Trong bức thư vừa gởi Nhân dân Đồng Tháp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan – người con của Đất Sen hồng đã nhắc lại câu chuyện “Ông Bà chủ chợ”như một lời kêu gọi phát huy tinh thần vì cộng đồng để chung tay sớm đẩy lùi dịch Covid-19.

Tượng Ông Bà chủ chợ trong miếu thờ

Hiến mạng cứu người

“Ông Bà chủ chợ” được Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc đến trong bức thư động viên người dân quê nhà trong chiến dịch đẩy lùi dịch Covid-19 hiện tại, chính là đôi vợ chồng đã đồng lòng hiến mạng cứu người cách đây 200 năm. Đó là ông bà Đỗ Công Tường, tự Lãnh, người thôn Mỹ Trà (nay là TP Cao Lãnh, Đồng Tháp). Cho đến nay, vẫn chưa có tài liệu nào xác định “Ông Bà chủ chợ”sinh năm nào. Chỉ biết rằng, những năm đầu niên hiệu Gia Long, xuất phát từ tấm lòng thương người, vợ chồng ông đã tổ chức che cất lều bằng tre lá nơi vườn quýt của mình cho bà con trong thôn có chỗ mua bán không lo mưa nắng. Dần dần người dân các nơi kéo đến mua bán ngày càng đông, khiến cho khu vườn quýt như khu chợ sầm uất, dân quen gọi là chợ Vườn Quýt. Thấy ông nhân đức lại có chữ nghĩa nên thôn dân cử ông giữ chức Câu đương, trông coi việc phân xử những vụ tranh tụng nhỏ trong thôn. Sau, người ta ghép chức vào tục danh của ông thành Câu Lãnh…

Khoảng năm 1820, làng Mỹ Trà xuất hiện dịch bệnh ác liệt, lây lan nhanh và kéo dài khiến nhiều người chết. Ông Nguyễn Đình Tô – chuyên viên Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, theo sử liệu, vào thời điểm này, ngày nào làng Mỹ Trà cũng có 5-7 người chết. Có nhiều gia đình người chết gần hết. Tiếng kêu khóc vang dậy khắp nơi, cảnh tượng chôn xác một cách hối hả liên tiếp diễn ra. Đêm đêm, tiếng mõ kêu cứu hồi một phát lên từng chập… Cám cảnh trước cảnh chết chóc của người dân, một lần nữa vợ chồng ông bà Đỗ Công Tường lại ra tay nhân nghĩa. Sau khi dốc hết tiền của mời thầy thuốc cứu chữa mà vẫn chưa dứt nạn dịch gây chết người, vợ chồng ông đã đi đến quyết định mang mạng sống của mình ra cầu nguyện cứu người. Tương truyền, ngày mồng sáu tháng sáu năm Canh Thìn (1820), ông bà tắm gội sạch sẽ, ăn chay nằm đất rồi lập bàn hương án giữa trời khấn nguyện lấy mạng sống của mình ra để cầu an lành người dân. Sau 3 ngày cầu nguyện, đến ngày mùng chín, mùng mười thì vợ chồng ông lần lượt qua đời. Kỳ lạ thay, sau khi vợ chồng ông quy tiên, dịch bệnh cũng dần lui và nạn chết người hết hẳn. Cám nghĩa nhân đức, người dân chôn cất ông bà cẩn thận ngay phía sau khu vực ngôi chợ và dựng miếu thờ ngay bên chợ Vườn Quýt. Ngày nay, hai công trình mộ và miếu thờ, sau nhiều lần duy tu sửa chữa, đã được công nhận là Di tích cấp tỉnh, được đông đảo người trong và ngoài tỉnh đến chiêm bái, cầu an…và trở thành điểm đến trong bản đồ du lịch Đồng Tháp – Đất Sen hồng.

