Đồng Tháp là một tỉnh nông nghiệp, với gần 70% dân số sinh sống ở nông thôn, với lợi thế ưu đãi về tự nhiên, tạo nền nông nghiệp phong phú với nhiều sản vật nổi tiếng, đặc biệt là hoa, trái cây, thuỷ sản cùng với con người Đồng Tháp cần cù, sáng tạo, hồn hậu và mến khách,… là những lợi thế để Đồng Tháp phát triển loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp đã tạo thêm việc làm ở nông thôn, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân.

So với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, Đồng Tháp phát triển loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp khá muộn, vào cuối năm 2016. Tuy xuất phát trễ nhưng bước đầu đã đạt được một số kết quả hết sức khả quan. Đến Đồng Tháp có 09 mô hình vườn cam quýt ở huyện Lai Vung đang khai thác phục vụ khách tham quan du lịch. Từ khi khai trương hoạt động đến nay, các điểm tham quan vườn cam, quýt trên địa bàn đã đón tiếp và phục vụ hơn 75.000 lượt khách, tổng thu đạt khoảng 24 tỷ đồng.

Cánh đồng sen bạt ngàn ở Khu Đồng Sen Tháp Mười, hiện có 7 hộ dân đang khai thác loại hình du lịch trải nghiệm như chèo xuồng ngắm cảnh đồng sen, câu cá, thưởng thức ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn được chế biến từ sen. Đây là điểm thu hút đông đảo khách du lịch từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận vào dịp cuối tuần và các kỳ nghỉ lễ. Trung bình một tháng các điểm tham quan đồng sen đón và phục vụ trên 10.000 lượt khách, vào những dịp cao điểm lễ, Tết trung bình một ngày có trên 1.000 lượt khách du lịch đến đây tham quan và trải nghiệm.

Làng du lịch Tân Thuận Đông – thành phố Cao Lãnh: theo kế hoạch của Thành phố từ năm 2016 đến năm 2020, phát triển du lịch gồm 03 giai đoạn: phát triển du lịch sinh thái – ẩm thực; du lịch trải nghiệm – giáo dục và du lịch sinh thái, trải nghiệm – nghỉ dưỡng. Qua 2 năm triển khai thực hiện, 02 hộ dân tại Tân Thuận Đông đã đầu tư trên 800 triệu đồng xây dựng cơ sở vật chất, cải tạo cảnh quan phục vụ khách du lịch. Tính đến nay đã đón và phục vụ khoảng 25.000 lượt khách (trong đó có khoảng 3.000 khách quốc tế).

Thành phố Sa Đéc được định hướng phát triển thành “Thành phố hoa của khu vực Nam bộ” với những khu vườn kiểu mẫu, bảo tàng hoa với hàng trăm loài hoa đẹp, lạ,… nổi tiếng cả trong nước và nước ngoài. Tại Làng hoa kiểng Sa Đéc đã phát triển được 3 điểm tham quan (Vườn hoa kiểng Hai Cao, cơ sở vui chơi giải trí Happy land Hùng Thy, Điểm tham quan Đài ngắm hoa – vườn hoa kiểng Ngọc Lan,..) và 2 cơ sở Homestay Ngôi nhà Hoa Ếch, Homestay Ngôi nhà Tre – Phong Levent, đây là những điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế đến tham quan và thưởng ngoạn; ngoài việc được tận hưởng cái đẹp bên ngoài, du khách còn được nghe các nghệ nhân, tình nguyện viên giới thiệu đặc điểm, xuất xứ, ý nghĩa và giá trị tinh thần lẫn kinh tế của từng loại hoa kiểng, xem các tiểu cảnh phong phú và hấp dẫn trên đường hoa Sa Nhiên – Cai Dao.

Khách du lịch tại làng hoa Sa Đéc

Ngoài ra, còn có Làng bột Tân Phú Đông là điểm tham quan mới thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm, thưởng thức những món ăn ngon, nhiều loại bánh dân gian được chế biến từ bột gạo Sa Đéc. Năm 2018, lượng khách du lịch đến Thành phố Sa Đéc đạt 1.079.746 lượt khách, trong đó khách quốc tế là 40.786 lượt.

