Sen hiện diện khắp nơi ở Đồng Tháp. Ngay trên ruộng lúa chín vàng cũng thấp thoáng sen lẫn vào, tạo thành một điểm nhấn cho bức tranh thiên nhiên. Tạo hóa đã ban tặng cho vùng đất tả ngạn sông Hậu những vùng đất ngập nước gần như quanh năm, hình thành hệ sinh thái đa dạng, phong phú… Đặc biệt là sen. Loài cây chịu nước này nhiều vô số kể. Có những cánh đồng ở Tháp Mười, Tam Nông, Cao Lãnh… chỉ trồng độc nhất cây sen. Sen được tận dụng toàn bộ, chẳng bỏ thứ gì. Ngó và hạt sen trở thành đặc sản của vùng này. Nếu ra Huế ăn chè hạt sen được lấy từ sen hồ Tịnh Tâm thì về miền Tây phải thưởng thức các món ăn từ hạt sen Đồng Tháp Mười. Hạt được lấy từ cây sen truyền thống nên không to nhưng có vị ngọt bùi và dinh dưỡng cao. Đây là loại thực phẩm sạch, rất được ưa chuộng.

Sau khi thăm những đồng sen bát ngát, du khách đến chùa Sen ở xã Hòa Tân (huyện Châu Thành). Chùa có tên là Phước Kiển Tự nhưng người dân khắp nơi vẫn gọi là Chùa Sen vì có được loài sen được xếp vào hàng quý hiếm ở Đông Nam Á. Sen này được trồng từ các ao hồ mà trước đây do bom đạn trút xuống, hay còn gọi là hố bom. Lá sen to khổng lồ nổi lên mặt nước. Đường kính mỗi lá rộng ít nhất 1,6 mét. Người ta nói rằng những lúc có nước nhiều, hồ không bị ô nhiễm, đường kính mỗi lá sen rộng đến 2,2 mét. Người nặng khoảng 60kg có thể đứng trên lá sen này. Mặt lá trông như chiếc nón quai thao miền Bắc, bên dưới đầy gai nhọn cứng. Hoa của loại sen này chuyển 4 màu trong ngày. Buổi sáng, hoa có sắc trắng như tuyết đến giữa trưa thì chuyển sang hồng; khoảng 3 giờ chiều, sen chuyển màu tim tím rồi chuyển sang đỏ khi mặt trời lặn. Qua ngày sau, sen tiếp tục nở và chuyển màu theo chu kỳ như vậy đến 3 ngày rồi chuyển sang màu tím thẫm và tàn. Cứ hoa này tàn đi thì hoa khác lại mọc lên và nở…

Tận mắt chứng kiến một loài sen lạ

Đồng Tháp không có nhiều hạ tầng cho phát triển du lịch hiện đại nhưng sinh cảnh, làng nghề nơi đây luôn tạo sự thích thú cho khách phương xa, nhất là khách nước ngoài. Những cánh rừng tràm là những điểm tham quan lý tưởng sau những ngày làm việc mệt nhọc. Đồng Tháp còn nhiều cánh rừng tràm lâu năm, trong đó có nhiều cánh rừng tràm nguyên sinh. Đến Xẻo Quýt và Gáo Giồng (Cao Lãnh), Tràm Chim (Tam Nông)…, khách bước vào không gian mênh mông của rừng tràm. Có những chỗ, đi vào rừng tràm che kín bầu trời. Xung quanh du khách chỉ toàn tràm với tràm. Len lỏi vào rừng tràm bằng xuồng ba lá là một chuyến đi thú vị. Du khách bơi xuồng theo những con mương nước cạn xuyên dưới tán rừng đến vài cây số. Bên trong rừng tràm là khu sinh thái đa dạng đặc trưng của hệ sinh thái đất ngập nước vùng ĐBSCL.

Chèo xuồng tại Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng

Vườn quốc gia Tràm Chim là một địa chỉ hấp dẫn, thu hút. Theo Ban quản lý vườn quốc gia, khu vực này rộng gần 8.000 ha với 200 loài chim chiếm trên 60% tổng số họ và 80% tổng số bộ chim hiện có ở Việt Nam. Sự xuất hiện của sếu đầu đỏ tại đây cho thấy vùng đất này còn rất hoang sơ, giữ được hệ sinh thái đa dạng vốn có. Mùa sếu về, cả Tràm Chim như vào xuân với những vũ điệu, sắc màu của chúng. Ngoài ra, còn có một số loài chim khác có khả năng tuyệt chủng trên toàn cầu cũng hiện diện tại đây, như: Điên điển, ô tác, giang sen… Muốn biết và hiểu nhiều về Tràm Chim, khách phải đi ước chừng hơn 24 cây số tắc ráng chạy máy len lỏi trong hệ thống kinh rạch chằng chịt.

Trải nghiệm các dịch vụ mùa nước nổi thú vị

Vào mùa nước nổi, vùng đất trũng Đồng Tháp cũng có nhiều điều thú vị. Chỉ có thể dùng duy nhất một từ “tuyệt” để diễn tả được cảm xúc lênh đênh trên đồng nước bằng xuồng máy. Vào khoảng tháng 8 đến tháng 11 hàng năm, nước Đồng Tháp Mười mênh mông. Mùa này, hệ sinh thái đất ngập nước càng thêm phong phú: sen, súng, năn, lác, rong tảo… nhiều vô kể. Những cánh đồng lúa được thay bằng những cánh đồng sen, súng. Có những đàn cò trắng đến cả trăm, cả ngàn con bay lượn. Những nơi nước cạn, chúng sà xuống bắt cá. Đến Đồng Tháp, nhất là tại Tràm Chim, vào thời điểm này, du khách còn kinh ngạc với “cây lúa ma” mà dân địa phương gọi là “lúa trời cho”. Điểm đặc biệt là cây lúa này thích nghi tuyệt đối với vùng nước lũ. Nước dâng cao đến đâu, chúng lên cao đến đó. Những lúc mưa nhiều, nước đổ mạnh ngập đọt lúa 1-2 tấc thì hôm sau đã thấy ngọn lúa nhô cao khỏi mặt nước….gây sự ngạc nhiên đối với du khách cũng như các nhà khoa học. Nhiều nghiên cứu về gien của chúng đã được thực hiện nhằm chọn tạo để cho ra giống lúa mới cho năng suất cao nhưng có được đặc tính sinh tồn của cây “lúa trời cho” này…

Nhật Tiến

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Zalo

en_USEnglish