Tỉnh Đồng Tháp xác định phát triển du lịch gắn với xây dựng thương hiệu và hình ảnh địa phương, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn

Nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 103/NQ-CP của Chính phủ về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Kế hoạch số 205/KH-UBND về phát triển du lịch với nhiều nội dung quan trọng, khẳng định bước đi và cách làm du lịch đúng hướng của Đồng Tháp sau 3 năm thực hiện Đề án Phát triển du lịch Đồng Tháp giai đoạn 2015 – 2020.

Trải nghiệm du lịch mùa nước nổi tỉnh Đồng Tháp

Tỉnh Đồng Tháp xác định phát triển du lịch gắn với xây dựng hình ảnh địa phương; đẩy mạnh xã hội hóa và huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển du lịch; tạo bước đột phá, thay đổi mạnh mẽ diện mạo, hình ảnh du lịch Đồng Tháp, làm tiền đề và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Theo đó, tỉnh sẽ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng; tăng cường đầu tư phát triển du lịch ở các địa phương có tài nguyên hấp dẫn; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn, khu, điểm du lịch… để thu hút khách du lịch và xây dựng hình ảnh địa phương.

Theo Kế hoạch, đến năm 2020, tỉnh Đồng Tháp sẽ định hình mô hình phát triển với các nét văn hóa, lợi thế đặc trưng tại các tuyến, điểm du lịch trọng điểm. Qua đó, tạo nên một bức tranh du lịch Đồng Tháp hoàn thiện và khác biệt, không trùng lặp với các địa phương khác; phấn đấu trở thành 1 trong 3 điểm đến hấp dẫn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đến năm 2030, Đồng Tháp phấn đấu đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, khẳng định thương hiệu du lịch, hình ảnh địa phương; phát triển du lịch theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại, có chiều sâu, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho người dân…

Phát triển theo hướng chuyên nghiệp, bền vững

Để thực hiện các mục tiêu trên, Đồng Tháp đã và đang cơ cấu lại hoạt động du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển bền vững theo quy luật kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Theo đó, tỉnh tập trung phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa – lịch sử – lễ hội – tâm linh, du lịch trải nghiệm nông nghiệp sạch công nghệ cao – làng nghề truyền thống, du lịch cộng đồng lưu trú tại nhà dân (homestay), du lịch ẩm thực kết hợp mua sắm đặc sản địa phương, du lịch hội nghị – hội thảo (MICE)… có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao.

Đặc biệt, Đồng Tháp sẽ phát triển không gian du lịch hướng vào 3 cụm chính. Cụm 1 (gồm TP. Cao Lãnh và các huyện Cao Lãnh, Tháp Mười, Thanh Bình) phát triển du lịch sinh thái rừng tràm ngập nước; du lịch về nguồn, tìm hiểu lịch sử cách mạng gắn với giáo dục truyền thống lịch sử – văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng ven sông Tiền; du lịch ẩm thực; du lịch lễ hội – văn hóa tâm linh; du lịch trải nghiệm nông nghiệp xanh – công nghệ cao gắn với làng nghề thủ công tiêu biểu của các địa phương.

Cụm 2 (gồm TP. Sa Đéc và các huyện Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò) phát triển các loại hình du lịch văn hóa – lễ hội hoa gắn với tham quan đường hoa, công viên hoa, kiến trúc cổ và mua sắm; du lịch homestay gắn với trải nghiệm làng nghề truyền thống và thưởng thức ẩm thực dân gian; du lịch nghỉ dưỡng…

Cụm 3 (gồm thị xã Hồng Ngự và các huyện Hồng Ngự, Tam Nông, Tân Hồng) phát triển du lịch tham quan sinh cảnh đất ngập nước nội địa gắn với tìm hiểu đa dạng sinh học vùng Đồng Tháp Mười; du lịch trải nghiệm cuộc sống ngư dân mùa nước nổi gắn với tham quan Vườn quốc gia Tràm Chim; du lịch khám phá vùng biên – cột mốc biên giới gắn với thương mại dịch vụ…

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, điểm nhấn quan trọng trong Kế hoạch Phát triển du lịch Đồng Tháp là tạo sức thu hút mạnh cho du lịch Đồng Tháp mang tính căn cơ, bền vững. Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng để mời gọi vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước vào các dự án du lịch và phát triển hạ tầng, dịch vụ vui chơi, giải trí… Đồng thời, Đồng Tháp sẽ nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách đối với các loại hình dịch vụ du lịch mới, đặc trưng của địa phương; phát triển các phương tiện vận chuyển khách du lịch thân thiện với môi trường…

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù

Để tạo sức hút cho du lịch, Đồng Tháp xác định tập trung phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất và sản phẩm du lịch đặc thù. Tỉnh sẽ căn cứ nhu cầu thực tế, khả năng cân đối ngân sách và các nguồn vốn khác để đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch, trong đó, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối tới các khu, điểm du lịch trọng điểm; bãi đỗ xe, bến tàu khách du lịch, trạm dừng nghỉ và khu vệ sinh công cộng…

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ phát triển hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch chất lượng cao, hiện đại, tiện nghi, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch; tập trung mời gọi đầu tư phát triển các dự án du lịch, kết hợp với du lịch, từng bước hình thành hệ thống khách sạn – nhà hàng, khu nghỉ dưỡng cao cấp; tổ hợp khách sạn kết hợp trung tâm thương mại – hội nghị – hội thảo; phát triển các cơ sở lưu trú du lịch gần gũi với thiên nhiên, phục vụ loại hình du lịch sinh thái; đầu tư các công trình dịch vụ phụ trợ để phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp sạch và công nghệ cao; du lịch trải nghiệm làng nghề truyền thống.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 gắn với tạo dựng hình ảnh địa phương, tỉnh Đồng Tháp sẽ xây dựng hệ thống dịch vụ thương mại, khu sản phẩm làng nghề truyền thống, điểm tham quan du lịch cộng đồng, quầy thông tin du lịch…; tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù; đa dạng hoá, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ; phát triển tuyến du lịch đường sông kết nối các điểm du lịch sinh thái nông nghiệp sạch, công nghệ cao, trải nghiệm làng nghề, văn hóa địa phương.

Du khách tham quan mô hình nuôi ong lấy mật tại hộ du lịch cộng đồng huyện Tam Nông (Đồng Tháp)

Đặc biệt, Đồng Tháp rất quan tâm các dự án phát triển du lịch sinh thái gắn với chuỗi giá trị sản phẩm từ cây sen, đưa hình ảnh hoa sen và các sản phẩm từ sen thực sự trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của vùng đất Sen hồng. Tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, tổ chức các hoạt động điểm nhấn gắn với hoạt động văn hóa – lễ hội của địa phương; tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử, làng nghề truyền thống và sản phẩm nông nghiệp sạch, công nghệ cao; bổ sung và nâng chất các dịch vụ bổ trợ để phát triển du lịch MICE kết hợp với dịch vụ vui chơi, giải trí, khu phố ẩm thực Chợ đêm tại TP. Cao Lãnh và TP. Sa Đéc nhằm thu hút du khách lưu lại dài ngày, tăng nguồn thu từ hoạt động du lịch.

Theo Huy Tự – Báo Đầu tư

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zalo

viVietnamese