COVID-19 đã gây nhiều tổn thất cho toàn bộ nền kinh tế, trong đó du lịch được xem là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tính chất là ngành kinh tế tổng hợp, liên kết của chuỗi cung ứng các dịch vụ liên quan… Mặc dù bị thiệt hại vô cùng lớn qua 4 đợt dịch, song với sự quyết tâm của toàn ngành, đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, ngành Du lịch đã và đang chủ động tìm các giải pháp hồi phục, tạo lập niềm tin đối với khách du lịch trong nước và quốc tế…

Học làm cơm lam. Ảnh: Phạm Huy Đằng

Khó khăn chồng chất và quyết tâm “vượt bão” COVID-19

Thế giới đã chứng kiến nhiều đợt dịch bệnh như dịch SARS tại Đông Nam Á (năm 2003), dịch MERS ở Trung Đông (năm 2012), dịch Ebola tại châu Phi (năm 2014)…, nhưng đối với COVID-19, hậu quả kinh hoàng mà đại dịch này gây ra còn vượt xa nhiều lần. Ảnh hưởng của COVID-19 còn nặng nề hơn các giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới đã trải qua. Thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho thấy, lượng khách du lịch quốc tế năm 2020 chỉ đạt 381 triệu lượt, giảm 73,9% so với năm 2019, giá trị xuất khẩu du lịch quốc tế thiệt hại khoảng 1,3 nghìn tỷ USD, cao hơn 11 lần so với mức thiệt hại do khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009. Khoảng 100 triệu việc làm trong ngành Du lịch bị mất đi bởi đại dịch…

Thiệt hại đối với Du lịch vô cùng nặng nề và khó có thể “đong, đếm” được. Có thể thấy, “gam màu” ảm đạm của Du lịch đã thể hiện rõ trong “bức tranh toàn cảnh” mà Bộ VHTTDL tổng hợp trong Báo cáo phục vụ Diễn đàn “Tác động của đại dịch COVID-19 – Hành động của Bộ VHTTDL (tháng 9/2021): Năm 2020, chỉ có 201 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành xin cấp mới giấy phép, giảm hơn 1/3 so với số cấp mới năm 2019 (725 doanh nghiệp), số doanh nghiệp xin thu hồi tăng gấp 3 lần. Năm 2021, trên 338/2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, 90% doanh nghiệp lữ hành đóng cửa. Các doanh nghiệp lớn chỉ bố trí khoảng 30% nhân sự trực, nhân viên được cho nghỉ không hưởng lương hoặc giảm đến 80%. Đến nay, lượng doanh nghiệp xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép, hiện chỉ còn khoảng 2.200 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trên toàn quốc… Đến hết tháng 6/2021, số cơ sở lưu trú trong toàn quốc là 37.000 với 780.000 buồng; công suất phòng trung bình cả nước 6 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt dưới 15%. Khoảng 95% cơ sở lưu trú hoạt động cầm chừng, 80% lao động tại các cơ sở lưu trú phải nghỉ việc, chuyển đổi ngành nghề để kiếm sống, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nhân lực khi ngành Du lịch khôi phục trở lại… Năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam giảm 80% so với năm 2019, khách du lịch nội địa giảm 34%, tổng thu từ khách du lịch giảm 59%. Trong 8 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa đạt 31,2 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 136.520 tỷ đồng, giảm 26,5 % so với cùng kỳ năm 2020…

“Khó chồng lên khó” là câu nói thể hiện đầy đủ tác động tiêu cực của đại dịch đến toàn Ngành. Nhưng với quyết tâm “vượt bão”, ngành VHTTDL đã quyết liệt triển khai các giải pháp ứng phó ngay từ đầu đại dịch. Trong đó, Tổng cục Du lịch (TCDL) với vai trò là cơ quan tham mưu cho Bộ về lĩnh vực Du lịch đã tham mưu đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ Ngành, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn như giảm tiền ký quỹ đối với doanh nghiệp lữ hành, giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú, chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch; thiết kế, triển khai ứng dụng hoạt động “Du lịch Việt Nam an toàn” để hỗ trợ du khách; đề xuất các giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch nội địa và du lịch quốc tế trong bối cảnh mới; xây dựng và chuẩn bị triển khai Kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc… Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch triển khai chính sách kích cầu, phục hồi du lịch cuối năm 2021, đầu năm 2022. Gần đây nhất, Hiệp hội Du lịch Việt Nam (HHDLVN) đã phát động “Chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19 đợt 4”, với tâm thế được xác định là “sống chung với COVID-19, xây dựng một ngành kinh tế du lịch an toàn”…

