Để du lịch nông thôn phát triển hiệu quả góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững… rất cần có sự hỗ trợ tập trung, đồng bộ của nhà nước bằng các cơ chế, chính sách và các nguồn lực xã hội, trong đó có nguồn vốn sự nghiệp từ Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

Vẫn còn rất manh mún

Khu vực nông thôn sở hữu nguồn tài nguyên du lịch đa dạng về tự nhiên, văn hóa bản địa, sản phẩm mang tính đặc trưng vùng miền… và có nhiều địa dư để phát triển, mở rộng quy mô. Do đó, việc đầu tư vào du lịch nông thôn có nhiều lợi thế, bởi đây là ngành đa giá trị và nếu phát triển được du du lịch nông thôn thành công sẽ nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp tại địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch nông thôn tại Việt Nam vẫn đang gặp rất nhiều điểm nghẽn.

Quá trình phát triển du lịch nông thôn có mối quan hệ tương hỗ với xây dựng NTM, kết quả xây dựng NTM trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ du lịch.

Chia sẻ tại Hội thảo “Định hướng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025” diễn ra ngày 22/2, ông Nguyễn Quý Phương – Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) – đánh giá, nhiều điểm đến du lịch nông thôn chưa được quy hoạch đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương; chưa được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng; cảnh quan, môi trường điểm đến chưa được đầu tư chuyên nghiệp, thiếu đặc trưng văn hóa và bản sắc vùng miền; sản phẩm du lịch chưa được đầu tư theo chiều sâu, chưa có sự liên kết chuỗi giá trị với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc trưng của khu vực nông thôn; phần lớn các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tập trung cho các trung tâm du lịch với điểm đến và sản phẩm du lịch ven biển, khu vực đô thị, các hoạt động xúc tiến du lịch nông thôn được lồng ghép trong các chương trình xúc tiến chung. Phần lớn nhân lực du lịch tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào cung ứng dịch vụ du lịch nông thôn là người nông dân mới tiếp cận với ngành nghề mới. “Việc phát triển du lịch nông thôn còn manh mún, rất cần sự hỗ trợ của các địa phương; cũng như việc hoàn chỉnh các tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ hạ tầng cho du lịch nông thôn”, ông Nguyễn Quý Phương cho hay.

Thực tế, từ trước tới nay, đã có nhiều khu du lịch nông thôn được hình thành nhưng không phát huy được hiệu quả nếu không muốn nói thất bại. Theo đại diện Tổ chức phi chính phủ Action on Poverty AOP- Australia tại Việt Nam, việc đầu tư thất bại do không có quy hoạch chung, hiểu sai về du lịch cộng đồng, chỉ tập trung làm mô hình lưu trú homestay và chỉ phát triển một vài hộ có điều kiện. Làm theo các mô hình đã có, đã từng thành công mà không căn vào địa thế, khả năng tại nơi mình xây dựng. Hơn nữa, việc hợp tác không đúng như thiếu liên kết với doanh nghiệp hoặc quá phụ thuộc vào doanh nghiệp, thiếu vai trò và đầu tư của chính quyền… cũng sẽ làm cho du lịch nông thôn khó phát huy được hiệu quả.

Giải pháp nào cho du lịch nông thôn?

Trong thời gian qua, đã có 1.300 điểm du lịch trong cả nước, trong đó, có 70% điểm du lịch ở vùng nông thôn và 36 điểm du lịch cộng đồng được công nhận. Nhưng, cho đến thời điểm này, cơ chế, chính sách về du lịch nông thôn hầu như chưa được thống nhất và ban hành ở cấp Trung ương; mà chỉ có ở phạm vi các địa phương do nhu cầu về phát triển du lịch nông thôn…

Để du lịch nông thôn phát huy được hiệu quả trong thời gian tới, hiện Dự thảo “Chương trình phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025” được Ban chỉ đạo Trung ương về xây dựng NTM giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xây dựng. Đến thời điểm này, Dự thảo đã hoàn tất và đã gửi lấy ý kiến các địa phương và bộ ngành.

Dự thảo đặt ra các mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2021 -2025 như sau: Có ít nhất 01 điểm đến du lịch nông thôn/tỉnh (thành phố) được công nhận; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt chuẩn; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên được số hóa và kết nối, quảng bá bằng công nghệ số; it nhất 80 sản phẩm du lịch cộng đồng và điểm du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên và được chuẩn hóa; 100% điểm đến du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn áp dụng thương mại điện tử;…

Để đạt được các mục tiêu trên, Dự thảo cũng đặt ra các giải pháp như: Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển du lịch nông thôn; huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn; tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn;….

Về vấn đề nguồn vốn, Dự thảo cũng đặt ra kế hoạch như sử dụng nguồn vốn từ Chương trình MTQG xây dựng NTM 2021-2025 trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp (10,1%), ngân sách địa phương (30,3%); Vốn lồng ghép từ các chương trình, đề án khác (23,2%); Vốn tín dụng và huy động các nguồn lực từ xã hội hóa (36,4%)…

Phát triển du lịch nông thôn là một trong những nội dung quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương đưa vào Chương trình Chương trình MTQG về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Để phát triển du lịch nông thôn hiệu quả góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn; nâng cao thu nhập, sinh kế ổn định cho người dân thông qua hoạt động du lịch, hỗ trợ xây dựng NTM bền vững, du lịch nông thôn ông Nguyễn Quý Phương cho rằng, rất cần có sự hỗ trợ tập trung, đồng bộ của nhà nước bằng các cơ chế, chính sách và các nguồn lực xã hội trong đó có nguồn vốn sự nghiệp từ Chương trình MTQG về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Việc thống nhất đề xuất các nội dung hỗ trợ, hướng dẫn quản lý, sử dụng nguồn vốn sự nghiệp từ chương trình MTQG hỗ trợ cho du lịch phát triển du lịch nông thôn là hết sức quan trọng, làm cơ sở, tiền đề cho việc huy động nguồn lực từ trung ương, địa phương và từ khu vực tư nhân hỗ trợ cho phát triển du lịch nông thôn.

Khẳng định, việc đưa du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng vào trong quy hoạch tổng thể du lịch đã được đặc biệt quan tâm, ông Nguyễn Minh Tiến – Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương – cho rằng, cần xây dựng cơ chế chính sách, nguồn vốn,… bên cạnh đó là sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các cơ quan tư vấn, các đơn vị lữ hành để việc phát triển du lịch nông nhưng không làm ảnh hưởng đến cảnh quan, truyền thống, văn hóa, tương lai của thế hệ sau này. “Bộ NN&PTNT sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm hỗ trợ cho phát triển du lịch nông thôn. Đồng thời, bảo đảm các yêu cầu về quy hoạch du lịch nông thôn đưa ra giải pháp phát triển du lịch nông thôn..”, ông Nguyễn Minh Tiến cho biết thêm.

Theo Nguyễn Hạnh

https://congthuong.vn/can-hoan-thien-co-che-chinh-sach-gan-phat-trien-du-lich-nong-thon-voi-xay-dung-nong-thon-moi-172384.html?gidzl=5MEl4BnJwLCVVgmKi4ZkN1X-gX-jIRnO0owiIAuRu05GVAOIgKdcK5GieaUi7k8FKoIlJZ6R0tHnlrZhLG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zalo

viVietnamese