sạn nghỉ dưỡng năm sao, tận hưởng các trải nghiệm, dịch vụ tiêu chuẩn hàng đầu.
Nhắc đến du lịch, thì thường nghĩ đến ẩm thực Á – Âu đa dạng, bữa ăn bổ dưỡng sơn hào hải vị được đầu bếp thượng hạng tỉ mỉ chế biến.
Thế mà, lại có loại hình du lịch mở ra hướng khác với trào lưu, tìm đến sự tĩnh lặng, thanh bình của làng quê nông thôn. Có khác gì câu thơ: “Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ; người khôn, người đến chốn lao xao”.
Nơi vắng vẻ có khi là một miền quê thơ mộng, êm đềm, với những người dân quê đôn hậu, mến khách. Nơi vắng vẻ có khi là nơi đỉnh đèo cheo leo, ngắm nhìn ruộng bậc thang đẹp như tranh thuỷ mặc. Nơi vắng vẻ có khi là gốc đa, mái đình ẩn mình nơi u tịch, chứa đầy huyền tích, qua bao thăng trầm tháng năm.
Chín người mười ý. Khách du lịch luôn có nhu cầu đa dạng. Có người tìm đến những thương hiệu “nhiều sao”, với những danh thắng nổi tiếng toàn cầu. Có người thả mình vào không gian thư giãn, xua đi căng thẳng trong công việc. Có người dành trọn thời gian quây quần với gia đình, người thân. Có người muốn đi du lịch đó đây, tìm kiếm sự trải nghiệm, khám phá những giá trị mới, nơi những vùng đất mới, không gian văn hoá mới. Có người xem những chuyến du lịch là “ngày đàng” để giao lưu, học hỏi, mở rộng thế giới quan, nhân sinh quan.
Có thể thấy, du lịch luôn là ngành dịch vụ tinh tế, bao gồm đa dạng các loại hình, với nhu cầu, đặc điểm rất khác nhau. Không phải một sớm một chiều mà nhà nông sẵn sàng “mở cửa” ruộng vườn, niềm nở đón chào du khách. Không phải ngày một ngày hai mà du lịch nông nghiệp – nông thôn ở nước ta được tổ chức bài bản, giàu sức thu hút, trở thành sinh kế bền vững cho người dân nông thôn.
Nên nhớ rằng: “Chúng ta không có cơ hội thứ hai, để tạo ấn tượng lần đầu với khách du lịch”. Trước khi bắt tay thực hiện, triển khai sâu rộng du lịch nông nghiệp – nông thôn, cần cùng nhau trao đổi, thảo luận thấu đáo, để thống nhất về ý nghĩa, giá trị, lộ trình, thành phần tham gia, mục tiêu cần hướng đến,… Cần tiên liệu khó khăn, dự báo rủi ro có thể xảy ra,…
Nói cách khác, nếu có sáu giờ cho công việc trồng cây, thì cần dành phần lớn thời gian cho việc tìm hiểu, tuyển chọn giống cây phù hợp, phân tích đặc điểm thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu,…, chứ không nên chọn một loại cây bất kỳ, rồi trồng cho nhanh.
Quan điểm tiếp cận, nhận thức về du lịch nông nghiệp – nông thôn cần được đồng thuận, thống nhất trong hệ thống các cơ quan, đơn vị hoạch định, quản lý, điều hành đề án, chương trình. Ông bà mình đã tổng kết: “Tư tưởng không thông, vác bình tông cũng nặng”.
Nhận thức hời hợt dễ dẫn đến hành động hời hợt. Thực hiện nhiệm vụ chỉ vì “trên giao” dễ dẫn đến rập khuôn, máy móc. “Chạy theo” số lượng để đạt chỉ tiêu đề ra dễ mất đi động lực, thiếu niềm đam mê, khó lòng khuyến khích, khơi gợi cảm hứng cho người nông dân, cho cộng đồng dân cư nông thôn cùng làm du lịch.
Góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch nông nghiệp – nông thôn tích hợp đa giá trị nông nghiệp, thúc đẩy quá trình chuyển đổi nông nghiệp từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”. Những giá trị tài nguyên bản địa như: cảnh quan, môi trường, đặc sản, bản sắc văn hoá làng quê nông thôn, phương thức canh tác của người nông dân,… đều có thể chuyển hoá thành tài nguyên du lịch.
Ngành dịch vụ tinh tế này luôn yêu cầu kiến thức, kỹ năng tổng hợp, đòi hỏi sự đầu tư, chăm chút, chắt chiu từ những điều nhỏ nhất. Do đó, từ chủ cơ sở đến cả cộng đồng làm du lịch nông nghiệp – nông thôn, trước nhất, cần được hướng dẫn, đào tạo, tập huấn, tạo điều kiện kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội lữ hành, chứ không phải các khoản hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất.
Tiếp đến là tinh thần tích cực, chủ động, chịu khó tìm hiểu, học hỏi của các chủ thể tham gia. Cần biết cách quan sát, thấu hiểu tâm lý, nhu cầu của du khách. Cần chú ý đến kỹ năng giao tiếp, ứng xử, phong cách phục vụ tận tình, chu đáo,…
Và trên hết, là không sao chép, mà tạo nên nét khác biệt. Là nâng niu những giá trị hồn hậu, mộc mạc, nghĩa tình. Là chung nhau trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên, môi trường, văn hoá địa phương. Là tôn trọng, cùng san sẻ lợi ích với cộng đồng.
Người ta ví von du lịch như “con gà đẻ trứng vàng”. Nhưng trước khi có những quả “trứng vàng”, phải kiên trì với những quả “trứng nhỏ”. Rồi sẽ đến ngày, những quả “trứng nhỏ” biến thành “trứng vàng”. Xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp – nông thôn đương nhiên vẫn cần đến nguồn lực tài chính, nhưng đấy không phải là tất cả.
Sức sống của du lịch nông nghiệp – nông thôn được tạo nên bởi nguồn lực con người, bởi những người nông dân sẵn lòng thay đổi, dám đón nhận điều mới. Đó là một hành trình đòi hỏi niềm tin, sự kiên trì, lòng quyết tâm và cam kết gắn bó. Đó là hành trình bắt đầu bằng tinh thần chịu khó học hỏi.
“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Du lịch nông nghiệp – nông thôn phát triển bền vững nhờ vào sự ủng hộ, đồng thuận của cả cộng đồng. Chính tinh thần hợp tác, chia sẻ trong cộng đồng dân cư nông thôn sẽ giúp phân chia công việc một cách phù hợp và hài hoà các lợi ích kinh tế nhận được từ hoạt động du lịch.
Nhờ đấy, cả cộng đồng cùng vui giúp nhau, tôn trọng nhau, cùng nhau chăm chút, gìn giữ từ cảnh quan, môi trường nông thôn đến giá trị tài nguyên bản địa, nét đẹp văn hoá làng quê. Đó chính là nền tảng tạo dựng nông thôn văn minh.
Phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn không chỉ vì lợi ích kinh tế, mà còn là niềm tự hào quê hương, xứ sở. Khi nhà nông sẵn sàng và tự tin “mở cửa” ruộng vườn, niềm nở đón chào du khách, đấy là cơ hội để giới thiệu, quảng bá hình ảnh nền Nông nghiệp Việt Nam sinh thái, trách nhiệm.
Khi ấy, nông thôn là nơi người người tìm đến. Khi ấy, nông thôn là miền quê đáng sống, đón chúng ta quay về.
Theo XÍCH LÔ
https://nongnghiep.vn/nha-nong-don-khach-d299447.html