Du lịch cộng đồng với nhiều trải nghiệm thú vị. Ảnh: Võ Nguyên Phú

Kinh nghiệm “sống chung với dịch” từ quốc tế và bài học cho Việt Nam

Đến nay, nhiều quốc gia đã cơ bản kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, áp dụng các biện pháp phục hồi du lịch, trước hết là đẩy mạnh du lịch nội địa và từng bước đón khách quốc tế. Nhằm cứu nguy cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp du lịch nói riêng, ổn định nguồn nhân lực du lịch và các ngành nghề liên quan, các quốc gia đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp: hạ lãi suất, đưa ra những gói cứu trợ lớn hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, lưu trú, vận chuyển, kích thích tiêu dùng; hỗ trợ nhân lực du lịch bị mất việc làm… kèm theo việc giãn đóng thuế, gia hạn thời hạn đóng bảo hiểm xã hội và thanh toán bảo hiểm bắt buộc; tạm dừng việc đóng thuế giá trị gia tăng (VAT)… Một số quốc gia đã đưa ra hàng loạt chính sách để kích cầu du lịch với kỳ vọng nhanh chóng hồi phục sau đại dịch. Singapore công bố gói kích cầu du lịch, trong đó công dân từ 18 tuổi trở lên sẽ được nhận phiếu tín dụng trị giá 100 SGD (75 USD) sử dụng mua vé tham quan và tour. Malaysia đưa ra chương trình “Gamelan” hay Nhật Bản với sáng kiến “Go To Campaign”… khuyến khích công dân đi du lịch các điểm nội địa. Thái Lan xây dựng chương trình Hộp cát Phuket (Phuket Sandbox) với slogan “We Travel Together” và mở cửa hòn đảo du lịch nổi tiếng này từ ngày 1/7. Maldives triển khai chiến lược 3V (bao gồm: Visit (tham quan) – Vaccine (tiêm chủng) – Vacation (nghỉ dưỡng). Quốc gia này còn dự kiến cung cấp vắc xin ngừa COVID-19 cho du khách quốc tế khi đến với Maldives… Ở Việt Nam, Chính phủ đã ban hành các quy định, chính sách như giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm giá tiền điện cho các cơ sở lưu trú du lịch, hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng do đại dịch… Những chính sách này đã hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và lao động ngành Du lịch trong giai đoạn khó khăn.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia du lịch, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen của khách du lịch trên toàn thế giới; xu hướng, nhu cầu du lịch có sự thay đổi rất lớn, hướng tới các chuyến du lịch về với thiên nhiên, nơi có không gian rộng, thoáng đãng, thiên nhiên trong lành… Đón đầu xu hướng này, Chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19 đợt 4 do HHDLVN công bố với chủ đề “Kết nối xanh” nhấn mạnh đến các sản phẩm du lịch hướng về thiên nhiên, sức khỏe con người, các loại hình du lịch thể thao, chữa bệnh, sinh thái, yoga… Chưa thể nói trước được kết quả của Chương trình này nhưng có thể khẳng định những bước đi của Du lịch Việt Nam là phù hợp với điều kiện hiện tại cũng như xu hướng chung của du lịch toàn cầu.

Đối với kế hoạch mở cửa du lịch quốc tế thí điểm tại Phú Quốc, Bộ VHTTDL khẳng định, bước đầu không làm đại trà mà chỉ đón khách quốc tế thông qua chương trình du lịch trọn gói do doanh nghiệp lữ hành tổ chức, đến bằng các chuyến bay thuê bao (charter)… được các doanh nghiệp lữ hành, chuyên gia đồng tình và đánh giá cao. Theo Kế hoạch, việc lựa chọn thị trường khách du lịch quốc tế trong giai đoạn thí điểm hướng vào những thị trường tiềm năng, có độ an toàn cao về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, như: Đông Bắc Á, châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Đông, châu Úc… Tuy nhiên, thời gian qua, do bối cảnh dịch bệnh phức tạp, hàng loạt sự kiện quảng bá, xúc tiến điểm đến không thể triển khai như mong muốn. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số cần được triển khai một cách mạnh mẽ, đồng bộ để không chỉ lan tỏa hình ảnh điểm đến, giúp du khách nâng cao trải nghiệm, phát huy hiệu quả truyền thông, mà còn giúp cơ quan chức năng kiểm soát dịch bệnh một cách chặt chẽ, hiệu quả.

Đại dịch COVID-19 khiến du lịch nhiều nước cùng trở về một xuất phát điểm. Tại thời điểm này, quốc gia nào mở cửa càng sớm thì càng gây ấn tượng mạnh đối với quốc tế; nhất là việc truyền thông hình ảnh điểm đến sẽ gây hiệu ứng mạnh mẽ trên bản đồ du lịch quốc tế. Việt Nam có thể tranh thủ phát động chiến dịch làm sạch môi trường điểm đến nhân lúc du lịch bắt đầu tái khởi động. Nhận thức về môi trường và bảo vệ sức khỏe đã có sự thay đổi rất đáng kể từ khi xảy ra dịch bệnh. Vì vậy, truyền thông về môi trường từ những việc làm, hành động thiết thực sẽ mang lại hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong nước và quốc tế…

Viễn Nguyệt

(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 10/2021)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Zalo

en_USEnglish