Hưởng ứng tháng thanh niên và hướng tới kỉ niệm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26 – 3, tuổi trẻ khắp nơi trên cả nước có rất nhiều các hoạt động ý nghĩa để chào mừng. Du lịch Đồng Tháp xin giới thiệu một số điểm du lịch về nguồn hấp dẫn trong tỉnh Đồng Tháp đặc biệt có ý nghĩa thiết thực và có sức lan tỏa đối đoàn viên trong tháng thanh niên này.
Khu di tích Xẻo Quít:
Khu du tích Xẻo Quít thuộc xã Mỹ Hiệp và xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, cách thành phố Cao Lãnh 30km. Nơi đây khi xưa cỏ dại hoang vu, kênh rạch chằng chịt, lau sậy mịt mùng, từ năm 1960-1975 được Tỉnh ủy Kiến Phong (nay là Đồng Tháp) chọn làm căn cứ chiến lược để lãnh đạo nhân dân kháng chiến. Khu du tích Xẻo Quít có diện tích khoảng 50ha, là khu căn cứ kháng chiến chống Mỹ tiêu biểu của vùng đồng bằng ngập lũ được che phủ bởi rừng tràm nguyên sinh rộng 20ha với những dây leo quất quýt tên cây tràm giống như bức tranh sơn thủy hữu tình, cùng các di tích như: Công sự chiến đấu, hầm tránh bom, hầm bí mật… đã được phục chế và gìn giữ nguyên vẹn. Đối với khu di tích là nhà thủy tạ, hồ sen rộng 3.000m2 với những cây cảnh đặc trưng của vùng quê Tháp Mười.
Tham gia các hoạt động dã ngoại tại Xẻo Quít
Đến đây, du khách cảm nhận phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, tản bộ theo các con đường mòn hoặc ngồi trên chiếc xuồng ba lá len lỏi theo các kênh rạch, được che nắng bởi các tán tràm có tuổi thọ gần 50 tuổi mà thân cây được dây bòng bong che phủ một màu xanh tựa hồ bức tranh sơn thủy hữu tình. Du khách sẽ thực sự thoải mái với môi trường tinh khiết, được hít thở không khí trong lành của một không gian yên tĩnh, thơ mộng…để rồi sau đó thưởng thức những món ăn đậm đà bản sắc Nam bộ được chế biến từ cá đồng, rau đồng và nhâm nhi một vài ly rượu đế tại nhà hàng cách khu căn cứ bằng một con rạch nhỏ.
Bảo tàng Đồng Tháp:
Bảo tàng Đồng Tháp tọa lạc tại phường 4, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, nằm ngay Cụm di tích Dinh Cò Tây, Nhà thầy thuốc Lư, phòng tra tấn và phòng biệt giam, trong khuôn viên khoảng 11.000m2, mặt tiền hướng ra bờ sông Cao Lãnh yên tĩnh và thơ mộng. Nơi đây, mỗi ngôi nhà, mỗi thước đất, mỗi hàng cây đều mang dấu tích lịch sử cách mạng qua hai thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Đồng Tháp, là nơi để du khách tìm hiểu về giá trị lịch sử, văn hóa của người dân Đồng Tháp trong cuộc sống sinh hoạt cũng như trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Bảo tàng Đồng Tháp được khởi công xây dựng ngày 26/06/1999 và khánh thành ngày 29/12/2000, được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh ngày 05/09/2008.
