Lai Vung là một huyện nằm phía Nam tỉnh Đồng Tháp, có vị trí chiến lược khi nằm tiếp giáp với cả con sông Tiền và sông Hậu có nguồn nước dồi dào và phù sa bồi đắp cùng với nhiệt độ ấm áp quanh năm là điều kiện để phát triển nông nghiệp, trong đó phát triển đặc sản quýt hồng, quýt đường, cam xoàn, bưởi… thuận lợi phát triển các mô hình du lịch sinh thái cộng đồng.

Tiềm năng

Hiện tại, Lai Vung có diện tích trồng quýt hồng lên tới gần 2.000 hecta trải rộng trên các xã Tân Thành, Tân Phước và Long Hậu. Các vườn quýt hồng hiện đang là “sản phẩm du lịch” hấp dẫn du khách mỗi dịp Tết đến xuân về hằng năm. Không chỉ có những vườn cây ăn trái trĩu quả, Lai Vung còn có những sản phẩm làng nghề truyền thống gắn liền với tự nhiên, trong đó có thể nói đến là nghề đóng xuồng ghe, đan lờ lọp, đan bội, đan cần xé và nghề làm nem.

Cùng với  3 di tích lịch sử văn hóa và nghề đóng xuồng, ghe xã Long Hậu được đưa vào danh mục là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, có 1 di tích lịch sử cấp quốc gia di tích kiến trúc nghệ thuật tôn giáo chùa Bửu Hưng – Long Thắng; 2 di tích lịch sử cấp tỉnh với nhiều lễ hội dân gian truyền thống, trong đó lễ hội cúng đình hằng năm được xem là một sinh hoạt văn hóa vừa duy trì tính truyền thống dân gian, vừa phù hợp với tâm tư nguyện vọng của số đông công chúng, là nơi hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, tâm linh, tôn vinh các giá trị văn hóa. Nghệ thuật Đờn ca tài tử cũng được người dân nơi đây xem như một món ăn tinh thần không thể thiếu và ngày càng phát triển. Tính đến nay trên địa bàn huyện hiện có 12 câu lạc bộ tài tử của 12 xã, thị trấn và 1 câu lạc bộ của huyện đang hoạt động thường xuyên.

Quýt hồng một loại trái cây tiêu biểu ở Lai Vung

Đánh thức du lịch- cách nào?

Với nhiều tiềm năng, tài nguyên du lịch hiện có, Lai Vung có thể phù hợp với định vị phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng theo hướng thân thiện với môi trường, gắn với việc gìn giữ và khai thác lợi thế các vườn cây trái, làng nghề truyền thống với chi phí thấp, dễ bổ sung chỉnh sửa là hướng đi chính cần phát triển.

Để du lịch Lai Vung cất cánh từ các tiềm năng hiện có, những người làm du lịch huyện cần phải đưa ra các nhóm giải pháp để phát triển du lịch trong thời gian tới như: Xây dựng các tour tuyến phát triển kết nối các điểm du lịch của tỉnh và kết nối với các huyện, địa phương lân cận. Lai Vung sở hữu những tài nguyên du lịch: Làng nghề truyền thống lâu đời và vườn cây trái trĩu quả hoàn toàn phù hợp phát triển mô hình du lịch homestay; xây dựng các hoạt động trải nghiệm gắn với đặc thù văn hóa và lợi thế của Lai Vung. Các hoạt động trên mặt nước gắn với ghe xuồng tạo cảm giác sôi nổi, phấn khích cho du khách; định vị hình ảnh du lịch huyện Lai Vung như một điểm đến để thưởng thức những sản phẩm thực dưỡng; xây dựng hệ thống thông tin du lịch hoàn chỉnh; phát triển hạ tầng và phương tiện giao thông phục vụ du lịch. Để phục vụ cho chiến lược phát triển ngành Du lịch, huyện cần có những đặt hàng cụ thể: đào tạo lực lượng quản lý có trình độ cao và ngoại ngữ.  Đồng thời, tạo ra thêm nhiều sản phẩm để giữ chân du khách khám phá và trải nghiệm.

Nguyễn Toàn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Zalo

en_USEnglish