Trong Kế hoạch thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” trên địa bàn tỉnh vừa được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành, thì mục tiêu phát triển ngành du lịch Đất Sen hồng xứng tầm với tiềm năng phát triển của tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nâng cao hình ảnh địa phương, nâng tỷ trọng và đóng góp của ngành du lịch trong tái cơ cấu kinh tế, có chiều sâu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
Theo đó, mục tiêu cụ thể ngàn du lịch Đồng Tháp vạch ra là đến năm 2025, tỉnh sẽ phấn đấu thu hút 4,5 triệu lượt khách tham quan, trong đó có 130.000 lượt khách du lịch quốc tế, tăng trưởng bình quân 5%/năm/tổng lượt khách; tổng thu du lịch đạt 1.300 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 7%/năm. Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Đồng Tháp đã đưa ra các nhóm nhiệm vụ thực hiện.
Chú trọng Cơ cấu lại thị trường khách du lịch đến với Đồng Tháp
Tập trung khai thác thị trường khách Châu Âu và khu vực Đông Bắc Á, trong đó chú trọng khách du lịch có khả năng chi trả cao, lưu lại dài ngày, trải nghiệm văn hóa bản địa và tham quan cảnh quan thiên nhiên. Đồng thời nghiên cứu sâu đến lượng khách du lịch đường thủy, là thế mạnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đối tượng khách mang quốc tịch thứ ba đi qua cửa khẩu quốc tế Dinh Bà và Thường Phước. Đẩy mạnh thu hút phân khúc thị trường khách du lịch theo một số loại hình du lịch chuyên đề như du lịch cộng đồng; du lịch trải nghiệm nông nghiệp sạch, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; du lịch ẩm thực; du lịch sinh thái.
Du khách tham quan Nhà trưng bày trứng chim và cá nước ngọt tại Vườn Quốc gia Tràm Chim
Tiếp tục phát triển thị trường khách du lịch tham quan thưởng ngoạn, ngắm cảnh quan thiên nhiên, sông nước miệt vườn; trải nghiệm nông nghiệp – làng nghề, thưởng thức ẩm thực dân gian Nam bộ; du lịch lễ hội – tâm linh, gắn với tìm hiểu văn hóa, lịch sử, cách mạng. Đồng thời định hướng lại thị trường khách du lịch lễ hội – tâm linh theo hướng kết hợp hài hoà giữa mục đích lễ hội, tâm linh với các mục đích khác và nghiên cứu, nắm bắt xu hướng thị trường khách du lịch để chủ động có giải pháp đáp ứng kịp thời.
Củng cố, phát triển hệ thống sản phẩm và điểm đến du lịch
Ưu tiên phát triển những sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao và tăng cường trải nghiệm của khách du lịch. Tiếp tục phát triển mạnh hệ thống sản phẩm du lịch có lợi thế về tự nhiên và văn hóa, gắn với các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch Tỉnh như: Du lịch văn hóa: Hình thành sản phẩm du lịch gắn với tìm hiểu lịch sử, văn hóa, tinh hoa ẩm thực, phong tục, tập quán, lối sống của người dân; du lịch sinh thái: Tập trung phát triển du lịch tham quan sinh thái gắn với cảnh quan thiên nhiên, cánh đồng sen; du lịch nông nghiệp sạch, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; tìm hiểu đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Tràm Chim; du lịch đô thị: Tập trung phát triển các hoạt động vui chơi giải trí, giải trí về đêm, du lịch mua sắm, du lịch MICE, tìm hiểu và khám phá các di tích văn hóa, lịch sử, Bảo tàng tổng hợp Đồng Tháp, Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê và các công trình kiến trúc độc đáo tại TP. Cao Lãnh và TP. Sa Đéc.
