Khách trải nghiệm cảm giác được cá massage bàn chân. Ảnh: L.T.N

Sau hơn 3 tháng lao vào cuộc chiến đối phó với dịch bệnh của chính quyền và cơ quan chức năng cùng sự gồng mình sẻ chia của người dân ở miền Tây… Ở giai đoạn quyết liệt nhất của cuộc chiến chống lại COVID-19, khi công việc rà, soát bóc tách ca nhiễm FO, tập trung thu hẹp được “vùng đỏ”, giữ và mở rộng “vùng xanh”… Điều nổi rõ nhất là “vùng xanh” xuất hiện hầu hết trên đất cù lao và vùng trọng điểm du lịch sinh thái của địa phương hoặc của quốc gia… Giữ vững hiện trạng xanh làm chỗ dựa cho những cuộc bứt phá mới thời hậu đại dịch chính là sự mở đầu khôi phục nền kinh tế bản địa…

Xanh – sạch trước đại dịch

Bốn xã Cù lao An Bình (Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) Suốt những ngày dịch bùng phát lãnh đạo địa phương đã chỉ đạo giữ vững khi 2 xã (Bình Hoà Phước, Đồng Phú) không có ca lây nhiễm, tiếp tục  mở rộng 2 xã còn lại trên cù lao này (An Bình, Hoà Ninh), ngoài thế mạnh về nông nghiệp cù lao An Bình còn là vùng trọng điểm du lịch của huyện nhà… từng là nơi khởi phát mô hình gắn du lịch trải nghiệm với  “cây nhà lá vườn”, cù lao này từng một thời bật dậy và trở thành nơi khởi xướng mô hình du lịch sinh thái và bây giờ nơi đây lại kiên cường vượt qua sự lây lan hoành hành của dịch bệnh.  

Sau khi chính thức dỡ bỏ giãn cách, vùng xanh 4 xã cù lao An Bình đang bắt tay mở đầu cho cuộc khởi động các hoạt động kinh tế của huyện nhà sau đại dịch…

Nguyễn Trí Nghiệp – chủ một khu vườn rộng, lớn từng một thời nổi danh với tên gọi du lịch Tám Hổ, anh là hậu duệ của thế hệ trước, những người mở đầu cho mô hình du lịch nhà vườn (sinh thái tại chỗ) tận dụng cây nhà lá vườn tổ chức một quy trình trải nghiệm đời sống dân dã trên đất cù lao, khi mô hình này bùng phát khắp nơi, anh đã có cảm nhận bị vây trong bài bản cũ kỹ, nhàm chán… nên nhanh chóng chuyển sang hướng vừa trải nghiệm sinh thái, vừa sản xuất và giới thiệu 50 giống cây, trái lạ… 2ha đất nhà anh thiết kế trồng theo quy hoạch phục vụ thưởng ngoạn, bán cây giống kết hợp kinh doanh du lịch… thời gian đại dịch, các sản phẩm du lịch trên cù lao bị đóng băng, nhưng  công ty của anh vẫn cầm cự được bằng việc bán cây giống ở cơ sở 2 lộ thiên… 

Anh Trí Nghiệp tiết lộ, do cơ duyên với nghề làm du lịch, tình cờ anh được một nhà sư Ấn Độ tặng một cây giống có tên là hoàng trúc trồng trên đất Phật (Nepal)với màu vàng đẹp rạng rỡ phù hợp làm cảnh quan cho các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng… mang lại một không gian tâm linh gần gũi với thiên nhiên. Từ cây giống này anh đã nhân ra trồng khắp đất vườn với ý tưởng khi du khách từ bên trung tâm Thành phố Vĩnh Long qua cù lao, từ xa đã nhận ra khu nhà vườn Tám Hổ rực lên một màu vàng lộng lẫy của cây hoàng trúc, anh đã khai thác tối đa giống cây này phủ đến trên 2 hecta của đất vườn nhà mình phục vụ cho nhu cầu thưởng ngoạn và dấu ấn tâm linh của khách phương xa…

Khi tỉnh Vĩnh Long được Bộ Y tế xếp vào hạng những địa phương trong cả nước cơ bản kiểm soát được dịch bệnh COVID-19… Nhận định ngày dỡ bỏ giãn cách trở lại trạng thái bình thường mới đã đến gần, anh Trí Nghiệp ráo riết kết nối các mảng rời rạc chuẩn bị suốt thời gian giãn cách: Sản xuất cây giống độc lạ và phục hồi lại quy trình trải nghiệm bị gác lại gần 2 năm nay để trở thành một chuỗi liên kết mới: Du lịch thưởng ngoạn cảnh quan, cây trái độc lạ và trải nghiệm đời sống dân dã trên đất cù lao bốn bề sông nước mà chìa khoá cho cánh cửa mới này là quảng bá, tiếp cận với thế giới bên ngoài từ các website của doanh nghiệp nhà mình… Nghĩa là vẫn trên nền vàng rực lộng lẫy của cây hoàng trúc và mênh mông  giữa bốn bề sông nước.

