Những cánh đồng sen mênh mông, bạt ngàn vốn dĩ đã làm say lòng và níu chân du khách khi đến Đồng Tháp. Bước ra từ những cánh đồng, sen còn mang đến nhiều giá trị về văn hóa, kinh tế và vươn ra thế giới với biết bao tự hào về vùng Đất Sen Hồng.
“Tháp Mười đẹp nhất bông sen…”
Câu thơ quá đỗi quen thuộc của Bảo Định Giang đã góp phần tạo nên thương hiệu sen gắn với Đồng Tháp từ rất lâu. Những cánh đồng sen đã không còn xa lạ với người dân Đồng Tháp và thu hút biết bao du khách tìm đến.
Với người dân Đồng Tháp, sen đã gắn bó trong đời sống thường nhật. Sen có trong những bữa ăn, sen tạo nên nguồn cảm hứng cất cánh cho bao tác phẩm văn hóa – nghệ thuật, sen thân thuộc trong từng bảng hiệu, góc phố, tuyến đường … Và ở nơi đây, sen còn gắn với tên gọi thân thương của nhiều người con tài đức của Đất Sen Hồng, trở thành thành tố quan trọng trong tên gọi của nhiều doanh nghiệp …
Có đặt chân đến Đồng Tháp mới có thể cảm nhận được dấu ấn của sen đã khắc rõ trong mỗi con người ở xứ sở Sen Hồng.
Rũ bùn vươn lên
Sen ở vùng đất này thật lạ. Có lẽ đã quá gắn bó với đồng nước nên khi rời khỏi cánh đồng không lâu, sen buồn úa màu. Vì vậy, trước đây, sen chỉ để ngắm khi còn rực rỡ trên đồng. Và khi đó, người nông dân trồng sen chỉ sống nhờ thu hoạch gương sen, ngó sen, củ sen.
Theo thời gian, giờ đây sen trở thành nguồn nguyên liệu dồi dào để tạo ra nhiều sản phẩm như tinh dầu sen, tơ sen, trà sen, sữa sen, son sen, thảo dược từ sen, quà tặng … Cũng từ đó, nhiều sáng kiến, ý tưởng khởi nghiệp từ sen ra đời mang lại giá trị kinh tế cho tỉnh nhà. Không chỉ vậy, việc thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp về sen gắn với phát triển du lịch đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân, đồng thời mang lại cái nhìn mới về sức đóng góp của ngành hàng sen trong các lĩnh vực. Rũ bùn vươn lên, sen lại càng gắn bó nhiều hơn trong đời sống của người dân Đồng Tháp.
Sen ra thế giới
Không ồn ào, không vội vã, những sản phẩm từ sen Đồng Tháp dần tiếp cận và chinh phục được bạn bè quốc tế.
Những bức tranh được làm từ lá sen khô do nghệ nhân Bảy Nghĩa thực hiện đã có mặt ở các quốc gia: Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… Với nghệ nhân Bảy Nghĩa, ông luôn tỉ mỉ, tạo cái hồn cho mỗi bức tranh từ lá sen khô với hy vọng qua những bức tranh này, nhiều người sẽ biết đến xứ sở Đất Sen Hồng.
Còn với CEO Ecolotus Ngô Chí Công, với khát khao “Đem hồ sen đi khắp thế gian”, anh đã dần mang được sản phẩm chất lượng làm từ sen chinh phục thế giới.
Từ hoa sen, lá sen vốn quen thuộc nay trở thành những sản phẩm thông dụng, độc đáo mang đậm chất Việt Nam. Và ý tưởng “Đem hồ sen đi khắp thế gian” ấy chắc chắn sẽ từng bước trở thành hiện thực qua những lần sản phẩm sen được giới thiệu ở các quốc gia. Và còn rất nhiều những sản phẩm chế biến từ sen khác đã và đang được xuất khẩu, góp phần mang lại giá trị kinh tế, cải thiện thu nhập của người dân và đồng thời quảng bá hình ảnh sen ở tỉnh Đồng Tháp.
Vừa qua, tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ hội Sen đúng vào dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2022) nhằm tôn vinh hoa sen – loài hoa mang biểu tượng văn hóa, cốt cách của con người Việt Nam, đồng thời, phát huy các giá trị kinh tế – văn hóa của sen gắn với phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương.
Phải khẳng định rằng, mặc dù là lần đầu tiên tổ chức, nhưng xét trên phương diện truyền thông, Lễ hội đã thành công rực rỡ khi tạo được hiệu ứng tích cực từ các cơ quan báo chí và đặc biệt nhất là sự ủng hộ, nhiệt tình tham gia của đông đảo người dân.
Theo Ban tổ chức, sau thành công của lần tổ chức này, Lễ hội sẽ được tỉnh duy trì định kỳ, nhằm giới thiệu, quảng bá và lan tỏa đến nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế về sen – biểu tượng cho văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo mà Nghị quyết Đại hội XI Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Hy vọng, với những chính sách kinh tế nông nghiệp về sen, trong thời gian tới Đồng Tháp sẽ thúc đẩy ngành hàng sen ngày càng phát triển, mang sản phẩm sen Đồng Tháp tiếp cận nhiều hơn các quốc gia trên thế giới. Và người trồng sen vẫn bám đồng, bám đất để sen vẫn nở đến ngàn đời sau.
Theo Văn Khương – Hồ Điệp