Hôm nay chúng tôi những người con của Đất Sen hồng đến tham quan Bảo tàng Đồng Tháp và được biết về cụm di tích chứa đầy lịch sử hào hùng của dân tộc này. Đây là cụm di tích được xây dựng từ những thập niên đầu của thế kỷ XX. Trãi qua từng thời kỳ lịch sử, từng bộ phận kiến trúc có tên gọi khác nhau như: Dinh Quận, Dinh Cò, nhà thầy thuốc Lư, Phòng biệt giam và tra tấn.

Năm 1914, quận Cao Lãnh được thành lập, tuy là vùng hẻo lánh nhưng Cao Lãnh được nhìn nhận là cửa ngõ của Đồng Tháp Mười, là trung tâm hành chính, kinh tế quan trọng ở Nam Kỳ lúc bấy giờ. Năm 1926, chính quyền Thực dân Pháp, đã cho xây dựng ở làng Hòa An, Tổng An Tịnh Dinh Quận có lầu đồ sộ, nguy nga nằm đối diện với chợ Cao Lãnh, cách con sông có chiếc cầu cây hình Kỷ Tam Sơn (Cầu Đúc ngày nay) bắc ngang khá cao, ghe tàu có thể qua lại được. Cao Lãnh lần hồi được đô thị hóa theo mô hình mà người Pháp áp dụng cho toàn Nam Kỳ. Khu hành chánh ở bờ sông Cao Lãnh ở phía Hòa An (nay là cụm di tích tại Bảo Tàng), bên kia sông là khu thương mại với nhà lồng chợ phía trước nhà việc làng Mỹ Trà.

Di tích Dinh Quận

Di tích Dinh Quận: sau khi xây dựng (năm 1926), thực dân Pháp đưa vào sử dụng làm cơ quan hành chánh là nơi ở và làm việc của quận trưởng nên được gọi là dinh  quận Cao Lãnh. Đến thời Mỹ – Diệm, khi tỉnh Kiến Phong được thành lập, trở thành cơ quan Hành chánh của tỉnh, là nơi ở và làm việc của tỉnh trưởng nên gọi là dinh tỉnh trưởng. Sau đó, từ năm 1963 – 30/4/1975 chính quyền Ngụy giao cho cơ quan quân đội quản lý, sử dụng làm tư dinh của Tư lệnh biệt khu 44 (Phạm Văn Phú, Nguyễn Hữu Hạnh) nên được gọi là Dinh tướng.​

Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 30/4/1975 đơn vị huyện đội Cao Lãnh vào tiếp quản và đến năm 1984 giao lại cho Bảo Tàng Đồng Tháp sử dụng. Khi Bảo Tàng Đồng Tháp chính thức tiếp nhận dinh quận (năm xưa) được trưng dụng làm văn phòng làm việc của Bảo Tàng.

Di tích Dinh Cò (Tây): Nhằm thực thi thực quyền cai trị đất nước ta, thực dân Pháp điều hành bộ máy chính quyền bằng mô hình: Bên cạnh quan cai trị tay sai người Việt, thì người Pháp mới chính là người nắm thực thi quyền lực tại địa phương. Dinh Cò được xây dựng cùng thời với Dinh Quận, sử dụng làm nơi ở và làm việc của tên Cò Tây Cazénova (còn gọi là cò điên), phụ trách về cảnh sát và bảo an.

Di tích Dinh Cò (Tây)

Dưới thời Ngô Đình Diệm, tỉnh Kiến Phong được thành lập, chúng thiết lập cơ quan hành chánh tại cụm di tích này, dinh cò được sử dụng làm nơi ở và làm việc cho các chánh án tòa án tỉnh Kiến Phong (1956-30/4/1975). Sau giải phóng (30/4/1975), Dinh Cò là một trong những cơ sở được huyện đội Cao Lãnh tiếp nhận và sau đó giao lại cho Bảo tàng Đồng Tháp.

Di tích phòng biệt giam và tra tấn: Hai phòng này được xây gần nhau, phòng tra tấn cách phòng biệt giam khoảng 3m. Vị trí 02 phòng lùi về sau theo chiều ngang so với dinh quận và dinh cò (nếu nhìn tổng thể kiến trúc gồm dinh quận, dinh cò, phòng biệt giam và phòng tra tấn thì chúng có sơ đồ dạng hình chữ U). Chúng được xây thấp và nằm khuất dưới bóng râm của những cây me, xoài, dừa… nhìn có vẻ âm u và buồn tẻ.

Di tích Phòng biệt giam và Tra tấn

Trong giai đoạn lịch sử từ năm 1955-1963, dưới sự quản lý của toà hành chánh tỉnh Kiến Phong. Lực lượng phòng nhì đồn trú tại đây. Phòng tra tấn, Phòng biệt giam được xây dựng sau, để phục vụ chính sách cai trị: bắt giam, khảo tra những đối tượng bị tình nghi hoặc chống đối với bọn chúng. Đây có thể xem là di tích chứng minh về tội ác của bọn chúng.

Nhà thầy thuốc Lư (Bác sĩ Thư): Được xây dựng sau và có cùng kiểu kiến trúc với dinh quận, nằm ở bên phải dinh quận (tính từ ngoài vào). Đây là nhà riêng của Bác sĩ Lư hành nghề Tây y, ông cũng là một trong những địa chủ lớn ở Cao Lãnh (trước kia, giữa nhà ông và khu dinh quận có bức tường rào xây gạch, trụ vuông) khi giải phóng, ta tiếp quản và tháo dở hàng rào này).

Năm 1946, ngôi nhà của ông bị quân đội Hòa Hảo chiếm đóng, sử dụng làm tổng hành dinh cho đến năm 1954.  Đây là lực lượng có tiếng là tàn ác, truy lùng bắt bớ tra tấn những người theo Việt Minh rất dã man.

Di tích Nhà thầy thuốc Lư

Từ năm 1955-1975 nhà này do ty công chánh Kiến Phong của Ngụy sử dụng. Đến sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975 nơi này do Công ty cầu đường quản lý và giao lại cho Bảo Tàng Đồng Tháp vào năm 1982.

Tại cụm di tích này, còn là địa điểm di tích lịch sử ghi dấu về các sự kiện đấu tranh chính trị dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng Cao Lãnh đã lãnh đạo quần chúng đấu tranh giành thắng lợi, gây tiếng vang mạnh mẽ cổ vũ phong trào đấu tranh diễn ra khắp nơi trong tỉnh. Đó là các sự kiện đấu tranh chính trị ngày 03/5/1930, ngày 25/8/1945 và ngày 05/3/1961.

Đây là cụm di tích được Ủy ban nhân dân tỉnh xếp hạng ngày 09/05/2008, tọa lạc tại số 226, đường Nguyễn Thái Học, phường 4, Tp Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Nguyễn Tuấn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Zalo

en_USEnglish