 Một số điểm du lịch như: Làng rau nhút thủy sinh ở Cồn Phú Mỹ, trang trại nhà màng trồng dưa lê của Công ty ECOFAM ở huyện Thanh Bình, hợp tác xã rau sạch và nông trại lúa hữu cơ Tâm Việt ở huyện Hồng Ngự; Trung tâm sản xuất hoa kiểng ứng dụng công nghệ cao ở TP Sa Đéc;,… đang được tập trung đầu tư để khai thác phát triển du lịch gắn với các giá trị nông nghiệp và văn hóa truyền thống bản địa.

 Các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư ở các địa phương trong tỉnh cũng  đã mạnh dạn phối hợp với nhiều Công ty du lịch lữ hành xây dựng những chương trình du lịch khá hấp dẫn như chương trình du lịch “Trải nghiệm một ngày làm nông dân”, “Trải nghiệm mùa nước nổi của ngư dân vùng Đồng Tháp Mười”, “Sắc xuân Đồng Tháp”, “Mỗi ngày một nghề”, “Đi trong màu xanh của vườn cây trái”…

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển kinh tế du lịch khu vực nông thôn còn gặp không ít khó khăn, dù tốc độ tăng trưởng của loại hình du lịch nông nghiệp mặc dù khá cao nhưng chủ yếu quy mô nhỏ. Sản phẩm du lịch nông nghiệp còn giản đơn, chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách cũng như tăng khả năng chi tiêu từ khách du lịch, chưa có  nhiều dịch vụ bổ trợ khác cho khách.

Các đơn vị tổ chức hoạt động du lịch của tỉnh còn lúng túng trong khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh, đa dạng sản phẩm du lịch nông nghiệp để hấp dẫn du khách, thúc đẩy nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nông nghiệp.

Phần lớn người nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, mặc dù đã được hỗ trợ đào tạo các kỹ năng giao tiếp ứng xử, đón tiếp và phục vụ khách nhưng tiếp thu còn hạn chế nên hoạt động còn thiếu chuyên nghiệp. Tính cộng đồng, đoàn kết của các hộ dân làm du lịch vẫn chưa cao, đôi lúc còn xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh cũng làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung.

Để phát huy hiệu quả đã đạt được, trong thời gian tới, ngành du lịch Đồng Tháp đưa ra một số giải pháp nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả và tạo đà cho loại hình du lịch miệt vườn, homestay phát triển cụ thể như sau: Xây dựng mô hình sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp sạch – công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ.Ngành du lịch và ngành nông nghiệp phối hợp tổ chức điều tra, khảo sát hoạt động phát triển du lịch nông nghiệp tại các địa phương trong Tỉnh để có đánh giá toàn diện về thực trạng phát triển cũng như khuyến nghị các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp phù hợp; có chính sách hỗ trợ tương xứng. Xây dựng các sản phẩm phục vụ cho hoạt động du lịch nông nghiệp phải được đầu tư phát triển theo mô hình nông nghiệp sạch, ưu tiên phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp công nghệ cao. Để tránh các sản phẩm du lịch đơn điệu và trùng lắp, việc xây dựng các sản phẩm chủ đạo, khai thác các yếu tố đặc trưng, có tính khác biệt, điểm nhấn của mỗi địa phương là rất quan trọng. UBND tỉnh Đồng Tháp đã có Quyết định phê duyệt 78 điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn toàn Tỉnh đã khai thác và đang chuẩn bị đầu tư cơ sở vật chất để phát triển các dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới.

Tổ chức cho các hộ đi tham quan thực tế mô hình phát triển nông nghiệp bền vững tại Quảng Nam và một số tỉnh trong nước để giúp người dân có thêm kiến thức làm du lịch. Mở lớp truyền cảm hứng, tập huấn chuyên môn về phát triển du lịch gắn với nông nghiệp gắn với hoạt động du lịch. Nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư địa phương về phát triển du lịch nông nghiệp sạch, công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ…Triển khai chương trình OCOP mỗi xã một sản phẩm gắn với phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn. Gắn chặt du lịch nông nghiệp với phát triển du lịch cộng đồng và khai thác các giá trị văn hoá bản địa, làng nghề truyền thống, quà lưu niệm, đặc sản địa phương… nhằm nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững./.

Nguyễn Toàn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Zalo

en_USEnglish