Đồng Tháp đã khống chế và kiểm soát dịch bệnh, chuẩn bị điều kiện cùng người dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội.

Khu du lịch Tràm Chim (huyện Tam Nông, Đồng Tháp) đa dạng hóa sản phẩm, sẵn sàng đón du khách dịp cuối năm và đón Xuân về

Khôi phục sản xuất, kinh doanh và đầu tư công

Trung tuần tháng 11/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Phạm Thiện Nghĩa chủ trì Hội nghị trực tuyến với các sở, ngành, địa phương về tình hình khôi phục sản xuất, kinh doanh và đầu tư công sau thời gian giãn cách do Covid-19.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 64.000 cơ sở đã khôi phục sản xuất, chiếm 84,07%, với 144.038 lao động. Có 9/12 huyện có tỷ lệ khôi phục cao hơn mức bình quân chung cả tỉnh, trong đó trên 95% gồm có TP. Hồng Ngự, các huyện Tam Nông, Thanh Bình, Lấp Vò; dưới 70% có huyện Tháp Mười, Cao Lãnh. Có 45 dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư là 4.943 tỷ đồng; trong đó, có 5 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư là 866 tỷ đồng, 24 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư, với tổng vốn đầu tư là 3.201 tỷ đồng.

Về khôi phục công trình đầu tư công, đến nay Đồng Tháp đã đưa vào hoạt động lại 963 công trình, chiếm 79,7% tổng số. Riêng dự án đầu tư tư nhân cũng có sự khởi động trở lại, hiện có 6 dự án đã hoàn thành thủ tục và khởi động, với tổng vốn đầu tư là 254 tỷ đồng.

Ông Phạm Thiện Nghĩa chỉ đạo, từ nay tới cuối năm, các địa phương tập trung quan tâm tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp chuẩn bị tái sản xuất; ưu tiên vắc-xin cho các doanh nghiệp có phương án hoạt động…

Về giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát, tạo điều kiện để chủ đầu tư sớm hoàn thành dự án đầu tư. Bên cạnh đó, các ngành, đơn vị liên quan cần lên danh mục thẩm định các dự án đầu tư công trong năm 2022 và giai đoạn trung hạn 2021-2025, nhằm có sự chủ động trong việc triển khai dự án.

Phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp

Tốc độ tăng trưởng của Đồng Tháp bình quân giai đoạn 2016 – 2020 là 14%/năm, kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt trên 1 tỷ USD; hàng năm giải quyết việc làm cho hơn 35.200 lao động. Các hoạt động khởi nghiệp được quan tâm, chỉ đạo, bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng, làm tiền đề cho các giai đoạn tiếp theo. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng lan tỏa và mang đến nhiều hướng đi mới cho các hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn; đến nay, toàn tỉnh có 161 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 đến 4 sao, trong đó có nhiều sản phẩm khởi nghiệp của tỉnh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, đóng góp của khối doanh nghiệp Đồng Tháp vào nền kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng; tỷ trọng còn hoạt động chỉ đạt 50% trên tổng số doanh nghiệp thành lập mới. Mô hình hoạt động mang tính chất hộ gia đình, nhỏ lẻ; vốn đầu tư ít; trình độ khoa học, kỹ thuật lạc hậu; hoạt động khởi nghiệp chưa mang tính hệ thống cao, chưa gắn liền với khoa học, công nghệ và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Những khó khăn nội tại trên càng bộc lộ rõ hơn khi nền kinh tế và doanh nghiệp đối diện với đại dịch Covid-19, đòi hỏi doanh nghiệp phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, không chỉ dừng lại trong phạm vi cấp tỉnh, mà mở rộng ra khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và kết nối nguồn lực với nhiều nơi trong nước cũng như quốc tế.

Xác định trong khó khăn, thử thách sẽ luôn xuất hiện nhiều cơ hội mới, bên cạnh việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của doanh nghiệp, Đồng Tháp tập trung tạo điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp bằng cách tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, hiện đại hóa công nghệ. Tiếp tục xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp, nhất là phát huy vai trò, tính chủ động, sáng tạo của doanh nghiệp, doanh nhân

Với mục tiêu, kỳ vọng trên, Đồng Tháp xác định phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp là một trong 5 đột phá chiến lược phát triển trong giai đoạn 2021 – 2025; doanh nghiệp là một trong những động lực quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Ưu tiên, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, phù hợp với địa phương; tiếp cận chương trình chuyển đổi số, đổi mới, chuyển giao khoa học, công nghệ tiên tiến gắn với kinh tế tuần hoàn để khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên bản địa.

