Sáng 20/12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đồng chủ trì Hội nghị quốc tế “Thị trường Halal khu vực Đông Nam Á, Nam Á, Nam Thái Bình Dương: Tiềm năng và Cơ hội” theo hình thực trực tiếp kết hợp trực tuyến. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu tham dự và phát biểu tại hội nghị.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội nghị

Hội nghị nhằm đánh giá tiềm năng của thị trường thực phẩm Halal khu vực Đông Nam Á, Nam Á và Nam Thái Bình Dương và cơ hội cho các doanh nghiệp, đồng thời, tìm giải pháp thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp nói chung cũng như sản phẩm và dịch vụ Halal nói riêng. Đây cũng là dịp để kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước và với các địa phương nhằm tăng cường hợp tác liên kết và đầu tư các sản phẩm Halal.

Theo đó, khu vực Đông Nam Á – Nam Á – Nam Thái Bình Dương là thị trường xuất khẩu tiềm năng đối với sản phẩm Halal, với số dân theo đạo Hồi và sử dụng thực phẩm Halal khoảng 860 triệu người (chiếm 66% tổng số người Hồi giáo trên thế giới). Về quy mô thị trường, các nước Đông Nam Á – Nam Á – Nam Thái Bình Dương là địa bàn tiêu thụ thực phẩm Halal lớn nhất thế giới (khoảng 470 tỷ USD năm 2018, trong đó Đông Nam Á là 230 tỷ USD, Nam Á – Nam Thái Bình Dương là 238 tỷ USD).

Nhu cầu các sản phẩm Halal tăng mạnh không chỉ do sự gia tăng về số lượng người Hồi giáo mà còn do xu hướng tiêu dùng mới: có nhiều người không theo đạo Hồi có xu hướng tăng chi tiêu và sử dụng thực phẩm Halal do các sản phẩm Halal đáp ứng các tiêu chí về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, sản phẩm Halal dự kiến sẽ mở rộng không chỉ đối với thực phẩm thuần túy mà cả dược, mỹ phẩm; và có ảnh hưởng ngày càng lớn tới sự phát triển của ngành dịch vụ du lịch, tài chính, tiếp thị…

Trong du lịch, phân tích thị trường khách du lịch quốc tế giai đoạn 2015 -2019, có thể thấy nhiều tiềm năng phát triển Halal với các nước khu vực Đông Nam Á – Nam Á – Nam Thái Bình Dương, trong đó thị trường nguồn lớn nhất là các nước Đông Nam Á, tiếp đó là Nam Á và Nam Thái Bình Dương.

Khu vực Đông Nam Á, nơi có khoảng 263 triệu tín đồ Hồi giáo (chiếm 14,6% tổng số tín đồ Hồi Giáo thế giới), là khu vực thị trường gần quan trọng, có nhiều tiềm năng nhất để phát triển Halal do các nước trong khu vực đã có sự hợp tác du lịch chặt chẽ và trao đổi khách thường xuyên với Việt Nam từ nhiều năm qua.

Với khu vực Nam Á, Ấn Độ là thị trường lớn và có tiềm năng tăng trưởng mạnh. Cộng đồng Hồi giáo ở Ấn Độ khá lớn với khoảng 195 triệu tín đồ (chiếm 11% tổng số tín đồ Hồi Giáo trên thế giới). Năm 2019, khách Ấn Độ đến Việt Nam tăng cao (27,7%), đạt 169 nghìn lượt. Tốc độ tăng được thúc đẩy bởi đường bay thẳng của IndiGo từ Ấn Độ sang Việt Nam khai trương đầu tháng 10/2019 và đường bay thẳng của Vietjet sang Ấn Độ từ đầu tháng 12/2019. Ấn Độ là thị trường đông dân, quy mô lớn và còn nhiều dư địa tăng trưởng, có thể trở thành một trong những thị trường quan trọng của du lịch Việt Nam khi các hoạt động xúc tiến được tăng cường, kết nối hàng không thuận lợi sau khi dịch bệnh được khống chế.

Khu vực Nam Thái Bình Dương, nơi có các cộng đồng hồi giáo nhỏ, Úc (khoảng 650.000 tín đồ) và New Zealand (khoảng 41.000 tín đồ), là hai thị trường nguồn khá lớn với du lịch Việt Nam, tương đối ổn định, tuy năm 2019 giảm nhưng không lớn. Giai đoạn 2015‐2019, khách Úc tăng 1,3 lần từ 324 nghìn lượt năm 2015 lên 384 nghìn lượt năm 2019, tăng bình quân 6% mỗi năm.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, thị trường Halal mang đến những cơ hội đầy hứa hẹn cho Du lịch Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt sẽ thúc đẩy cả ngành thực phẩm Halal phát triển. Dù đang ở thời điểm đầy khó khăn thách thức do đại dịch COVID–19 và suy thoái kinh tế toàn cầu gây ra nhưng ngành Du lịch vẫn có sự gia tăng hệ thống dịch vụ ẩm thực, cung cấp thức ăn và đồ uống cho khách. Vì thế cơ hội đầu tư không chỉ giới hạn ở du lịch mà còn là quy trình sản xuất, mở rộng cửa với các công ty lĩnh vực giống, phân bón, trang trại chăn nuôi, công nghệ sản xuất thực phẩm, chế biến thực phẩm hay các công ty dịch vụ hậu cần.

Tại Việt Nam, sản phẩm Halal nói riêng và phục vụ người theo Đạo Hồi nói chung còn hạn chế. Cơ sở vật chất thiếu, nhận thức, hiểu biết của người dân và những người làm trong ngành du lịch về đạo Hồi và sản phẩm Halal chưa đầy đủ, dịch vụ chưa phong phú. Ẩm thực của Việt Nam phù hợp với đa dạng khách các quốc tịch, các tôn giáo, nhưng ít nơi có sản phẩm có chứng chỉ Halal nên ít lựa chọn cho khách đạo Hồi vì họ chỉ ăn tại những nhà hàng có chứng chỉ Halal hoặc hải sản.

Thời gian tới, để phát triển thị trường Halal, ngành Du lịch Việt Nam cần tập trung những nội dung sau: (1) Nâng cao nhận thức, hiểu biết về Halal và sản phẩm Halal cho các bên liên quan đến du lịch, đặc biệt là những người làm việc trong cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo, cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch; (2) Có chính sách và kế hoạch tạo điều kiện phát triển Halal trong ngành Du lịch; (3) Đẩy mạnh phát triển các dịch vụ du lịch thân thiện với khách Hồi giáo tại Việt Nam, đặc biệt tại các trung tâm du lịch lớn, mở rộng các cơ sở cung ứng ẩm thực Halal, các nhà hàng, khách sạn, tour chuẩn Halal…; (4) Quan tâm hơn đến công tác quảng bá, xúc tiến thị trường, thu hút khách sử dụng sản phẩm Halal tới Việt Nam.

Trong tiến trình hội nhập quốc tế, thời gian tới ngành Du lịch Việt Nam sẽ mở rộng và phát triển hơn nữa thị trường Halal khu vực Đông Nam Á – Nam Á – Nam Thái Bình Dương, nâng cao hiểu biết, nhận thức, giao lưu với các quốc gia, tổ chức và cá nhân sử dụng sản phẩm Halal trong và ngoài nước theo nguyên tắc bình đẳng và các bên cùng có lợi.

Theo TT

http://www.vtr.org.vn/tiem-nang-va-co-hoi-phat-trien-thi-truong-halal-trong-nganh-du-lich-viet-nam.html

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Zalo

en_USEnglish