ĐBSCL có hệ sinh thái đa dạng và hệ thống sông ngòi chứa đựng nhiều giá trị tài nguyên nông nghiệp và du lịch. Thuộc khu vực ĐBSCL, Đồng Tháp có trên 70% dân số sống dựa vào nông nghiệp và gần đây phát triển mạnh du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Loại hình du lịch này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế bền vững, mà còn góp phần nâng cao ý thức cho người dân trong việc bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa bản địa.
Thành quả bước đầu
Ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Loại hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng phát triển mạnh tại tỉnh, mang lại nhiều kết quả khả quan.
Đầu tiên phải kể đến là mô hình du lịch cộng đồng tham quan đồng sen ở huyện Tháp Mười. Thời điểm bắt đầu, mô hình chỉ có 5 hộ dân khai thác du lịch trải nghiệm với các dịch vụ: chèo xuồng ngắm sen, câu cá, ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn được chế biến từ sen. Đến nay đã có hàng chục hộ dân tham gia khai thác loại hình du lịch cộng đồng này. Đây là điểm thu hút đông đảo khách du lịch từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận vào dịp cuối tuần và các kỳ nghỉ lễ. Trung bình một tháng các điểm tham quan đồng sen đón và phục vụ trên 10.000 lượt khách; vào những dịp cao điểm như lễ, Tết, trung bình một ngày có trên 1.000 lượt du khách đến đây tham quan và trải nghiệm.
Tiếp theo thành công của đồng sen, các nhà vườn cam, quýt ở huyện Lai Vung cũng mạnh dạn mở cửa đón khách du lịch đến tham quan. Hiện nay có 10 điểm tham quan vườn quýt hồng, cam xoàn, thanh long, mận; 3 điểm tham quan và trải nghiệm làng nghề thủ công; homestay Ngôi nhà Quýt… đang hoạt động phục vụ khách tham quan trải nghiệm. Từ khi khai trương hoạt động đến nay, các điểm tham quan vườn cam, quýt… trên địa bàn đã đón tiếp và phục vụ hơn 145.000 lượt khách, tổng thu đạt khoảng 45 tỉ đồng.
Một trong những mô hình du lịch cộng đồng thành công nhất là làng hoa Sa Đéc, hiện có 4 điểm tham quan trải nghiệm du lịch nông nghiệp, điểm du lịch – khu vui chơi giải trí miệt vườn Happy Land – Hùng Thy, 4 homestay, điểm tham quan quy trình sản xuất bột và trải nghiệm ẩm thực bánh dân gian từ bột Sa Đéc, trung tâm sản xuất hoa kiểng ứng dụng công nghệ cao và điểm dừng chân bán hàng đặc sản – hàng lưu niệm và sản phẩm OCOP… Đến đây, du khách còn được nghe các nghệ nhân, tình nguyện viên giới thiệu đặc điểm, xuất xứ, ý nghĩa và giá trị văn hóa lẫn kinh tế của từng loại hoa kiểng, ngắm nhìn các tiểu cảnh phong phú và hấp dẫn trên đường hoa Sa Nhiên – Cai Dao. Làng hoa Sa Đéc được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh mục chỉ đạo điểm xây dựng Làng Văn hóa Du lịch Sa Đéc trong chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), là một trong 10 làng văn hóa du lịch của cả nước và là làng văn hóa du lịch thứ 2 của khu vực ĐBSCL.
Tại các huyện trong tỉnh cũng đã lan tỏa và phát triển nhiều mô hình du lịch nông nghiệp kết hợp khai thác các giá trị văn hóa bản địa, đồng thời gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương như: farmstay Việt Mekong, farmstay Ao Nhà, homestay – nhà hàng Vườn Xanh, homestay Tư Cá Linh, trang trại dưa lê ECOFAM, trang trại nông sản Đồng Tháp AQUA PONIC… đã thu hút nhiều du khách gần xa đến trải nghiệm.
Định hướng phát triển bền vững
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp bên cạnh khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia làm du lịch cộng đồng; cũng đồng thời xây dựng chiến lược phát triển loại hình này. Ngành Du lịch tỉnh thẳng thắn nhìn nhận du lịch cộng đồng tại Đồng Tháp khởi đầu tự phát; tốc độ phát triển nhanh với nhiều mô hình nhưng chủ yếu ở quy mô nhỏ; sản phẩm du lịch cộng đồng còn giản đơn. Vì vậy chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách cũng như tăng khả năng chi tiêu từ khách du lịch, chưa có nhiều hoạt động trải nghiệm, dịch vụ bổ trợ cho du khách. Các tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch cộng đồng còn lúng túng trong khai thác tiềm năng, đa dạng hóa sản phẩm để hấp dẫn du khách và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nông nghiệp. Phần lớn người dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, nên dù đã được hỗ trợ đào tạo, tập huấn các kỹ năng giao tiếp ứng xử, đón tiếp và phục vụ khách; nhưng vận dụng còn hạn chế, hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp.
Từ đó, ngành Du lịch Đồng Tháp xác định tập trung các giải pháp phát triển du lịch cộng đồng. Trước mắt và cấp bách nhất là tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân địa phương về giá trị văn hóa bản địa để truyền tải đến du khách. Đồng thời đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng làm du lịch cho cộng đồng địa phương, nhất là các kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng quản lý điểm đến, quy trình đón tiếp và phục vụ khách, kỹ năng chăm sóc khách hàng. Kết nối với các doanh nghiệp lữ hành trong xây dựng chương trình, sản phẩm, dịch vụ du lịch; kết nối tour tuyến.
Về cơ chế chính sách, tỉnh ưu tiên phát triển du lịch theo hướng sinh thái, nông nghiệp và trải nghiệm làng nghề; tiếp tục vận dụng hiệu quả Nghị quyết 210 của HĐND tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cũng triển khai nhiều chương trình, kế hoạch trọng tâm nhằm thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng. Đó là đang triển khai xây dựng mô hình sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ. Phối hợp với ngành Nông nghiệp tổ chức điều tra, khảo sát hoạt động phát triển du lịch nông nghiệp tại các địa phương trong tỉnh để có đánh giá toàn diện về thực trạng phát triển, cũng như khuyến nghị các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp phù hợp, từ đó có chính sách hỗ trợ tương xứng. Xây dựng các sản phẩm phục vụ cho hoạt động du lịch nông nghiệp theo mô hình nông nghiệp xanh, ưu tiên phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp công nghệ cao.
Để tránh các sản phẩm du lịch đơn điệu và trùng lắp, việc xây dựng các sản phẩm chủ đạo, khai thác các yếu tố đặc trưng, có tính khác biệt, điểm nhấn của mỗi địa phương là rất quan trọng. Hàng năm, ngành Du lịch tỉnh đều tổ chức để các hộ làm du lịch cộng đồng tham quan thực tế các mô hình phát triển du lịch kết hợp nông nghiệp tại một số tỉnh, thành trong nước, giúp người dân có thêm kiến thức và kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang tập trung triển khai chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn; gắn chặt du lịch nông nghiệp với phát triển du lịch cộng đồng và khai thác các giá trị văn hóa bản địa, làng nghề truyền thống, quà lưu niệm, đặc sản địa phương… nhằm nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững.
Báo Cần Thơ