Mục tiêu tỉnh Đồng Tháp đề ra trong giai đoạn 2021 – 2025 là phát triển ít nhất 3.000 doanh nghiệp (hàng năm phát triển ít nhất 600 doanh nghiệp), đến năm 2025, tỉnh có ít nhất 5.300 doanh nghiệp thực tế đang hoạt động. Khu vực doanh nghiệp đóng góp từ 26 – 27% vào GRDP của tỉnh; đóng góp 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; đến năm 2025 đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP ít nhất 35%; hàng năm giải quyết việc làm cho ít nhất 36.000 lao động.

Hàng năm, có ít nhất 30 sản phẩm khởi nghiệp được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 hoặc 4 sao; đến năm 2025, tỉnh có ít nhất 295 sản phẩm OCOP đạt 3 hoặc 4 sao và có ít nhất 15 sản phẩm OCOP đạt 5 sao.

Hỗ trợ đào tạo cho khoảng 1.000 lượt người/năm về quản trị doanh nghiệp và khởi sự doanh nghiệp. Hình thành “Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp”, với kỳ vọng sẽ đưa hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo không chỉ dừng lại trong phạm vi cấp tỉnh, mà mở rộng ra khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và kết nối nguồn lực với nhiều nơi trong nước cũng như quốc tế.

Phát triển du lịch thích ứng tình hình mới

Là địa phương có tiềm năng lớn về du lịch, tỉnh Đồng Tháp đề ra nhiệm vụ phát triển du lịch thích ứng với tình hình mới. Theo đó, đưa cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch lên sàn thương mại điện tử, kết hợp tiêu thụ nông sản.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp, nhằm bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu khi Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tích cực xây dựng và triển khai kế hoạch đưa hàng hóa, nông sản trong tỉnh giao dịch trên sàn thương mại điện tử Postmart, Voso. Đến nay đã hỗ trợ tiêu thụ được hơn 1.467 tấn nông sản, với 410 hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử.

Phát huy những kết quả đạt được, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, Sở tiếp tục tham mưu, đề xuất UBND tỉnh thống nhất chủ trương hỗ trợ các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tham gia sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển du lịch, kết hợp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh bưu chính chuyển phát.

Mục tiêu chính là hỗ trợ các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch, bao gồm các khu, điểm du lịch, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch, cơ sở lưu trú, công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh tham gia các sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thêm kênh kết nối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, giúp du khách tiếp cận thông tin các loại hình du lịch mới, các sản phẩm du lịch đặc trưng, bền vững, gắn với thế mạnh của địa phương.

Tạo kênh giao dịch mua bán sản phẩm du lịch. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch thương mại điện tử.

Kết nối với các địa phương trong tỉnh, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, hàng đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh thông qua khách du lịch, góp phần đẩy mạnh bưu chính chuyển phát.

Đẩy mạnh truyền thông quảng bá, nâng cao hiệu quả kinh doanh của các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ du lịch trên sàn thương mại điện tử.

Tổ chức tập huấn kỹ năng số cho các hộ sản xuất nông nghiệp và cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tham gia, giúp học viên nắm được các kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số, đăng ký tài khoản để đưa sản phẩm dịch vụ du lịch lên sàn thương mại điện tử…

Ông Trần Thanh Hùng, chủ cơ sở homestay Ngôi nhà Hoa ếch phấn khởi cho biết, sẽ cập nhật đầy đủ thông tin, hình ảnh các dịch vụ tại cơ sở để quảng bá, thu hút du khách, đồng thời đăng ký tài khoản thanh toán trực tuyến, hướng đến sự tiện lợi và tăng tính hiệu quả khi tham gia loại hình thương mại điện tử này.

Tương tự, ông Lê Hoàng Long, Giám đốc Khu du lịch Tràm Chim chia sẻ, hiện Khu du lịch Tràm Chim tập trung điều chỉnh, nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ hiện có, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, phát triển du lịch cộng đồng, kết nối làng nghề địa phương và các tour/tuyến tham quan… “Với mô hình mới về quảng bá du lịch trên sàn thương mại điện tử, hy vọng sẽ thu hút sự chú ý của du khách về Vườn quốc gia Tràm Chim và các điểm đến trên địa bàn”, ông Long nói. 

Bà Nguyễn Lâm Thanh Thủy, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp cho biết thêm, đây là hướng đi mới của Đồng Tháp nhằm đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá và cung cấp các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh thông qua 2 sàn thương mại điện tử, hướng đến sự tiện lợi, nhanh chóng, an toàn cho du khách, mở rộng thị trường du lịch, đồng thời kết hợp tiêu thụ sản vật địa phương thông qua dịch vụ bưu chính chuyển phát trong điều kiện tình hình dịch bệnh còn kéo dài. Đồng Tháp sẽ nhân rộng mô hình này đến các địa phương trong tỉnh.

Theo Huy Tự

https://baodautu.vn/dong-thap-san-sang-phuc-hoi-kinh-te-sau-dai-dich-d156585.html

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Zalo

en_USEnglish