Được xem cửa ngõ của Đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm của tiểu vùng Đồng Tháp Mười, Đồng Tháp được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển về nông nghiệp, về du lịch… Bên cạnh sản lượng lúa, thuỷ sản đứng trong top đầu cả nước cùng với nhiều vùng trồng cây ăn trái nổi tiếng như xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quýt hồng Lai Vung,… Đồng Tháp cũng có những điểm đến đặc trưng như Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, làng hoa Sa Đéc, Vườn Quốc gia Tràm Chim v.v.. mà nổi trội và đặc biệt nhất trong đó là Khu di tích lịch sử, văn hóa và khảo cổ Gò Tháp, nơi lưu dấu nhiều giá trị lịch sử văn hóa cội nguồn xa xưa nhất của “đất Sen hồng”, gắn liền với mỗi giai đoạn lịch sử của vùng đất Nam bộ trong tiến trình phát triển chung của lịch sử Việt Nam.
Khu di tích Gò Tháp tạo lạc trên địa bàn hai xã Tân kiều và Mỹ Hòa thuộc huyện Tháp Mười. Nơi đây như là một ốc đảo nổi lên giữa mênh mông vùng Đồng Tháp Mười, được xem là nơi hội tụ của nhiều giá trị to lớn về văn hóa lịch sử và khảo cổ.
Trước hết, Khu di tích Gò Tháp được các nhà khảo cổ xác định là một tiểu quốc của vương quốc Phù Nam. Gò Tháp là còn lưu giữ gần như khá nguyên vẹn các di sản văn hóa của nền văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam,có niên đại cách ngày nay trên dưới 1.500 năm, với hơn 10 di tích kiến trúc đền thần Hindu giáo, ao thần, giếng thần, đường đi cùng nhiều di tích cư trú, xưởng chế tác,… và nhiều bộ sưu tập hiện vật độc đáo như: tượng thần Hindu giáo (trong đó có 02 tượng thần Vishnu được công nhận là Bảo vật Quốc gia), tượng Phật gỗ và đặc biệt là bộ sưu tập hơn 400 hiện vật vàng gồm các lá vàng, khuyên tai vàng, nhẫn vàng, sợi dây chuyền vàng,… Các di sản văn hóa Óc Eo ở Gò Tháp ra đời, tồn tại và phát triển gắn liền với các mối quan hệ giao lưu và tiếp xúc với Ấn Độ mà sâu sắc nhất là trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo; là những giá trị đặc sắc nhất và riêng biệt nhất, chúng tạo nên sự hứng thú cho du khách khi đến tham quan Khu di tích, mang lại cho du khách những hiểu biết thú vị về quá khứ vàng son của một nền văn hóa cổ ngàn năm, từng tồn tại trên “đất Sen hồng” đồng thời cảm nhận được phần nào các giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của Khu di tích Gò Tháp, để từ đó khơi dậy tình yêu quê hương, lòng tự hào xứ sở.
Ngoài ra, Khu di tích Gò Tháp còn có “trang sử vàng son” trong cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước. Nơi đây từng là “Đại bản doanh” của hai vị anh hùng dân tộc Thiên Hộ Võ Duy Dương và Đốc Binh Nguyễn Tấn Kiều trong cuộc đấu tranh chống Thực dân Pháp xâm lược những năm 1862 – 1866. Sau năm 1945, Gò Tháp là “địa chỉ đỏ” của cuộc kháng chiến chống Pháp, được Xứ uỷ và Ủy ban kháng chiến Hành chánh Nam Bộ chọn làm căn cứ kháng chiến từ năm 1946 đến năm 1949. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Gò Tháp còn là nơi ghi dấu chiến công oanh liệt đánh sập Tháp Mười Tầng (Viễn vọng đài) của chính quyền Ngô Đình Diệm vào ngày 04 tháng 01 năm 1960 của quân và dân tỉnh Kiến Phong.
Học sinh về nguồn tại Khu di tích Gò Tháp
Khu di tích Gò Tháp còn nổi bật qua những giá trị tâm linh với hai kỳ lễ hội truyền thống là lễ Vía Bà Chúa Xứ vào rằm tháng 3 Âm lịch và Lễ giỗ hai vị anh hùng dân tộc Thiên Hộ Võ Duy Dương và Đốc Binh Nguyễn Tấn Kiều vào rằm tháng 11 Âm lịch. Lễ hội Gò Tháp không chỉ là nét sinh hoạt văn hóa độc đáo thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt mà nó còn mang đậm tính dân gian của cư dân vùng Đồng Tháp Mười, in dấu ấn một thời mở cõi, khát vọng bình an, mùa màng tươi tốt. Lễ hội vừa để thỏa mãn nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo đồng thời cũng là dịp để người dân vui chơi, giải trí sau những ngày tháng lao động mệt nhọc. Mỗi kỳ lễ hội ở Gò Tháp đã thu hút hàng trăm ngàn du khách thập phương về tham dự. Đầu năm 2018 vừa qua, Ban Quản trị Thiền phái Trúc lâm Yên Tử đã tổ chức Lễ đặt đá khởi công xây dựng Đại Bảo tháp và Thiền viện Trúc Lâm Tháp Mười tại khu di tích Gò Tháp. Sau khi hoàn thành, Thiền viện Trúc Lâm Tháp Mười sẽ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh và là một điểm nhấn quan trọng trong hệ thống các điểm tham quan du lịch tâm linh ở Khu di tích Gò Tháp.
Bên cạnh đó, Gò Tháp còn có khu sinh thái rộng hơn 160 hecta, là nơi bảo lưu nhiều nét hoang sơ của hệ sinh thái vùng Đồng Tháp Mười với nhiều loài động – thực vật đặc hữu, nơi được xem là vương quốc của sen. Hoa sen Gò Tháp với vẻ đẹp thuần khiết của mình đã đi vào thơ ca, trở thành biểu tượng của tỉnh Đồng Tháp, để mỗi khi nhắc tới Đồng Tháp, người ta nghĩ ngay đến hai câu thơ của nhà thơ Bảo Định Giang:“Tháp Mười đẹp nhứt bông sen, Việt Nam đẹp nhứt có tên Bác Hồ”.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt đó, Khu di tích Gò Tháp đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2012. Nơi đây đã, đang và sẽ là nơi hấp dẫn du khách đến nghiên cứu tham quan, thưởng ngoạn và là nơi hành hương, về nguồn rất lý tưởng và nhiều ý nghĩa trong đời sống tâm linh, tôn giáo và giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người dân Việt, là nguồn lực và tiềm năng thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển bền vững của Tỉnh nhà trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Phùng Quốc Danh