Năm 2018, Cụm hoạt động du lịch các tỉnh phía đông ĐBSCL (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp và Trà Vinh) đạt nhiều kết quả khởi sắc, đạt gần 10,5 triệu lượt khách, trong đó trên 1,8 triệu khách quốc tế; tổng doanh thu đạt 4.298 tỷ đồng.

Để phát huy kết quả đạt được, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp (Cụm trưởng năm 2019) đã phối hợp với các thành viên trong Cụm đã xây dựng chương trình điều phối Cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Đông ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh năm 2019, để đưa du lịch trong Cụm phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Theo đó, trước mắt các tỉnh trong Cụm sẽ cùng với TP. Hồ Chí Minh chia sẽ thông tin về kết quả hoạt động, phối hợp triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến hoạt động du lịch, phát triển sản phẩm du lịch mới, thị trường khách, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, công tác quảng bá xúc tiến du lịch và kêu gọi đầu tư, các hiện tượng tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hoạt động du lịch.

Cùng nhau trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc kiến nghị về Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch hướng dẫn thực hiện hoặc cho ý kiến chỉ đạo trong công tác quản lý nhà nước về du lịch. Chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng môi trường du lịch xanh – sạch – an toàn và nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích của việc phát triển du lịch.

Chú trọng phối hợp trong công tác lập quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia và xây dựng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, trong đó phối hợp triển khai việc lập Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt và Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL theo Quyết định của BVHTTDL nhằm xây dựng sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của từng địa phương để kết nối thành chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù Cụm phía Đông ĐBSCL có giá trị cao, có sức cạnh tranh và thu hút khách du lịch.

Các tỉnh trong Cụm sẽ tăng cường liên kết trong việc xúc tiến, quảng bá du lịch các địa phương như tích cực tham gia các sự kiện thường niên về văn hóa du lịch, thương mại dịch vụ của các địa phương trong Cụm, khu vực ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh; phối hợp và hỗ trợ tiếp đón các Đoàn khảo sát, trao đổi kinh nghiệm của các địa phương; làm đầu mối hỗ trợ kết nối cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong Cụm và TP. Hồ Chí Minh gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, khảo sát các sản phẩm du lịch mới để hợp tác kinh doanh và kết nối tour, tuyến du lịch đưa khách về các địa phương ; phối hợp tuyên truyền, quảng bá, mở rộng thị trường khách du lịch trong và ngoài nước gắn với sản phẩm, thị hiếu của từng đối tượng khách du lịch; tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền quảng bá các sự kiện của địa phương với nhau…

Đông đảo du khách tại Lễ giỗ hai cụ Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều

Liên kết trong công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch, phối hợp với Tổng cục Du lịch, Trường CB quản lý VHTTDL thuộc Bộ VHTTDL và các trường Đại học, Cao đẳng có đủ điều kiện tổ chức lớp tập huấn về công tác quản lý nhà nước, công tác xúc tiến quảng bá du lịch, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về du lịch mới ban hành, công tác bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững,…  Hàng năm các địa phương tổ chức các lớp kỹ năng nghiệp vụ du lịch gửi thông báo cho nhau để hỗ trợ chiêu sinh và cử người tham dự nếu có nhu cầu.

Bên cạnh đó, các tỉnh trong Cụm sẽ phối hợp triển khai hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch và có liên quan đến du lịch của các địa phương, cụ thể phối hợp với Hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp lữ hành tạo thành một câu lạc bộ liên kết (G30) trong cụm xây dựng một chương trình du lịch chung “Nét đẹp của vùng sông nước miệt vườn” với chính sách hỗ trợ đặc biệt từ các nhà cung cấp dịch vụ du lịch (vận chuyển, lưu trú, ăn uống, tham quan, vui chơi giải trí…) tại các địa phương để quảng bá thu hút khách du lịch tham gia vào chương trình này.

Đồng thời liên kết tạo ra các sự kiện chung, cụ thể trên cơ sở các sự kiện, lễ hội và tiềm năng du lịch của từng địa phương, các tỉnh trong Cụm và TPHCM tiếp tục nghiên cứu, trao đổi thống nhất xây dựng một sự kiện du lịch chung của Cụm nhằm tranh thủ sự hỗ trợ kinh phí, công tác tổ chức, truyền thông… của Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM. Tiếp tục phối hợp tổ chức 01 Đoàn Famtrip cho các doanh nghiệp, phóng viên, báo chí khảo sát các điểm du lịch mới trong Cụm để kết nối tour tuyến du lịch chung của Cụm.

Ngoài ra, hàng năm, tổ chức 01 chương trình Hội nghị quảng bá, xúc tiến và kêu gọi đầu tư chung nhằm giới thiệu các dự án, tiềm năng phát triển điểm đến du lịch, các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch (khu điểm, khách sạn, trạm dừng chân…) trên địa bàn các địa phương trong Cụm với những chính sách kêu gọi, hỗ trợ, thu hút đầu tư để giới thiệu đến các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia tìm kiếm cơ hội đầu tư đến các tỉnh thành…./.

Nguyễn Toàn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Zalo

en_USEnglish