Khi nói đến Sa Đéc hoặc khi tự giới thiệu về xứ sở Sa Đéc thì người ta liên tưởng ngay đến một thứ đặc sản của Sa Đéc, đó là bánh phồng tôm. Mang tiếng là bánh nhưng cũng là một món “nhắm” độc đáo trong tất cả các buổi tiệc liên hoan, tiệc tùng, giỗ chạp… Nó còn được dùng làm quà biếu cho người thân, bạn bè ở xa hay trong dịp năm hết tết đến.

Bánh có hình tròn, đường kính khoảng 5cm (khi chưa chiên), màu trắng ngà, trên mặt có vài hạt tiêu. Bánh được gói trong bọc nylon cẩn thận và đựng trong hộp giấy car-ton hình chữ nhật, bên ngoài in ấn màu sắc rất đẹp. Một số cơ sở sản xuất khác còn đựng trong bao PE, in hình tôm càng, tên cơ sở và địa chỉ hẳn hoi…

Theo cách làm truyền thống ở gia đình, xưa kia khi cần làm một ký bánh phồng tôm thì phải dùng nguyên liệu như sau:

    – 2 kg tôm thật tươi, bỏ đầu, lột vỏ còn 700gr thịt tôm.

    – 8 hột vịt (bỏ tròng đỏ, chỉ lất tròng trắng).

    – Gia vị: muối, đường, bột ngọt, tỏi, tiêu, nước nắm (tùy theo khẩu vị và sở thích mà cho mặn nhạt)

     – 1 muỗng cà phê bột nổi.

     – 1 kg bột khoai mì xay nhuyễn.

Thịt tôm sau khi được bỏ đầu, lột vỏ, đem đập nhuyễn. Cho các thứ gia vị vào rồi bỏ vào cối đá xay cho thật nhuyễn, xong đâu đó mới bỏ bột mì vào trộn và quết sao cho thật nhiều, càng nhiều càng tốt cho mọi thứ được trộn thật đều nhau. Nếu thấy khô quá thì thêm một chút nước. Xong gói bột ấy vào vải thành cây tròn và dài chừng năm tấc giống như lõm chuối, đặt vào xửng hấp cách thủy độ 1 giờ đồng hồ. lấy ra, lột vải, để trên vỉ qua đêm, sáng hôm sau đem cây bánh xắt thành từng cái tròn rồi đem phơi, nắng tốt phơi 2 ngày là được.

Bắc chảo mỡ lên bếp lửa, đun nòng cho mỡ sôi; khi mỡ đã sôi thì cho lữa ít lại và cho từng cái một bánh vào chiên. Bánh nở tròn, to, vàng và rất giòn. Khi chiên phải để ngập mỡ như chiên chuối hay bánh cam vậy.

Bánh phồng tôm còn được chế biến với nhiều hình dạng phong phú như: hình quai vạc, hình nơ, hình tam giác, hình vuông, hình chữ nhật, có cả hình sợi như que tăm. Nó còn được dùng như những sợi mì để chế biến những món ăn tương tự như mì xào, trộn với tôm càng nướng, thịt bò xào… Ngoài ra, người ta còn làm bánh phồng mực, bánh phồng cua, bánh phồng chay (hay còn gọi là bánh phồng nấm).

Ngày nay với công nghệ tiên tiến, cách làm bánh thủ công truyền thống như đã nêu chỉ còn lại trong kí ức của những phụ nữ cao niên, đã một thời giỏi giang về nữ công gia chánh của Sa Đéc xưa. Bánh phồng tôm ở Sa Đéc bây giờ có rất nhiều thương hiệu, trong đó hiệu Sa Giang là lâu đời nhất, vang xa tận trời Âu từ mấy mươi năm nay… Các thương hiệu khác cũng đã được bày bán khắp nơi trong cả nước và xuất khẩu.

Khách hành hương viếng bà Chúa Xứ núi Sam – Châu Đốc về hay những ai có dịp đến Sa Đéc đều không thể bỏ qua món bánh Phồng Tôm, hoặc mua dăm ba bịch về làm qua cho người thân, bạn bè.

Hàng trăm năm qua, bánh phồng tôm vẫn là đặc sản mà người Sa Đéc tự hào, xem đó như chút tình quê hương được gởi gắm đi khắp muôn nơi…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Zalo

en_USEnglish