Các năm gần đây, ngành du lịch Đồng Tháp đã có bước chuyển mình, cụ thể là lượng khách và doanh thu tăng cao tại các khu, điểm du lịch trong tỉnh.  Nhằm định hướng đến năm 2020 đưa du lịch Đồng Tháp trở thành 1 trong 3 điểm đến hấp dẫn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và là lựa chọn hàng đầu của du khách trong, ngoài nước. Vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Trong giai đoạn thực hiện Đề án phát triển du lịch, mục tiêu được xác định rõ như phấn đấu đến năm 2020 – 2030 thu hút 3,5 – 5,6 triệu lượt khách; trong đó 160.000 khách du lịch quốc tế, đạt doanh thu 900 – 2.000 tỷ đồng, nâng thời gian lưu trú bình quân từ 1,1 ngày lên 2 ngày. Ngoài ra, phấn đấu có từ 4 – 5 khách sạn đạt tiêu chuẩn hạng 4 sao – 5 sao, 10 khách sạn đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao, 100 khách sạn đạt tiêu chuẩn hạng từ 1 sao – 2 sao, 50 cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách.

Để đảm bảo phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; Tỉnh còn định hướng phát triển không gian du lịch phân theo Cụm.Trong đó, Cụm 1 gồm TP. Cao Lãnh và các huyện: Cao Lãnh, Tháp Mười và Thanh Bình với các loại hình sản phẩm du lịch như du lịch tham quan sinh thái rừng tràm ngập nước, du lịch về nguồn, du lịch nghỉ dưỡng ven sông Tiền gắn với các dịch vụ bổ trợ; du lịch ẩm thực gắn với mua sắm đặc sản địa phương, du lịch lễ hội – văn hóa tâm linh, du lịch trải nghiệm nông nghiệp xanh – công nghệ cao gắn với làng nghề thủ công tiêu biểu của địa phương. Cụm 2 gồm TP. Sa Đéc và các huyện: Châu Thành, Lai Vung và Lấp Vò với các loại hình sản phẩm du lịch như du lịch văn hóa – lễ hội hoa gắn với tham quan đường hoa, du lịch cộng đồng lưu trú tại nhà dân (homestay) gắn với trải nghiệm làng nghề truyền thống và thưởng thức ẩm thực bánh dân gian, du lịch nghỉ dưỡng tại các Cồn gắn với ngắm cảnh quan ven sông Tiền – sông Hậu. Cụm 3 gồm thị xã Hồng Ngự và các huyện: Hồng Ngự, Tam Nông và Tân Hồng. Với các loại hình sản phẩm du lịch như du lịch tham quan sinh cảnh đất ngập nước nội địa gắn với tìm hiểu đa dạng sinh học vùng Đồng Tháp Mười; du lịch trải nghiệm cuộc sống ngư dân mùa nước nổi gắn với tham quan bãi chim sinh sản tại Vườn quốc gia Tràm chim, du lịch khám phá vùng biên – cột mốc biên giới gắn với thương mại dịch vụ.

Bên cạnh đó, Tỉnh còn đề ra 08 nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp cụ thể; đặc biệt quan tâm đến các dự án phát triển du lịch sinh thái gắn với chuỗi giá trị sản phẩm từ cây Sen, đưa hình ảnh hoa Sen và các sản phẩm từ Sen thực sự trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của vùng đất Sen hồng.

Nguyên Trí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zalo

viVietnamese