Đó là Lễ kỷ niệm lần thứ 151 hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều. Để lễ hội diễn ra được chu đáo, ngày 18 tháng 12 năm 2017 Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch 326/KH-UBND để tổ chức lễ kỷ niệm hai vị anh hùng dân tộc thể hiện tình cảm, sự tri ân, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc đối với thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu đánh đuổi ngoại xâm, góp phần bảo vệ tổ quốc mang lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Du khách viếng đền thờ Thiên hộ Võ Duy Dương , Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều trong dịp lễ hội.

Theo Kế hoạch, Lễ kỷ niệm hai vị anh hùng dân tộc được tổ chức trọng thể với qui mô lễ hội cấp Tỉnh diễn ra từ ngày 31 tháng 12 năm 2017 đến ngày 02 tháng 01 năm 2018 (nhằm ngày 14, 15, 16 tháng 11 năm Đinh Dậu) tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp; trong lễ kỷ niệm dự kiến có 147 đại biểu trong, ngoài tỉnh và ước có khoảng hơn 400 ngàn khách hành hương từ khắp mọi miền đất nước cùng về tham quan, tế lễ. Nội dung lễ kết hợp giữa truyền thống và hiện đại như: Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, mặc niệm theo nghi thức nhà nước và dâng phẩm vật, hương, đăng, trà quả v.v. theo nghi thức cúng tế dân gian truyền thống.

Với tính chất là lễ hội cấp Tỉnh nên các cấp chính quyền và cơ ngành liên quan của tỉnh Đồng Tháp đều thể hiện tinh thần trách nhiệm tham gia với thành phần Ban tổ chức như sau: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ông Đoàn Tấn Bửu làm Trưởng ban, các Phó ban là: Ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Phó Trưởng ban thường trực; ông Đoàn Minh Lý, Phó Giám đốc Công an Tỉnh; ông Đinh Minh Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tháp Mười và các thành viên là đại diện các sở, ngành tỉnh có liên quan.

Lễ hội Gò Tháp

Trong những ngày diễn ra lễ hội, khu vực lễ được trang trí khánh tiết pano, khẩu hiệu, cờ hội lộng lẫy đủ sắc màu. Bên cạnh đó, còn tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao v.v  góp phần làm cho lễ hội thêm trang trọng và náo nhiệt, với những hoạt động như:

Tổ chức các chương trình nghệ thuật: ca múa nhạc, biểu diễn trích đoạn cải lương chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, con người Đồng Tháp; Triển lãm: Lịch sử hình thành tỉnh Đồng Tháp qua tư liệu lịch sử trước năm 1975; giao lưu Nghệ thuật Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp; chiếu phim tư liệu: “Đồng Tháp Mười – Chiến khu bưng biền huyền thoại, về Bác Hồ, phim du lịch có một nơi như thế, Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen; du lịch Gò Tháp, du lịch Đồng Sen v.v ; xếp sách nghệ thuật; hoạt động: “Mô hình Thư viện lưu động phục vụ thiếu nhi” v.v

Hoạt động Thể dục – Thể thao: Biểu diễn võ thuật,thể dục dưỡng sinh.

Hoạt động dịch vụ và văn hóa ẩm thực: Tổ chức các quầy thông tin giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch của Tỉnh, tổ chức các gian hàng trưng bày đặc sản địa phương và bán ẩm thực phục vụ du khách; sắp xếp các dịch vụ kinh doanh mua bán, ăn uống, vui chơi giải trí, giữ xe v.v phục vụ nhân dân tham dự lễ hội.

Du khách tấp nập ra vào tham quan miếu Bà Chúa Xứ trong dịp lễ hội Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều

Tại khu vực lễ hội, các di tích cơ sở tín ngưỡng không chỉ biểu hiện sự đa dạng về không gian văn hóa, mà còn đa dạng về nội dung tín ngưỡng: đó là lễ kỷ niệm hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, người có công đánh giặc cứu nước, thời kỳ đầu chống thực dân Pháp diễn ra vào Rằm tháng 11 âm lịch; và lễ cúng Bà Chúa Xứ, diễn ra vào Rằm tháng 3 âm lịch hàng năm. Bên cạnh đó, khách hành hương đến đây còn được lễ bái cầu phật (chùa Tháp Linh), các đấng thần linh (ông tà, thần nông), nhân vật truyền thuyết (miếu Hoàng cô) v.v phù hộ gia quyến mạnh khỏe, may mắn, làm ăn phát đạt tạo nên nội dung tín ngưỡng đa dạng, phong phú tại nơi đất Tháp sen hồng.

Trong dịp này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn mở lớp tập huấn Nghi thức lễ tín ngưỡng dân gian truyền thống Nam bộ với qui mô toàn tỉnh cho cán bộ quản lý về di sản văn hóa, thành viên ban tế tự cơ sở tín ngưỡng của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tại khu vực lễ hội.

 Với các nội dung tổ chức lễ trang trọng, hoạt động hội phong phú trong lễ hội “Ở đất Tháp sen hồng” sẽ mang lại hiệu quả lan tỏa, tuyên truyền những giá trị lịch sử, văn hóa, lễ hội, danh lam thắng cảnh tiêu biểu; quảng bá tiềm năng du lịch, giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương, con người, thiên nhiên và các sản phẩm du lịch tới du khách. Từng bước xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa của Đồng Tháp.

Nguyễn Tuấn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Zalo

en_USEnglish