“Cù lao bay” trên đường bay 3 N

Cồn Sơn (Q.Bình Thuỷ, TP.Cần Thơ) từng nổi danh với câu chuyện cá lóc bay ở ao nhà của một cư dân cù lao, sau đó tiếp theo là những sản phẩm bay khác ra đời như “thực đơn bay” nghĩa là ngồi ở bất cứ nơi nào của cù lao khách có thể thưởng thức được 12 loại bánh dân gian và 32 món ăn chế biến từ nguồn nguyên liệu tự nhiên trên đất cù lao như món lục bình làm gỏi, xào với tép bạc sông tươi rói từ cuối đuôi cù lao hoặc món chả cá thát lát chiên nóng hổi của bè cá Bảy Bon từ cửa ngõ nơi đầu cồn Sơn…

– Còn bây giờ, sau đại dịch, ở đây còn sản phẩm bay nào nữa không? Tôi hỏi.

Chị bé Bảy – thành viên nhà vườn Năm Châu đon đả trả lời:

– Còn đường bay 3 N…

Thấy tôi trố mắt ngạc nhiên. Chị Bé Bảy nói tiếp:

– Trước dịch, khách tới đây chỉ được nhìn ngắm và tiếp cận một ít sản phẩm trải nghiệm. còn bây giờ được truyền tải đầy đủ hương vị bản địa cù lao này sẽ có quy trình 3N bao gồm được nghe những câu chuyện về đất đai, đời sống của dân cư bản địa, nhưng không phải chỉ là âm thanh, lời nói mà còn chạm vào những điều thật cụ thể, như nghe kể về bánh xèo thì khách sẽ được vào bếp xay bột, khi bột lên chảo rồi  tép xào với củ hũ dừa đưa vào làm nhân và sau đó là xì xụp cả đoàn cùng thưởng thức vị ngọt thanh của nhân củ hũ dừa, thơm béo của bột bánh giòn khấu tan dần trên đầu lưỡi, còn những con tép sông tươi rói nằm khoanh của nhân bánh, thì xin mời bước xuống bờ sông cùng kéo những mẻ lưới tóm gọn từng đàn tép nhảy soi sỏi …

Đó là vòng tròn 3N xanh – sạch khép kín: Nghe – ngắm nhìn và nếm trải. Một tổ hợp 3 N đã được kết lại, tổ chức và huấn luyện suốt thời gian giãn cách chống dịch, nghĩa là chuẩn bị đầy đủ tư thế, tầm vóc để đón khách khi dịch bệnh qua đi và sẽ xoay theo trục 3 N từ liên kết của 5 nhà vườn cốt cựu của cồn Sơn nơi mang đậm dấu ấn đất cồn trên bản đồ du lịch của miền Tây sông nước.

Đừng để đánh mất cơ hội

Vâng, tất cả đã sẵn sàng, nhưng hình như đâu đó đang có sự ngần ngại của doanh nghiệp về một thực thể liên kết giữa các khu vực liên quan chưa được khai mở thông suốt sau đại dịch. Đề cập đến thực trạng này, Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp cho biết:

– Suốt trong hơn ba tháng giãn cách  phần lớn khu vực cù lao đều giữ vững tiêu chuẩn vùng xanh.Trước đây do đặc thù nằm giữa bốn bề sông nước nhiều bất lợi trong phát triển kinh tế đời sống nhưng khi du lịch sinh thái hình thành và phát triển mạnh, bốn bề sông nước bỗng trở thành thế mạnh đặc thù, sau đại dịch thế mạnh này bộc lộ rất rõ. 

Khởi động lại hoạt động kinh tế của ĐBSCL, du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái vẫn giữ vai trò mũi nhọn. Các địa chỉ vùng xanh thật sự có sức hấp dẫn lớn vì nơi đó độ an toàn rất cao. Đối với du khách, du lịch an toàn được xem là tiêu chí hàng đầu… nhưng mỗi vùng xanh không thể bất động, đứng thoi loi một mình… Kích hoạt và thông luồng trên một thực thể vốn có đang cần đến chủ trương và bản đồ liên kết. Tất cả điều này đều nằm trong tay Chính quyền sở tại và doanh nghiệp du lịch…

Mọi sự chần chờ, nghi ngại lúc này đều dễ đánh mất cơ hội…

 
Theo LÊ THANH NGUYÊN

https://laodong.vn/xa-hoi/du-lich-dbscl-giu-vung-xanh-cho-thoi-hau-covid-19-961667.ldo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Zalo

en_USEnglish