Tham gia về nguồn tại bảo tàng Đồng Tháp
Bảo tàng được chia làm 02 khu: Nhà trưng bày và khu ngoài trời. Nhà trưng bày có diện tích 1.429 m2 với 1.335 hiện vật gốc và nhiều tài liệu khoa học về thiên nhiên – đất nước – con người Đồng Tháp trong quá trình khai hoang mở đất; hình ảnh anh hung của quân và dân F9ồng Tháp trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ; nét sinh hoạt văn hóa của cư dân đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, Bảo tàng Đồng Tháp còn là nơi lưu giữ nhiều di chỉ văn hóa Óc Eo của Vương quốc Phù Nam được khi quật tại khu di tích Gò Tháp như những tấm gạch in bàn chân người, Linga, Yoni, 02 tượng thần Visnu (cao 0,64m và 1,48m) chất liệu đá sa thạch (văn hóa Óc Eo) được khai quật tại Tháp Mười tầng năm 1998; Hiện vật (văn hóa Óc Eo) được khai quật tại di tích Gò Tháp… Khu ngoài trời trưng bày chiến lợi phẩm trong thời kỳ chiến tranh như máy bay, các loại súng cối…
Với lối kiến trúc Đông Tây kết hợp, nằm hòa quyện trong không gian cây xanh, Bảo tàng Đồng Tháp sẽ giúp cho du khách cảm thấy thư giãn, thoải mái sau những phút giây tham quan, nghiện cứu về lịch sử Đồng Tháp anh hùng.
Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc:
Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc tọa lạc tại số 137 đường Phạm Hữu Lầu,phường 4, tp Cao Lãnh, cách trung tâm thành phố 2km.
Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là công trình mang tính nhân văn, thể hiện tình cảm của nhân dân Đồng Tháp đối với cụ Nguyễn Sinh Sắc – Nhà nho yêu nước – người đã sinh ra vĩ Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam – Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu di tích được xây dựng ngày 22/8/1975 và khánh thành ngày 13/02/1977, đến nay đã được đầu tư mở rộng them với tổng diên tích 10ha, được chia làm 3 khu vực:
Khu vực 1: Nhà trưng bày tiểu sử sự nghiệp và Ngôi mộ Cụ Nguyễn Sinh Sắc; Nhà sàn Bác Hồ
Ngôi mộ Cụ Nguyễn Sinh Sắc được ốp bằng đá hoa cương, vòm mộ là một cánh sen cách điệu có dáng như hình bàn tay xòe úp xuống, trên là 09 con rồng cách điệu tượng trưng cho hình ảnh nhân dân đồng bằng sông Cửu Long che chở ôm ấp cho cụ. Phía trước vòm mộ là hồ sen hình ngôi sao năm cánh, giữa hồ sừng sững một đài sen trắng cách điệu cao 6,5m tượng trưng cho cuộc đời thanh bạch của cụ Nguyễn Sinh Sắc và cũng là biểu tượng của quê hương Đồng Tháp. Phía trước là nhà trưng bày về cuộc đời của cụ Nguyễn Sinh Sắc. Tất cả các công trình ở đây không những được xây dựng rất kỳ công mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc. Bên cạnh mộ Cụ là Nhà sàn Bác Hồ được thiết kế đúng theo tỷ lệ 1/1 với ngồi nhà sàn Bác ở Hà Nội, để cho những người dân Miền Nam không có điều kiện ra Miền Bắc có thể biết được ngôi nhà của Bác. Với những nét độc đáo đó, ngày 09/04/1992, Khu di tích được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích văn hóa – lịch sử cấp Quốc Gia.
Mộ cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Khu vực 2: Phần tái hiện lịch sử
Tượng toàn thân Cụ Sắc với tay nải quần nâu về làng Hòa An trong vài người bán thuộc cao da trâu tìm các nhà nho yêu nước ở địa phương, tượng được đúc bằng đồng cao 03m, bệ tượng cao 1,5m. Bên phải tượng phục dựng lại nhà Cả Nhì Ngưu Trần Bá Lê và nhà Cả Nhì Ngưu cất cho Cụ Sắc ở trong thời gian đầu về Cao Lãnh. Bên trái là nhà ông Năm Giáo nơi Cụ sống, hoạt động và mất tại đây vào năm 1929.
Khu vực 3: phần tái dựng làng Hòa An truyền thống
Phần này bao gồm: vườn cây, cầu khỉ, ngôi nhà kiểu truyền thống xưa.
Nhật Tiến