Thời gian qua, cùng với nhiều loại hình khác, du lịch tâm linh ngày càng phát triển, không chỉ tạo điều kiện cho người dân được tự do sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo mà còn tạo điều kiện giới thiệu những cảnh quan, bản sắc văn hoá, lịch sử của dân tộc đất nước.
Tiềm năng và lợi ích
Theo các chuyên gia, du lịch tín ngưỡng, tâm linh đã có từ lâu trên thế giới, ở Việt Nam, khi đời sống được nâng lên, nhu cầu đi du lịch tâm linh cũng phát triển. Nó giúp mọi người vừa có thể tham quan, tìm hiểu thêm về văn hóa, tín ngưỡng, lịch sử về các di tích cổ xưa, vừa giúp trải nghiệm những và khám phá những vùng đất mới, văn hóa mới.
Việt Nam có 54 dân tộc anh em, hàng chục tôn giáo, cùng nhiều tín ngưỡng khác nhau cùng tồn tại, song hành phát triển. Gắn liền với đó là hàng chục nghìn di tích, lễ hội ghi dấu quá trình hình thành và phát triển văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng của mỗi cộng đồng. Đơn cử như đối với đạo Phật, các di tích chùa Hương, chùa Bái Đính, chùa Yên Tử, chùa Bút Tháp gắn liền với sự hình thành của phật giáo Việt Nam. Nhà thờ đá Phát Diệm, nhà thờ Lớn tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh là những di tích văn hoá lịch sử gắn liền với sự ra đời, phát triển của đạo Thiên chúa; Thánh địa Mỹ Sơn gắn liền với văn hoá, lịch sử dân tộc Chămpa, Toà thánh Tây Ninh là trung tâm hội tụ những người theo đạo Cao Ðài ở miền Nam…
Theo PGS. Ts Dương Văn Sáu -Trưởng khoa Văn hóa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, chiến lược phát triển du lịch của bất kỳ quốc gia nào cũng lấy chính người dân sở trị làm gốc. Nước ta có hơn 90 triệu dân. Thu nhập bình quân đầu người tăng hàng năm. Đời sống tinh thần ngày càng được chú trọng, dẫn tới nhu cầu du lịch ngày càng cao. Tâm lý người Việt lại trọng tín ngưỡng. Hoạt động du lịch tâm linh vừa đáp ứng nhu cầu thư giãn, vừa tìm hiểu các trang lịch sử, phong tục, tập quán, tín ngưỡng thông qua các di tích và lễ hội.
Thống kê của Tổng cục du lịch, trong tổng số khách du lịch tại Việt Nam thì loại hình du lịch tâm linh chiếm khoảng 1/3 lượng du khách. Du lịch tâm linh không chỉ hấp dẫn người Việt trong nước (đi trong nội địa và quốc tế) mà còn hấp dẫn đối với cả du khách nước ngoài.
Có thể nói, các hoạt động du lịch đã giúp người dân địa phương phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần thông qua việc xây dựng thêm các cơ sở lưu trú, ăn uống, dịch vụ lễ, bán đồ lưu niệm, vận ; Nhiều nghề truyền thống được khôi phục; các loại nông sản cũng được tiêu thụ nhiều hơn.
Phát huy giá trị kết nối
Với tiềm năng và lợi ích to lớn như vậy, ngày càng có nhiều loại hình du lịch kết hợp nghỉ dưỡng với tôn giáo, tâm linh; các khoá học thiền, yoga, giảng giải giáo pháp không chỉ thiết kế cho người lớn mà cả cho các cháu học sinh các lứa tuổi.
Trên thực tế, nắm bắt được xu hương này, nhiều công ty du lịch khi xây dựng các tour tuyến đều lồng ghép các điểm du lịch tôn giáo, tâm linh như điểm tham quan Nhà thờ Đá Phát Diệm, chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Hương (Hà Nội), Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam (An Giang), Phú Quốc (Bà Rịa Vũng Tàu), toà Thánh Tây… Hay các dự án đầu tư mới tại một số vùng sâu, vùng xa, miền núi như Sapa (Lào Cai), Bà Nà Hill (Đà Nẵng), các dự án ở Hà Nam, Thừa Thiên Huế cũng đều gắn thêm yếu tố tín ngưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh, tôn giáo của khách du lịch và người dân.
Đến các điểm du lịch tâm linh, tôn giáo, du khách có thể tìm hiểu, chiêm ngưỡng, tham gia vào lễ nghi lễ, lễ hội truyền thống và các hình thức nghệ thuật. Họ cũng tìm hiểu về lịch sử và văn hóa từ hướng dẫn thích hợp tại khu tôn giáo. Vì thế, du lịch tâm linh một cách nào đó, cung cấp thực hành bài học cho du khách, góp phần nâng cao nhận thức và kiến thức về văn hóa, niềm tin, truyền thống và lịch sử của dân tộc.
Bên cạnh, du lịch tâm linh cũng là hình thức giúp giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam; lan toả những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Trong bối cảnh thế giới hội nhập với nhiều thách thức về chính trị, tôn giáo và môi trường, thì văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng sẽ là sợi dây kết nối con người với nhau thông qua sự hiểu biết. Du lịch tâm linh góp phần xây dựng mối quan hệ thân thiện, khuyến khích tình bằng hữu, giúp vượt qua các thành kiến văn hóa và tôn giáo; chống lại những tư tưởng, luận điệu sai trái, thù địch.
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch là rất rõ ràng, theo hướng chiều sâu, có chất lượng, hiệu quả, bền vững, có thương hiệu và sức cạnh tranh, trong đó phát triển du lịch tâm linh phải hướng tới giá trị chân-thiện-mỹ và nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy tiến bộ xã hội, cũng như kết nối cộng đồng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; loại bỏ những hủ tục, dị đoan làm sai lệch tư tưởng và u muội tinh thần.
Để đạt được những mục tiêu nêu trên, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về du lịch tâm linh, tôn giáo; Đầu tư cho công tác bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa tâm linh, đặc biệt về tín ngưỡng, tôn giáo và những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với điểm tâm linh trở thành yếu tố hấp dẫn đặc sắc Việt Nam để thu hút khách du lịch.
Tiếp tục đầu tư vào hạ tầng du lịch; xây dựng các tour tuyến phù hợp; đồng thời tăng cường nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá du lịch tâm linh trong mối liên kết phát triển các loại hình du lịch khác; Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Tạo điều kiện cho người dân bản địa, trong đó có các chức sắc tôn giáo tham gia góp ý kiến, góp phần phát triển du lịch bền vững.
Có thể nói, với hệ thống di sản văn hóa tâm linh, tôn giáo đa dạng, độc đáo cùng những định hướng rõ ràng, du lịch tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam đang có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển mạnh mẽ, không chỉ góp phần lan toả các giá trị nhân văn, tạo sự gắn kết trong cộng đồng mà còn góp phần phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương trong tiến trình hội nhập.