Dịch Covid-19 diễn biến nhanh và phức tạp ngay trước kỳ nghỉ lễ 30.4- 1.5 khiến cho ngành Du lịch lại gặp cơn sóng gió mới. Điệp khúc hoãn, huỷ tour, dịch vụ du lịch lặp lại đã dập tắt những hy vọng hồi phục của các doanh nghiệp du lịch.
Theo báo cáo của các Sở Du lịch, Sở VHTTDL về tình hình du lịch dịp nghỉ lễ 30.4- 1.5, thời gian nghỉ lễ dài, thời tiết thuận lợi cho các hoạt động du lịch, vui chơi, giải trí của người dân nên một số địa phương như: Nghệ An, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang… lượng khách đến tham quan, nghỉ ngơi, giải trí đông hơn ngày thường.
Hoãn, huỷ nhiều dịch vụ
Trong 4 ngày nghỉ lễ, tỉnh Nghệ An đón gần 250.000 lượt khách tham quan du lịch, trong đó khách có lưu trú ước đạt 120.000 lượt; doanh thu từ các dịch vụ du lịch ước đạt hơn 150 tỉ đồng. Giám đốc Sở VHTTDL Ninh Thuận Nguyễn Văn Hoà cho biết: “Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại một số địa phương từ ngày 29.4, ngay trước kỳ nghỉ lễ đã tác động mạnh tới tâm lý du khách khi bắt đầu chuyến đi, tuy nhiên lượng khách tới Ninh Thuận vẫn đông, trong những ngày lễ các cơ sở lưu trú du lịch đều kín phòng, thị trường khách chủ yếu vẫn là TP.HCM, Hà Nội, Lâm Đồng, các tỉnh Đông Nam Bộ”.
Tổng lượng khách đến Kiên Giang 4 ngày nghỉ lễ ước đạt 177.000 lượt khách. Trong đó, có 3.000 lượt khách là người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam; khách tham quan các khu, điểm du lịch 115.000 lượt; khách du lịch có lưu trú 61.900 lượt. Tổng thu từ du lịch đạt trên 188,8 tỉ đồng. Riêng TP Phú Quốc đón 91.400 lượt khách. Trong đó, có 2.962 lượt khách là người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam đi du lịch. Tổng thu từ du lịch đạt trên 123,2 tỉ đồng.
Theo Quyền giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế Lê Hữu Minh, lượng khách đến Thừa Thiên Huế 10 ngày trước, trong và sau kỳ nghỉ lễ (từ ngày 25.4- 4.5) ước đạt 150.000 khách, trong đó khách lưu trú ước đạt 70.000 khách, công suất bình quân đạt 50%. Tuy nhiên, do tâm lí e ngại trước diễn biến của dịch Covid-19 và nhiều địa phương tạm dừng tổ chức các lễ hội, hạn chế sự kiện tập trung đông người… nên nhiều nơi khách du lịch hủy phòng khách sạn, huỷ tour, huỷ dịch vụ du lịch. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, số lượng phòng khách sạn đã đặt bị hủy ước tính sơ bộ khoảng 25- 30%. Công suất sử dụng phòng bình quân của khối khách sạn trong kỳ nghỉ lễ ước đạt khoảng 43,4%.
Tại Thanh Hoá, lượng khách đặt phòng dịp nghỉ lễ đạt khoảng 85% tổng lượng phòng toàn tỉnh; tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng khách hủy phòng khoảng 30% (tương đương 12.000 phòng/ngày); ước thiệt hại về doanh thu buồng phòng khoảng 40 tỉ đồng; thiệt hại về doanh thu ăn uống khoảng 160 tỉ đồng; thiệt hại về các dịch vụ khác khoảng 30 tỉ đồng. Về lữ hành, có khoảng 35 đoàn khách (tương đương hơn 1.000 khách) báo hoãn, huỷ tour, ước thiệt hại trên 3 tỉ đồng.
Ít nơi đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19
Phó giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hoá Vương Thị Hải Yến cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh mới có gần 200 lượt khách sạn truy cập thực hiện đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19 trên hệ thống an toàn Covid quốc gia do thời gian qua các cơ sở lưu trú tại các khu du lịch biển chưa sẵn sàng đón khách. Đồng thời nhiều cơ sở lưu trú có quy mô nhỏ, nhân lực thiếu phải kiêm nhiệm nhiều vị trí công việc và hạn chế về công nghệ thông tin”.
Việc ứng dụng công nghệ trong chuyển – nhận – xử lý văn bản bằng email, zalo, facebook của các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, do các đơn vị thường xuyên có sự thay đổi biến động về nhân sự dẫn đến tình trạng không liền mạch trong việc tiếp cận văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước. Trong công tác phòng, chống dịch hiện nay vẫn còn một số các di tích, cơ sở lưu trú du lịch chưa bố trí lực lượng đo thân nhiệt, hướng dẫn khai báo y tế và nhiều du khách không thực hiện đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu trang không đúng cách. Bà Vương Thị Hải Yến đề nghị Tổng cục Du lịch hỗ trợ nghiên cứu có giải pháp hiệu quả, chế tài mạnh hướng dẫn địa phương chỉ đạo, đôn đốc doanh nghiệp du lịch trong việc thực hiện đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19 trên hệ thống an toàn Covid quốc gia nhằm khẩn trương xây dựng bản đồ quốc gia về an toàn Covid trong lĩnh vực du lịch.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đặc biệt là xuất hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng tại một số tỉnh, thành phố những ngày gần đây, Tổng cục Du lịch yêu cầu các cơ sở lưu trú du lịch cần tiếp tục thực hiện nghiêm việc đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19 theo chỉ đạo của Bộ VHTTDL tại công văn số 4159/BVHTTDL-TCDL. Theo công văn này, Bộ VHTTDL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo bắt buộc các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19 trên website http://safe.tourism.com.vn. Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại, việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ VHTTDL về đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19 có ý nghĩa quan trọng kết nối thông tin kiểm soát dịch bệnh từ các cơ sở lưu trú du lịch ở địa phương đến các cơ quan quản lý ở Trung ương, góp phần kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ thành quả phòng, chống Covid-19 của nước ta.
Qua kỳ nghỉ lễ 30.4 – 1.5 đã xuất hiện một số vấn đề trong việc phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động du lịch. Nhìn chung, các địa phương, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên toàn quốc đã quan tâm cải thiện về chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, thái độ thân thiện, công tác đảm bảo an toàn cho du khách cũng thường xuyên được tăng cường. Các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, các khu, điểm du lịch duy trì việc chấp hành công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cụ thể là thực hiện tốt “thông điệp 5K”; báo cáo thông tin khách du lịch đến các cơ quan chức năng để nắm bắt kịp thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, một số nơi công tác phòng, chống dịch còn lơ là, nhiều nơi tập trung hàng ngàn người nhưng không đảm bảo việc giữ khoảng cách, còn tình trạng nhân viên phục vụ khách du lịch và du khách không đeo khẩu trang, khai báo y tế không trung thực…
Theo NGUYỄN ANH (baovanhoa.vn)