Sau 02 năm triển khai thực hiện Kế hoạch liên tịch phối hợp giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo và Tỉnh Đoàn Đồng Tháp, hiệu quả mô hình giáo dục truyền thống lịch sử địa phương ngoài nhà trường tại Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp phát huy hiệu qua, tạo nên sân chơi bổ ích cho các em học sinh, đoàn viên thanh niên với hình thức “học mà chơi, chơi mà học”, giúp các em mở rộng kiến thức, đoàn kết tương trợ, bồi đắp kĩ năng sống, bồi dưỡng và giáo dục truyền thống lịch sử địa phương, tình yêu quê hương, đất nước.

Để kế hoạch liên tịch thực hiện hiệu quả, các bên đã xây dựng và ký Kế hoạch phối hợp thực hiện công tác giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa địa phương cho học sinh tại Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp với một số Phòng Giáo dục Đào tạo trên địa bàn tỉnh. Có thể khẳng định, mô hình bắt đầu dần khẳng định được thương hiệu của mình trong công tác giáo dục dành cho đối tượng học sinh và Đoàn viên thanh niên. Các đối tượng thực hiện mô hình sẽ được tuyên truyền lịch sử văn hóa, quảng bá hình ảnh địa phương thông qua việc liên kết giữa Bảo tàng tỉnh và các trường học cùng các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động về nguồn, tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu về di tích lịch sử, văn hóa của địa phương, đồng thời hướng dẫn  và cung cấp thông tin về lịch sử văn hóa Đồng Tháp thông qua Kho cơ sở Bảo tàng và các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng tỉnh.

Để mô hình phát huy hiệu quả, ngoài các tư liệu, hiện vật về truyền thống vôn văn hóa, lịch sử tại Bảo tàng tỉnh, các đơn vị chủ động tổ chức các hoạt động cho các em như “sinh hoạt giáo dục âm nhạc truyền thống”, “Em là thuyết minh viên Bảo tàng”…đã tạo nên những ấn tượng hết sức tốt đẹp tuyên truyền những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc, trong đó có Đờn ca tài tử Nam bộ và Hò Đồng Tháp – là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của địa phương để giúp các em hiểu rõ hơn về truyền thống lịch sử, các giá trị văn hóa, các di tích lịch sử, văn hóa địa phương của vùng Đất Sen hồng, để các em sẽ là một đại xứ góp phần quảng bá hình ảnh về vùng đất, con người Đồng Tháp đến với người dân và du khách gần xa.

Ngoài ra, nhân các sự kiện tổ chức tại Bảo tàng vào các ngày lễ, tết, các hoạt động kỷ niệm, Bảo tàng tỉnh sẽ phối hợp tổ chức xây dựng những chương trình hoạt động giúp học sinh trải nghiệm, tương tác, trao đổi, thảo luận, học tập, rèn luyện các kỹ năng và thể hiện sự sáng tạo của mình qua các hoạt động học mà chơi, chơi mà học theo hướng giáo dục tích cực, giúp các em học sinh dần có thói quen đến tham quan, học tập, vui chơi tại Bảo tàng như các hoạt động: “Ai thông thái nhất”, “ Cây kỷ niệm của chúng em với Bảo tàng”, các trò chơi dân gian tại Bảo tàng, các hoạt động trao truyền các nghề truyền thống….

Kết quả qua 2 năm thực hiện có 8.420 học sinh và 1.500 đoàn viên đến hầu hết các khối từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cao đẳng, đại học và đoàn thanh niên trên địa bàn tỉnh của nhiều trường học cũng như cơ sở Đoàn trên địa bàn tỉnh cùng hưởng ứng tham gia chương trình. Đây là địa chỉ đỏ để phối kết hợp tổ chức kết nạp Đội, Đoàn cho các em, với 1.500 đoàn viên được kết nạp.

Theo đánh giá của lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp, mô hình giáo dục truyền thống lịch sử địa phương ngoài nhà trường được triển khai từ tháng 5/2017 đến nay được tổ chức thành công đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức của giáo viên, học sinh, các bậc phụ huynh về tầm quan trọng của di sản, di tích trong công tác giáo dục truyền thống lịch sử – văn hóa cho thế hệ trẻ.

Các hoạt động giáo dục tại Bảo tàng tương đối phong phú, đa dạng, hấp dẫn và lôi cuốn các đối tượng học sinh tham gia nhiệt tình. Nội dung chương trình của các buổi học luôn lấy học sinh làm đối tượng trung tâm, vận dụng kết hợp giữa học và chơi, chơi và học nhằm tạo sự thoải mái, hào hứng cho học sinh, giúp các em tiếp thu những kiến thức mới một cách tự nhiên, sâu sắc.

Với kết quả mô hình mang lại, bước đầu đã có một số trường như: Trường tiểu học Lê Văn Tám chủ động xây dựng kế hoạch liên tịch với đơn vị để đưa các em học sinh tham gia trải nghiệm tại Bảo tàng; Trường tiểu học Lê Quí Đôn tổ chức cho học sinh toàn trường tham gia trải nghiệm tại Bảo tàng; Trường THCS Nguyễn Thị Lựu chủ động xây dựng chương trình học tập trải nghiệm “Lớp học tiếng Anh tại Bảo tàng”;  đặc biệt trong đó có nhiều trường ở các huyện xa như Hồng Ngự, Tân Hồng, Lai Vung cũng đã tham quan về nguồn tại Bảo tàng…Tùy theo điều kiện và đặc điểm khác nhau nên các trường đã tổ chức cho học sinh tham gia vào các hoạt động giáo dục khác nhau. Nhìn chung, các trường đã tổ chức cho học sinh tham gia các chương trình, hoạt động giáo dục học tập tại Bảo tàng một cách trật tự, an toàn và hiệu quả. Các em tham gia với thái độ nghiêm túc, chấp hành tốt các nội quy, quy định của Bảo tàng./.

Nguyễn Toàn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Zalo

en_USEnglish