Du lịch được coi là ngành kinh tế tổng hợp, liên vùng, liên ngành mang tính xã hội hóa cao. Việc liên kết đã trở thành nguyên lý căn bản để phát triển du lịch. Giai đoạn năm 2020-2021 chứng kiến sự phối hợp hành động giữa nhiều đơn vị, chung tay khởi sắc thị trường du lịch vốn “ảm đạm” do dịch Covid-19.
Phối hợp hành động, chia sẻ lợi ích
Sự kết nối đồng bộ giữa các đơn vị vận hành du lịch đã tăng tính hiệu quả, hấp dẫn cho nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa, từ đó tạo sự cộng hưởng, lan tỏa, đáp ứng nhu cầu du khách.
Thông qua nhiều chương trình, hội nghị do Tổng cục Du lịch, Sở du lịch ở các thành phố phối hợp với các hội, đoàn về du lịch, lữ hành như Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội, Hiệp hội lữ hành Việt Nam tổ chức, các doanh nghiệp đã ngồi lại, phân tích thị trường và đánh giá về sự thay đổi thị hiếu khách hàng. Phần đông các đơn vị đều cho rằng, vấn đề an toàn đã thúc đẩy du lịch nội địa tăng trưởng mạnh; chuyến đi ngắn ngày được ưa chuộng hơn; các cộng đồng nhỏ và những dịch vụ đơn lẻ sẽ đóng một vai trò lớn; du khách sẽ quan tâm đến chất lượng nhiều hơn; du lịch đường bộ sẽ tăng nhanh,…
Từ bước khởi đầu là nhận định thị trường du lịch, các doanh nghiệp đã “bắt tay” tính toán để tránh sự cạnh tranh và làm sản phẩm tập trung hơn. Các khu du lịch, tour du lịch nhiều nơi đồng loạt giảm giá nhằm kích cầu du lịch trên toàn quốc. Gần đây nhất tại Lễ hội du lịch và văn hóa ẩm thực 2021, các sản phẩm du lịch với mức giá giảm từ 10% đến 30% thu hút sự quan tâm của khách hàng.
Song song với việc tích cực tham gia hoạt động kích cầu du lịch, các doanh nghiệp cũng tự liên kết, tìm ra lối đi riêng để phát triển.
Ông Lê Hồng Thái, Phó giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist (Hanoitourist) cho biết, công ty cùng với các thành viên của Câu lạc bộ VGreen (Hội lữ hành Hà Nội) đã thực hiện chương trình Caravan Tây Bắc, khám phá nhiều cung đường, văn hóa, di sản tại các vùng đất: Ngọc Chiến (Sơn La) – Mù Cang Chải (Yên Bái) – Tam Đường (Lai Châu) – Điện Biên – Hòa Bình… và tỉnh Hà Giang. Ngoài ra, Hanoitourist còn thực hiện kết hợp với Sở Du lịch tỉnh Phú Thọ tổ chức các tour trải nghiệm. Tại Hà Nội, doanh nghiệp này đang phối hợp với Ban quản lý các di tích lịch sử tổ chức các tour du lịch đêm tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long,…
Cũng cho rằng đây là thời điểm cần sự vào cuộc và chung tay của các bên, Công ty Cổ phần Đầu tư – Vận tải – Du lịch Hoàng Việt (Hoàng Việt Travel) cho biết, một nửa trong số gần 100 chương trình du lịch khởi hành định kỳ hiện nay của Hoàng Việt Travel là các sản phẩm liên minh từ 2 đơn vị trở lên, có thể kể tên các chương trình tiêu biểu như Phú Quốc 4 ngày 3 đêm, Sài Gòn – Côn Đảo 3 ngày 2 đêm, các chương trình đường bộ như Hạ Long, Trà Cổ (Quảng Ninh), Sa Pa (Lào Cai),…
Ở góc độ chia sẻ chuyên môn giữa các đơn vị, ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty du lịch VietSense (VietSense Travel) cho rằng: “Mỗi một công ty lữ hành sẽ có những thế mạnh và có những “mẹo” riêng trong điều hành, quản lý. Để có được bí quyết này, chúng tôi phải mất nhiều năm làm việc, tích lũy. Giờ đây, chúng tôi sẵn sàng cùng nhau chia sẻ với mục đích giúp cho nhân sự của mình tốt hơn và các đơn vị có thể trụ vững trong giai đoạn khó khăn này”.
Những tín hiệu tích cực
Chung tay làm mới các sản phẩm trên giá trị cũ, các doanh nghiệp đang khai thác tốt thị trường gần 100 triệu dân. Điều này mang lại tín hiệu khả quan cho các đơn vị kinh doanh du lịch, giúp du khách Việt trải nghiệm du lịch “an toàn, thân thiện, chất lượng và hấp dẫn”.
Nhờ phương hướng phát triển rõ ràng cùng sự phối hợp chặt chẽ với các địa điểm du lịch, Phó giám đốc Hanoitourist Lê Hồng Thái chia sẻ, các chương trình du lịch do nhiều đơn vị liên kết tổ chức đang nhận được phản hồi tốt từ du khách, công ty bảo đảm mức tăng trưởng ổn định. Đặc biệt, các hoạt động trải nghiệm du lịch đêm do Hanoitourist phối hợp với Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò và Hoàng thành Thăng Long tổ chức được đánh giá là góp phần khai thác tiềm năng du lịch đêm của Thủ đô.
qdnd.vn