Theo Báo cáo Cụm thi đua Tây Nam bộ, trong năm 2017, 12 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đón 22.457.000 lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt gần 11.315 tỷ đồng, tăng 6.215 tỷ đồng so với năm 2013.
Có được kết quả trên là do các địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã vận dung linh hoạt Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn vào các địa phương. Trong đó các tỉnh đã ban hành chương trình hành động, xây dựng Quy hoạch, Đề án, Kế hoạch và tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, du lịch nhằm thúc đẩy du lịch của các tỉnh ngày càng phát triển, tiêu biểu như tỉnh An Giang thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ nghiên cứu phát triển du lịch; tỉnh Tiền Giang ban hành nghị quyết phát triển du lịch đến năm 2020 định hướng 2030, tỉnh Đồng Tháp ban hành Nghị quyết về hỗ trợ lãi suất vay đối với các cá nhân, đơn vị phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; Kiên Giang với kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2040…
Công tác xúc tiến, quảng bá về du lịch được các tỉnh trong khu vực đặc biệt chú trọng. Tỉnh Long An phối hợp với 06 tỉnh phía Đông làm phim quảng bá du lịch theo chương trình liên kết của cụm năm 2017, tham gia Hội thảo liên kết xúc tiến du lịch Bến Tre gắn với liên kết cả vùng ĐBSCL; tỉnh Vĩnh Long thực hiện chương trình quảng bá tiềm năng du lịch Vĩnh Long, tỉnh Đồng Tháp tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc tại Ngày hội Sen Đồng Tháp, phối hợp thực hiện Chương trình “ S – Việt Nam – Một Việt Nam kỳ diệu”; các tỉnh tham gia quảng bá hình ảnh du lịch thông qua các ngày hội, triển lãm dịch vụ thương mại du lịch, liên hoan ẩm thực như Ngày Hội du lịch TP. Hồ Chí Minh, Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM tại Hà Nội và Festival Đờn ca tài tử Quốc gia Bình Dương năm 2017, Tuần lễ APEC…đã quảng bá những đặc trưng vùng miền về văn hóa, ẩm thực đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Nổi bật các tỉnh ĐBSCL đã hình thành 02 cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch trong vùng gồm cụm phía Tây với các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cà Mau và cụm phía Đông Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Long An. Hình thành tour du lịch nhiều địa phương một điểm đến, nhiều quốc gia một điển đến. Đặc biệt là các tuyến chiến lược 5 địa phương một điểm đến (Long An – Tiền Giang – Đồng Tháp – An Giang – Kiên Giang). Tiểu vùng Đồng Tháp Mười đã kết nối TPHCM ký kết tour “Một hành trình, ba điểm đến”…tạo điều kiện cho các tỉnh trong khu vực ĐBSCL liên kết để hợp tác phát triển du lịch.
Để nâng cao hiệu quả từ phát triển du lịch, các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL đã đầu tư mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành khách sạn, các khu du lịch tổng hợp chất lượng cao, cơ sở vui chơi giải trí và cung cấp các dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Trong năm có 07 khu điểm du lịch tiêu biểu, 17 khách sạn đạt chuẩn từ 2 đến 3 sao và nhiều khách sạn nhà nghỉ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, với việc liên kết Website giữ các tỉnh được tổ chức luân phiên qua các năm với mục tiêu hướng tới liên kết phát triển du lịch du lịch vùng ĐBSCL nhằm giới thiệu những tiềm năng, lợi thế du lịch, các điểm đến, văn hóa, lễ hội, đặc sản các tỉnh, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng từng tỉnh tránh trùng lắp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch… từ đó cũng đã thu hút được khách du lịch đến với miền sông nước Cửu Long.
Nguyễn Toàn