Bên cạnh đó, phát triển các sản phẩm du lịch mới, có tiềm năng và điều kiện: Sản phẩm du lịch mua sắm: Hình thành các trung tâm mua sắm hiện đại, tiện ích, đồng thời với hệ thống cửa hàng quà lưu niệm, quà tặng du lịch, đặc sản địa phương, sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống phục vụ du lịch. Sản phẩm du lịch cộng đồng: Trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán và tri thức bản địa, tìm hiểu ẩm thực địa phương, có sự tham gia tích cực, chia sẻ lợi ích với cộng đồng; gắn với bảo vệ tài nguyên tự nhiên và văn hóa. Đẩy mạnh sự kết nối và nâng cao chất lượng trong chuỗi giá trị của sản phẩm du lịch. Tăng cường công tác quản lý điểm đến, các khu vực động lực du lịch, bảo đảm môi trường an toàn, sạch sẽ, văn minh, thân thiện.
Chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch
Từng bước tăng số lượng lao động trực tiếp, chú trọng lao động lành nghề, có tính chuyên nghiệp cao. Tăng dần tỷ trọng lao động qua đào tạo, trong đó: Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về quản lý du lịch gắn với nội dung ứng dụng công nghệ công tin cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch các cấp, nhân lực quản trị của doanh nghiệp, nhân lực điều hành các nhóm nghề, nhân lực quản lý điểm đến. Tập trung đào tạo kỹ năng nghề và các kỹ năng mềm đối với lực lượng lao động trực tiếp phục vụ du lịch, tăng tỷ lệ lao động du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng và nghiệp vụ du lịch, ngoại ngữ. Bảo đảm đội ngũ hướng dẫn viên du lịch am hiểu về văn hóa, lịch sử Đồng Tháp.Từng bước vận động, hướng dẫn, đào tạo, bồi dưỡng cho cộng đồng dân cư, người dân bản địa tham gia vào lực lượng lao động, trở thành đội ngũ tuyên truyền, quảng bá du lịch, đại diện cho hình ảnh và nét đẹp của từng địa phương.
Cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch và nguồn lực phát triển du lịch
Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch quy mô lớn, có thương hiệu trong và ngoài nước phát triển thành lực lượng nòng cốt, giữ vai trò định hướng phát triển sản phẩm, thị trường du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch có chất lượng, và giá trị cao.Tập trung phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình, tăng cường tính kết nối trong chuỗi giá trị du lịch. Thúc đẩy phát triển các mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp du lịch ứng dụng công nghệ thông tin, du lịch cộng đồng.
Xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, hệ thống doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, hiện đại, có năng lực cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Có chính sách thu hút các doanh nhiệp lữ hành lớn đến mở chi nhánh tại Đồng Tháp.
Khuyến khích các hình thức đầu tư theo mô hình hợp tác công – tư để phát triển hạ tầng du lịch. Đầu tư công từ ngân sách nhà nước là vốn mồi trong phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ tại các khu du lịch trọng điểm của Tỉnh, các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; xúc tiến quảng bá, nâng cao thương hiệu du lịch Đồng Tháp; ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động du lịch; hỗ trợ đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng và khách sạn chất lượng cao.
Đầu tư tư nhân là nguồn lực chủ yếu để phát triển hạ tầng phục vụ du lịch, phát triển hệ thống sản phẩm du lịch; quy hoạch, bảo tồn, khai thác và phát triển tài nguyên; phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ du lịch chất lượng cao; ứng dụng khoa học công nghệ trong kinh doanh; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Huy động hiệu quả nguồn lực, tăng cường vai trò và sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch…
Được biết, năm 2018, du lịch Đồng Tháp đứng đầu Cụm phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long về lượng khách đón và phục vụ trên 3,607 triệu lượt khách, đạt 103% kế hoạch năm, tăng 8,12% so với năm 2017. Đặc biệt là tổng thu từ du lịch đạt 913 tỷ đồng đạt 117% kế hoạch (kế hoạch năm 2018 là 780 tỷ) tăng 33,48% so với năm 2017./.
Nguyễn Toàn