Chiều 09/02/2022, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Huỳnh Minh Tuấn, lãnh đạo thành phố Sa Đéc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến thăm Hội quán Cùng nhau làm du lịch, Hội quán Làng bột và mô hình sản xuất hiệu quả tại thành phố Sa Đéc.
Hội quán Cùng nhau làm du lịch, có hơn 20 thành viên có điểm tham quan, du lịch và lưu trú tại thành phố Sa Đéc và huyện Cao Lãnh.
Tại đây, lãnh đạo tỉnh được nghe thành viên Hội quán chia sẻ về hoạt động đón khách tham quan du lịch trong dịp Tết vừa qua. Mặc dù lượng khách năm nay giảm so với Tết năm trước nhưng trong bối cảnh dịch bệnh vừa được kiểm soát như hiện nay thì lượng khách như vừa qua cũng là tín hiệu tích cực. Du khách sử dụng nhiều dịch vụ hơn tại các điểm tham quan và chủ yếu đi theo nhóm nhỏ, gia đình.
Với kết quả trên, theo Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong du lịch Sa Đéc đã có nhiều khởi sắc và phục hồi khá tốt; đồng thời đánh giá cao kết quả hoạt động của Hội quán trong năm qua, nhất là định hướng liên kết giữa các điểm du lịch với nhau để phục vụ du khách tốt hơn, trước mắt là du lịch hè sắp tới.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, lãnh đạo tỉnh sẽ luôn đồng hành, tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy du lịch cộng đồng tại Sa Đéc. Sắp tới, hạ tầng giao thông sẽ cải thiện, là cơ hội để thu hút khách du lịch, nhất là du lịch ngắn ngày.
Đến thăm Hội quán Làng bột, Bí thư Tỉnh ủy phấn khởi khi người dân làng bột Sa Đéc đã khôi phục hoạt động sau đại dịch Covid-19.
Đại diện Hội quán Làng bột cho biết, sản lượng bột được tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán có tăng hơn so với năm trước, tất cả các thành viên Hội quán đều khôi phục sản xuất, với nhiều sản phẩm bột được cung ứng ra thị trường. Bột cặn (phụ phẩm) trước đây được người dân chăn nuôi heo, nay được bán cho doanh nghiệp làm thức ăn chăn nuôi nên khắc phục được hạn chế về ô nhiễm môi trường do chăn nuôi không đảm bảo.
Mong muốn của thành viên Hội quán là đầu tư máy móc để sản xuất hiệu quả hơn, ổn định thị trường tiêu thụ và hướng đến xuất khẩu bột.
Tại phường Tân Quy Đông, lãnh đạo tỉnh và thành phố đến thăm mô hình trồng lan huệ của nông dân Nguyễn Đức Thọ.
Anh Nguyễn Đức Thọ trồng lan huệ được 03 năm, với hơn 1.000 m2. Anh Thọ đã nghiên cứu lai tạo để cho ra nhiều giống lan huệ đẹp, có giá trị cao. Trong năm đầu tiên, mô hình trồng lan huệ giúp anh Thọ lợi nhuận hơn 200 triệu đồng.
Hiện tại vườn anh Thọ có hơn 10 ngàn củ lan huệ các loại, giá dao động từ 100 ngàn đồng đến vài triệu đồng mỗi củ.
Dịp này, lãnh đạo tỉnh đến thăm mô hình nuôi cá Koi (Cá chép Nhật) của ông Đinh Thanh Sơn, tại phường An Hòa, với diện tích khoảng 4.000m2. Số lượng cá trên 1.000 con bố mẹ. Cá được xuất bán cho người nuôi cá kiểng tại nhiều tỉnh, thành; mỗi năm lợi nhuận bình quân 100 triệu đồng.
Theo Nguyệt Ánh