Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát, ngành du lịch cũng như nền kinh tế cả nước hiện đang từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, con đường phục hồi du lịch, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Sáng nay (25/12), tại Nghệ An, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng tỉnh Nghệ An tổ chức khai mạc Hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam – Phục hồi và phát triển”.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An) và kết nối trực tuyến đến 19 điểm cầu tại các tỉnh trọng điểm về du lịch trong cả nước và phát trực tiếp trên các nền tảng trực tuyến.

Dự phiên chuyên đề buổi sáng có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý; lãnh đạo các bộ, cơ quan của Quốc hội; lãnh đạo tỉnh Nghệ An và một số tỉnh, thành phố.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu phiên khai mạc Hội thảo. Ảnh: VGP

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, tại Việt Nam, ngành du lịch được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để định hướng phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn trên thế giới. Khách du lịch quốc tế và nội địa, doanh thu từ du lịch liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của đất nước. Du lịch đã góp phần quảng bá hình ảnh và khẳng định vị thế của Việt Nam trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế.

Trong gần 2 năm qua, do tác động của đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Thị trường du lịch và các hoạt động du lịch bị đứt gãy, đình trệ, làm cho toàn ngành không đạt được các chỉ tiêu, chệnh hướng quỹ đạo tăng trưởng.Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát, ngành du lịch cũng như nền kinh tế cả nước hiện đang từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, con đường dẫn tới sự phục hồi du lịch, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Hội thảo sẽ cung cấp bức tranh tổng thể, bao quát hơn về thực trạng của du lịch thế giới và Việt Nam dưới tác động của đại dịch COVID-19; cơ hội và thách thức đặt ra đối với du lịch Việt Nam; thảo luận về quan điểm, định hướng, giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới.

Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, quyết định những chính sách đột phá để phục hồi và phát triển du lịch, gắn với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội sẽ được các cấp có thẩm quyền cho ý kiến trong thời gian tới.

Đồng thời, thông qua Hội thảo, Ban Tổ chức mong muốn các kinh nghiệm quý báu của các quốc gia trên thế giới, các địa phương, doanh nghiệp sẽ được chia sẻ và lan tỏa, thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam diễn ra nhanh, bền vững hơn.

5 xu hướng du lịch sau đại dịch

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết trong suốt 4 đợt bùng phát dịch COVID-19, các hoạt động du lịch quốc tế tại Việt Nam đóng cửa hoàn toàn, khách nước ngoài chủ yếu là các chuyên gia, khách công vụ. Du lịch nội địa hoạt động phụ thuộc vào chu kì bùng phát dịch và diễn ra hết sức cầm chừng.

Năm 2020, lượng khách quốc tế chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019; tổng thu từ du lịch đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019.

Năm 2021, tình hình càng tồi tệ hơn với đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh trong cả nước, khiến các hoạt động kinh tế, xã hội của phần lớn tỉnh/thành phố trong cả nước đình trệ nhiều tháng, khách du lịch quốc tế chưa đón, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2020.

Trước bối cảnh dịch bệnh ở Việt Nam đang trong tầm kiểm soát tương đối tốt, đây sẽ là điều kiện tiên quyết mở ra cơ hội lớn cho ngành du lịch mau chóng tái khởi động, phục hồi và phát triển trong những giai đoạn tới. Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen sống, sinh hoạt cũng như nhu cầu của con người. Đồng thời, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đã nhận định những xu hướng du lịchsau đại dịch có thể được dự đoán như: Xu hướng du lịch đến những nơi an toàn tránh dịch bệnh; Xu hướng ứng dụng công nghệ nhằm quản lý đảm bảo an toàn, cũng như các dịch vụ hạn chế tiếp xúc; Xu hướng du lịch theo những nhóm nhỏ; Xu hướng du lịch ngắn ngày và đặt dịch vụ cận ngày; Xu hướng lựa chọn các hoạt động nghỉ dưỡng, gần gũi với thiên nhiên, thưởng thức văn hóa ẩm thực.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt phát biểu tại phiên khai mạc Hội thảo. Ảnh: VGP

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho rằng, trong những tháng cuối năm 2021, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đã và đang dần được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều tỉnh/thành trong cả nước đã sẵn sàng chuẩn bị các phương án để tái khởi động, phục hồi du lịch nội địa, hướng tới chính thức mở cửa hoàn toàn cho du lịch quốc tế dự kiến vào giữa năm 2022. Không thể phủ nhận rằng, nguy cơ bùng phát lại dịch bệnh là hoàn toàn có thể xảy ra nếu các quy định và điều kiện đảm bảo an toàn chưa được thống nhất và kiểm soát thật tốt.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt kịch bản lạc quan về một tương lai sống chung với COVID-19 là điều hoàn toàn có thể xảy  ra và khi ấy, nhu cầu du lịch của con người chắc chắn sẽ tăng mạnh. Chính vì  thế, du lịch Việt Nam sẽ nhanh chóng chớp lấy thời cơ, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới, thích ứng an toàn, trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế. Một lộ trình tái khởi động và phục hồi cho ngành du lịch Việt Nam là vô cùng cần thiết để đảm bảo từng bước đi vững  chắc, tạo đà bứt phá trong tương lai khi đại dịch đi qua.

Theo Diệp Anh

https://m.baochinhphu.vn/Story.aspx?did=457181

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Zalo

en_USEnglish