Trong bối cảnh doanh nghiệp du lịch chuyển sang giai đoạn “sống chung” với Covid-19, “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, đòi hỏi phải có những sản phẩm an toàn, hấp dẫn để phù hợp với tình hình mới. 

 Cần xây dựng sản phẩm du lịch an toàn, hấp dẫn, phù hợp với tình hình mới Ảnh: HOÀNG HÀ

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn dịch bệnh cũng như khôi phục thị trường du lịch, yếu tố hấp dẫn sẽ giúp cho sản phẩm du lịch được nhanh chóng nhận diện và quan tâm từ khách du lịch. Sản phẩm du lịch sẽ được nghiên cứu, thiết kế công phu hơn, chi tiết và tỉ mỉ hơn. 
Du lịch văn hóa phải là sản phẩm chủ đạo
Hiện nay, nhu cầu đi du lịch của khách nội địa và quốc tế đã thay đổi do tác động của đại dịch Covid-19 và phát triển nhanh của công nghệ 4.0. Những nhu cầu của du khách đặt ra đòi hỏi các doanh nghiệp cần nắm bắt và đáp ứng trong tất cả các khâu dịch vụ, các yếu tố như: An toàn và vệ sinh; sức khỏe và thực phẩm hữu cơ, sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch gần nhà, du lịch theo nhóm nhỏ, du lịch trải nghiệm, trải nghiệm theo nhu cầu, du lịch không chạm và đặt dịch vụ trực tuyến. 
Ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết: “Hơn 100 di tích quốc gia đặc biệt và hàng vạn di tích phân bổ khắp cả nước… là những di sản quý giá để ngành Du lịch xây dựng sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều di sản đã được UNESCO ghi danh như: 5 di sản văn hóa vật thể thế giới, 1 di sản hỗn hợp thế giới, 13 di sản văn hóa phi vật thể, 7 di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới… và có thể còn nhiều di sản nữa sẽ được ghi danh trong tương lai, điều đó ngày càng tạo cho hình ảnh văn hóa Việt Nam thêm sâu đậm trong tâm trí bạn bè quốc tế. Đây cũng là những cơ sở quan trọng để doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch”. 
Theo nhiều doanh nghiệp, sản phẩm du lịch văn hóa là những trải nghiệm đích thực của du khách tại một địa phương về lối sống, truyền thống, lịch sử, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, ẩm thực, nghề thủ công… Tất cả các hình thức trải nghiệm khác nhau được sáng tạo áp dụng phù hợp để du khách có thể cảm nhận được những nét đẹp, bản sắc và độc đáo mà người dân địa phương đang gìn giữ và phát huy. “Tập trung phát triển du lịch văn hóa là tạo ra động lực chính thu hút khách du lịch, nâng cao hình ảnh Du lịch Việt Nam, đồng thời tăng cường mạnh mẽ sức cạnh tranh của điểm đến Du lịch Việt Nam. Đó mới là phát triển du lịch bền vững”, ông Thắng nói. 
Với hơn 3.200 km bờ biển và nhiều đảo lớn nhỏ, những năm qua Du lịch Việt Nam đã tạo ra nhiều trung tâm du lịch biển và khu du lịch biển hấp dẫn khách nội địa và quốc tế như: Hạ Long, Cát Bà, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Hội An, Bình Định, Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu, Côn Đảo, Phú Quốc… Hạ tầng du lịch biển được đầu tư rộng khắp, có khả năng đón lượng lớn khách du lịch nội địa và quốc tế. Nhiều khu du lịch biển đã dược đầu tư lớn, đồng bộ với những dịch vụ kể cả vui chơi giải trí nhằm kéo dài thời gian lưu lại tại địa phương và tạo sức hút cho điểm đến, các khu du lịch biển mới đang được đầu tư mạnh mẽ.
Có thể thấy, đa số các điểm đến du lịch nghỉ dưỡng hiện nay đang phát triển đại trà. Cần phải có một sự thay đổi cơ bản về nhận thức để người dân và cả những người làm du lịch hiểu việc phát triển du lịch bền vững cốt lõi là bảo vệ môi trường, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử… của địa phương, điểm đến. 
Chuyển đổi số thật chứ không phải chỉ hô hào
Do ảnh hưởng của đại dịch nên đã tạo ra nhiều rào cản, khó khăn cho việc di chuyển của du khách, từ đó dần dần hình thành một loại tour du lịch dựa chủ yếu vào nền tảng công nghệ 4.0. Một số doanh nghiệp du lịch đang cung cấp những tour du lịch online cho khách du lịch quốc tế bằng việc thiết lập hành trình du lịch gồm một số điểm dừng trong một khung giờ nhất định, khách ở nhà có thể truy cập vào nhóm online và hướng dẫn viên đi qua từng điểm và giới thiệu về điểm du lịch. Hướng dẫn viên và khách tương tác trên mạng internet, tuy không thể tối ưu chất lượng trải nghiệm của du khách nhưng đã giải quyết được phần nào nhu cầu du lịch.
Bên cạnh đó, hoạt động du lịch sử dụng công nghệ thực tế ảo giúp cho khách có thể trải nghiệm các điểm đến trước khi có chuyến đi thực tế. Phát triển sản phẩm du lịch trên nền tảng công nghệ 4.0 còn có thể triển khai ở nhiều khâu dịch vụ làm tăng trải nhiệm hay cảm nhận của du khách về giá trị văn hóa hay tự nhiên của điểm tham quan, đặc biệt là giúp cho việc cá nhân hóa sản phẩm du lịch cho từng đối tượng, nhóm khách cụ thể. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ 4.0, hàm lượng công nghệ ứng dụng số, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo… vào sản phẩm du lịch ngày càng tăng. Sản phẩm du lịch số sẽ ra đời nhiều hơn và kết hợp hài hòa với sản phẩm du lịch truyền thống làm tăng giá trị chuyến đi của du khách, đồng thời giúp các doanh nghiệp du lịch có những sản phẩm hấp dẫn hơn, tăng hiệu quả kinh doanh.
Điều mà doanh nghiệp du lịch mong muốn hiện nay là có đủ lực về tài chính và con người để chuyển đổi số thật chứ không phải chỉ hô hào. Tuy nhiên, lúc này nhiều doanh nghiệp đã không còn lực để cố gắng nữa, mà cần có sự định hướng, hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, cần thay đổi nhận thức trong cộng đồng và trong ngành Du lịch trên tinh thần đổi mới, sẵn sàng cho phép thử nghiệm và ứng dụng công nghệ mới; liên kết chuyển đổi số với các cơ quan nhà nước, với hiệp hội ngành nghề công nghệ thông tin và hiệp hội ngành Du lịch; hoàn thiện khung pháp lý; phát triển cơ sở hạ tầng hệ thống thông tin số; phát triển nền tảng số trong ngành Du lịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quảng bá sản phẩm du lịch. 

 Theo MINH THUẦN

http://baovanhoa.vn/du-lich/artmid/416/articleid/48102/san-pham-moi-cho-giai-doan-moi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zalo

viVietnamese