Từ địa phương “khuất nẻo”, Đồng Tháp đã nhanh chóng vươn lên top đầu cả nước về các chỉ số phát triển… Hành trình đó, đẹp và lộng lẫy như đóa sen làm rạng rỡ thương hiệu Đất Sen hồng.
Lấy con người làm lợi thế thay thế
Điều gì đã giúp Đồng Tháp tạo ra kỳ tích này khi nơi đây không có nhiều lợi thế tự nhiên, địa lý?
“Chúng tôi phát huy tiềm năng con người, lấy năng lực con người trong mối tổng hòa cá nhân – tập thể làm lợi thế thay thế” – ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ. Nhận thức được bất lợi về vị thế địa lý và tài nguyên thiên nhiên, Đồng Tháp chọn việc phát huy yếu tố con người làm lợi thế thay thế. Không lời lẽ “có cánh”, Đồng Tháp âm thầm giải bài toán “khuất nẻo” trên nền tảng nhu cầu thực tế đặt ra. Xác định nông nghiệp là thế mạnh, Đồng Tháp đã chủ động thực hiện cuộc “cách mạng đồng đất”. Nổi bật là việc khai sinh Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó Hội quán – tổ chức sinh hoạt của những nhà nông cùng tâm huyết, chí hướng – giữ vai trò hạt nhân. Với phương châm chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”, Đề án không chỉ tạo ra chuỗi giá trị ngành hàng và giá trị gia tăng cao hơn so với trước, mà từ đây, còn gợi mở để Trung ương triển khai và mở ra phong trào “Tái cơ cấu nông nghiệp” trên phạm vi cả nước. Để làm được điều này, Đồng Tháp bắt đầu từ yếu tố con người. Cụ thể là đánh thức tiềm năng trong từng cán bộ, nhân viên… phát huy trí tuệ, sáng tạo để hiến kế xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, cách làm hay, thiết thực với nhu cầu thực tế… Tất cả như nền tảng vững chắc kích hoạt đồng đất vươn vai Phù Đổng hướng tới nền nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số, nông nghiệp chia sẻ… “Bên cạnh phát huy dân chủ trong các buổi hội, họp để “gạn đục, khơi trong”, chắt chiu từng ý tưởng, sáng kiến…, chúng tôi còn chủ động xây dựng Slogan sát với nhu cầu thực tiễn để nhắc nhở từng cán bộ, nhân viên làm việc với tâm thế mới” – ông Phạm Thiện Nghĩa chia sẻ. Theo đó, trước thềm mỗi năm mới, Đồng Tháp tập hợp nhóm chuyên gia xây dựng ra Slogan gắn liền với kế hoạch, mục tiêu tăng trưởng và định hướng hoạt động cả năm của tỉnh. Các Slogan này được hướng tới 2 mục tiêu: Định hình nội dung, phương thức hành động và thôi thúc các tập thể, cá nhân hoàn thành nhiệm vụ. Tính đến năm 2022, Đồng Tháp đã xây dựng được 8 Slogan.Trong đó, có những Slogan tạo ấn tượng mạnh cả trong nội bộ lẫn các địa phương bạn. Điển hình là Slogan năm 2017:
“Kín cổng cao tường khép vận hội,
Trải lòng mở cửa đón tương lai”.
Nghĩa là nếu “đóng cửa”, sẽ khép lại những thời cơ. Ngược lại, nếu “mở cửa” sẽ có thêm cơ hội cho tương lai tươi đẹp. Điều đặc biệt hơn là ngay sau đó, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã đi đầu trong việc hưởng ứng lời hiệu triệu này bằng việc làm vô cùng mới mẻ. Thậm chí có thể nói là đi đầu trong khu vực về việc tạo dựng thương hiệu Chính quyền thân thiện khi UBND tỉnh đầu tiên thực hiện việc mở cổng trụ sở đón người dân vào tham quan dịp Tết. “Không chỉ đơn thuần là việc tham quan không gian xanh, sạch, đẹp, chúng tôi muốn gởi gắm vào những chuyến tham quan đó nhiều thông điệp tích cực” – ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh thêm – “Đó là tinh thần, thái độ gần gũi, gắn kết giữa chính quyền với người dân. Từ đây, sẽ lan tỏa hiệu ứng tích cực cho đội ngũ cán bộ trong toàn hệ thống chính trị, nhất là tuyến cơ sở về cách nghĩ, cách làm với người dân: mở lòng hơn, trách nhiệm hơn trong phục vụ người dân…”.
Đi đầu xây dựng thương hiệu địa phương
Song song đó, Đồng Tháp cũng nhanh chóng xây dựng thương hiệu địa phương để thu hút các nhà đầu tư tìm đến, gắn bó lâu dài. “Sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về xây dựng hình ảnh địa phương, Đồng Tháp đã chọn sen để bắt đầu…”. Vì sao là sen? Ông Phạm Thiện Nghĩa cho biết, từ lâu, Đồng Tháp được biết đến như xứ sở của sen: “Tháp Mười đẹp nhứt bông sen; Việt Nam đẹp nhứt có tên Bác Hồ”. Nói cách khác, nhắc đến Đồng Tháp người ta nghĩ ngay tới hình ảnh cánh đồng sen bạt ngàn, nhưng sâu xa hơn, hoa sen đã thấm sâu vào tâm hồn và ý chí con người nơi đây. Vì thế, việc chọn hoa sen là biểu tượng địa phương chính là thể hiện phẩm chất, tinh thần con người Đồng Tháp vươn lên, không khuất phục trước gian khó và thuần khiết: Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Từ những đặc trưng này, tỉnh cũng đã chọn Slogan để thu hút nhà đầu tư, khách du lịch: “Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen”, với mong muốn du khách, nhà đầu tư khi đến nơi đây sẽ cảm nhận được sự chân tình, ấm áp của đất và người Đồng Tháp… Cùng với sáng kiến về điểm “Cà phê Doanh nhân – Doanh nghiệp” do Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức ngay khuôn viên Văn phòng UBND tỉnh để tiếp và xử lý công việc với doanh nhân vào mỗi sáng trước giờ hành chính… đã góp phần đưa Đồng Tháp từ địa phương khuất nẻo, vươn lên và có mặt trong top đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) suốt 14 năm liền và nhiều năm đứng thứ hạng cao cả nước về Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX).
Đồng Tháp là thế đấy, như người nông dân, không lời lẽ có cánh, không sắc màu, nhưng chuyên cần trên cánh đồng, sáng tạo trong từng luống cày, năng động trong từng thao tác để đưa đồng đất đượm rực mùa vàng của năng suất, chất lượng và lòng tin được truyền dẫn từ hệ thống chính trị kiến tạo và tử tế.
Để kết thúc bài viết này, xin dẫn lại nhận xét của Thủ tướng Phạm Minh Chính, lúc còn là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, đã phát biểu chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 -2025: “Đồng Tháp là một trong số ít tỉnh xây dựng được bộ nhận diện thương hiệu và thực hiện có hiệu quả việc tạo dựng hình ảnh địa phương qua hình ảnh Sen hồng. Điều này làm cho hình ảnh vùng đất, con người Đồng Tháp đã đẹp lại càng đẹp hơn, đã tốt lại càng tốt hơn, đã ấn tượng lại càng ấn tượng hơn trong lòng Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế”.
Theo Lục Tùng
https://www.baodongthap.vn/kinh-te/dong-thap-doa-sen-hong-cua-dong-bang-song-cuu-long-106009.aspx