Thông qua Chương trình OCOP, nhiều địa phương đã chủ động phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn và điểm du lịch. Đến nay, các địa phương đã đánh giá và công nhận 65 sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.

Hội nghị triển khai Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.  

Ngày 9/9, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị triển khai Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 31/8/2022, tất cả 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), cả nước đã có 8.478 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Đã có hơn 4.351 chủ thể OCOP, trong đó có 38,3% là hợp tác xã, 26,1% là doanh nghiệp, 33,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn. Theo đó, góp phần khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch; đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền; thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng khó khăn và các nhóm yếu thế như: đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, chương trình nông thôn mới giai đoạn trước thành công và mang lại ý nghĩa to lớn, nhưng giờ là lúc chúng ta khởi tạo cho giai đoạn mới. Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thực tế nói cuộc cách mạng xây dựng nông thôn mới không quá, bởi người Nhật khi trồng rau sạch họ cũng nói đó là cuộc cách mạng, huống chi chúng ta tạo dựng nông thôn mới đầy nhựa sống, là nơi đáng sống, là nơi để quay về. Nếu đô thị là nơi so sánh đẳng cấp văn minh của dân tộc này với dân tộc khác, thì nông thôn mới là nơi so sánh bản sắc của một dân tộc này với dân tộc khác.

Trên cơ sở những kết quả đạt được của Chương trình OCOP; căn cứ Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 và Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng kế hoạch triển khai 02 Chương trình này. Theo đó, với Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, Bộ triển khai trình OCOP linh hoạt, phù hợp theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương. Đẩy mạnh hoạt động đào tạo, tập huấn, chú trọng các kỹ năng về tổ chức sản xuất; quản trị; đổi mới, sáng tạo về sản phẩm; quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; phát triển thị trường…. Đặc biệt là đổi mới về phương pháp tập huấn, hướng dẫn theo hướng phát triển sản phẩm dựa vào nội lực cộng đồng.

Chú trọng và nâng cao chất lượng quản lý sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu cho sản phẩm OCOP. Đặc biệt, tập trung xây dựng để hình thành các “Điểm đến” về sản phẩm OCOP gắn với các trung tâm du lịch, các hoạt động văn hóa; nâng cao năng lực hệ thống logistics về nông sản và OCOP nhằm thúc đẩy thương mại, thị trường sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

Đối với Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Bộ sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn triển khai Chương trình. Tập trung xây dựng các điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn, hình thành các tour, tuyến du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ; huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người yếu thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn….

Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành Đề án/Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2021-2025 phù hợp với tiềm năng, lợi thế từng địa phương. Sắp xếp, tổ chức triển khai Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn tinh gọn, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với tổ chức triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tại hội nghị đã diễn ra lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương nêu kế hoạch và giải pháp trọng tâm trong triển khai 2 chương trình. Công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công nhận sản phẩm OCOP quốc gia năm 2020. Các đại biểu các Bộ, ngành Trung ương và địa phương tham luận về triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025./.

Tin, ảnh: K.D

https://dangcongsan.vn/kinh-te/gia-tang-gia-tri-chuong-trinh-ocop-va-du-lich-nong-thon-619164.html

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Zalo

en_USEnglish