Vén màn huyền tích

Câu chuyện hiến mạng cứu dân của vợ chồng người chủ chợ cách đây 200 năm ở vùng đất Cao Lãnh, Đồng Tháp tưởng chừng mang màu sắc ly kỳ của huyền tích… Nhưng sự thật không hẳn vậy. Theo ông Nguyễn Đình Tô, “Ông Bà chủ chợ” là nhân vật lịch sử. Bên cạnh bằng chứng là mộ và miếu thờ, còn có thêm yếu tố xác tín: khu chợ Vườn Quýt ngày trước chính là tiền thân Chợ Cao Lãnh ngày nay mà danh xưng gắn liền với tên tuổi vợ chồng ông. Trong khi đó, theo TS.BS Châu Hữu Hầu – Giám đốc Bệnh viện Nhật Tân (An Giang), sự kiện dịch gây chết người trên diện rộng vào thời Ông Bà chủ chợ là có thật. Trong công trình nghiên cứu dài hơi về Thoại Ngọc Hầu: Thoại Ngọc Hầu và công trình đào kênh Vĩnh Tế, vị tiến sĩ y khoa này đã chỉ rõ: “Các nghiên cứu y khoa thế giới đã khẳng định: Giai đoạn 1817-1823 đã xảy ra đại dịch do vi khuẩn tả trên phạm vi toàn thế giới”. Và có trùng hợp ngẫu nhiên là đại dịch năm đó cũng xuất phát từ Ấn Độ trước khi lây lan ra khắp nơi tương tự như biến thể của virus SARS-CoV-2 có độc lực mạnh đang hoành hành khắp nơi hiện nay. Theo TS Hầu, tại Việt Nam, con số người chết do đại dịch năm xưa rất khủng khiếp. Chỉ trong năm 1820, số người chết thống kê được là 206.835 trường hợp, chiếm khoảng 3-4% dân số.

Về lịch sử nhân thân, “Ông Bà chủ chợ” cũng được cả dân gian và Nhà nước đương thời ghi nhận. Đối với dân gian, bên cạnh những mẩu chuyện, giai thoại được nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu ghi nhận, lưu truyền thành những tác phẩm liên quan đến hành trạng của ông bà như: “Sa Đéc nhơn vật chí” của hai tác giả Nguyễn Văn Dần và Nguyễn Văn Cứng (in năm 1926); “Những người Việt tiền phong trên bước đường Nam tiến tại Cao Lãnh – Kiến Phong” của Lê Hương (Tập san Sử Địa số đặc biệt chuyên đề “Cuộc nam tiến của dân tộc Việt Nam” (nhà in Khai Trí ấn hành năm 1970)… người dân còn tri ân bằng cách lấy tên vợ chồng ông đặt tên cho chợ Vườn Quýt xưa: Chợ Câu Lãnh, tức chợ ông Câu đương tên Lãnh. Vì thế Ông Bà còn được gọi là ông bà chủ chợ và miếu thờ được đặt là “Chủ thị miếu”. Sau, theo thói quen phát âm giản đơn của Nam bộ, đọc trại thành Cao Lãnh, rồi quen dần. Ngày nay, danh xưng Cao Lãnh còn trở thành danh xưng của thành phố trung tâm tỉnh Đồng Tháp.

Ngoài ra, Ông Bà chủ chợ còn được Nhà nước đương thời ghi nhận và phong thần. Năm 1920, sau khi được nhân sĩ đệ trình công trạng lên cấp thẩm quyền, năm Bảo Đại thứ 10, vua ban sắc phong cho ông bà là: Dực bửu Trung hưng Linh phò chi thần”. Cụ thể: “Sắc cho xã Mỹ Trà, tỉnh Sa Đéc, thờ phụng vị thần có công khai lập chợ Câu Lãnh là Đỗ Công Tường, từ trước đã tỏ ra linh ứng rõ rệt. Nay ta kế nối cơ đồ, nghĩ nhớ đến công lao của thần, mới phong là Dực bảo Trung hưng Linh phò chi thần, chuẩn cho được thờ tự, ngõ hầu thần hãy che chở cho dân lành”.

Ngày nay, hàng năm vào các ngày mùng 8, mùng 9, mùng 10 tháng 6 âm lịch, Nhân dân trong vùng đã cùng với chính quyền và Ban Quản lý Đền thờ tổ chức lễ giỗ ông bà Đỗ Công Tường trang nghiêm theo nghi thức cổ truyền. Đặc biệt, những năm gần đây, lễ giỗ Ông Bà chủ chợ Đỗ Công Tường được người dân từ các tỉnh miền Trung và phía Bắc đến tham dự ngày càng đông.

Nhân mùa dịch Covid-19, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc lại chuyện Ông Bà chủ chợ như một cách “ôn cố- tri tân” để động viên mỗi người hôm nay phát huy tinh thần vì mọi người của tiền nhân, cùng chung tay sớm đẩy lùi đại dịch…

Theo Lục Tùng

http://baodongthap.com.vn/van-hoa/dich-covid-19-nho-chuyen-ong-ba-chu-cho-hien-mang-cuu-nguoi-99608.aspx

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Zalo

en_USEnglish