Vậy là, quê mình đã có thêm hội quán thứ 56 rồi: Hội quán Du lịch Tràm Chim với ba mươi lăm thành viên! Vui thiệt là vui! Không vui sao được khi mà các thành viên, người thì làm nhà hàng ăn uống, có người làm nhà trọ, khách sạn, có người làm du lịch cộng đồng… Giờ thì tất cả cùng tự nguyện cùng nhau ngồi lại trong một ngôi nhà mới mang tên Hội quán! Ngồi lại để làm sao chung tay xây dựng, giữ gìn và đưa thương hiệu Tràm Chim vươn xa, bay cao.

Nhìn nét mặt từng người tham dự một sự kiện quan trọng này mà thấy rạo rực trong lòng, thấy có niềm tin rằng: nếu mọi người hợp tác lại thì không gì là không thể!

Du lịch xứ mình đây đó luôn đi kèm theo một số hình ảnh không mấy tốt đẹp. Nào là chặt chém. Nào là phá hủy môi trường. Nào là khách đến một lần rồi ngán ngẫm không muốn quay lại… Tất cả là do sự dễ dãi, thiếu kiến thức của chủ nhà. Tất cả là do cái nhìn ngắn hạn, thôi thì được đồng nào hay đồng nấy, khách không trở lại thì “đóng cửa chuyển sang nghề khác có chết ai đâu”?!? Và trên hết, sâu xa hơn hết là thiếu tinh thần hợp tác với nhau, thậm chí là cạnh tranh không lành mạnh với nhau. Hạ giá rồi giảm luôn chất lượng dịch vụ, hoặc ngược lại, là tranh giành, là chặt chém.

Khách đi du lịch đâu chỉ để ăn một bữa cơm, nghỉ lại một đêm, ngó loanh quanh rồi về. Khách đi du lịch là để trải nghiệm những điều mới mẻ mà có thể họ chưa từng biết đến: Một miền đất mới. Một nét văn hóa mới. Những con người mới. Làm sao để cảm thụ được và mang về đầy ắp cảm xúc. Cảm xúc với khung cảnh làng quê. Cảm xúc với những món ăn dân dã của người bản xứ. Cảm xúc với những tiếng hò, điệu hát, lời ru. Cảm xúc với khung cảnh sinh hoạt của những người dân hàng ngày ra đồng làm ra hạt lúa, xuống sông đánh bắt cá cho họ ăn… Và trên hết, là cảm xúc về những con người dung dị, thân thiện, mến khách như những người thân của họ.

Ai đó ví von du lịch là “ngành công nghiệp không khói”. Cũng có ai đó xem du lịch là văn hóa. Thôi thì, không câu nệ chữ nghĩa, nội hàm, khái niệm. Thôi thì đơn giản hơn, hãy xem du lịch là một ngành dịch vụ. Như vậy thì, du lịch cũng chính là “bán”, là “mua”. Mình “bán cái khách cần” chứ đâu phải “bán cái mình có”! Vậy thì, người bán phải biết người mua cần gì để “vừa lòng khách đến, vui lòng khách đi chứ”. Họ cần sự mới lạ. Họ cần sự sạch sẽ. Họ cần sự thân thiện. Và, họ cần sự tinh khôi như câu khẩu hiệu về du lịch của quê mình: “Đồng Tháp thuần khiết như hồn Sen”.

Tràm Chim đâu là của Nhà nước mà là của tất cả mọi người dân Tam Nông. Có Tràm Chim mới có Tam Nông phát triển như ngày hôm nay. Vậy thì, mỗi người hãy biết trân quý món quà của thiên nhiên và của các bậc tiền nhân ban tặng. Biết trân quý thì phải có trách nhiệm bảo vệ một khu vườn rộng hơn bảy ngàn hec-ta nầy. Có khi những điều quen thuộc hàng ngày mình coi thường nó, để rồi khi mất đi mới thấy hối tiếc. Tràm Chim đâu chỉ nổi tiếng với những con Sếu đầu đỏ quý hiếm được ghi vào Sách đỏ của thế giới. Tràm Chim còn là một hệ sinh thái đất ngập nước với những hệ động vật, thực vật, thủy sinh, những loài chim quý.

Có người tổng kết một câu chắc nịch: “Không biết cười thì đừng có làm kinh doanh”! Quá đúng rồi! Kinh doanh du lịch dù là hàng ăn hay hàng uống, khách sạn hay nhà trọ, du lịch cộng đồng hay homestay đều phải lấy nụ cười để mà chào mời, để mà thu hút, để mà kết dính khách. Và không chỉ là cười, mà còn phải biết dí dỏm một chút, khôi hài một chút… Phải biết chủ động rót vào tai khách những câu chuyện bình dị mà đặc sắc về quê hương xứ sở. Nào là, “ngày xửa ngày xưa nơi đây hoang vu lắm, bằng ý chí và bàn tay con người mà hôm nay hình hài nó như vầy đây”. Nào là, “mùa nước nổi quê tôi thú vị không nơi nào có được”. Nào là, “Quý vị trải nghiệm những cánh đồng lúa xanh mút trời với những đàn chim trời chao lượn chưa? đã thấy rực vàng mùa hoa hoàng đầu ấn, một dệt tim tím mùa nhĩ cán tím chưa? Ngay bông điên điển mùa nước về cũng đâu thua gì những bông hoa sang trọng, đài các”…

Hội quán ra đời để cùng nhau chia sẻ những điều mới mẻ, mà khi tự mỗi người thì không thể hoặc chậm chạp tìm ra cái mới. Hội quán ra đời để mọi người hợp sức lại, tạo ra một quy mô đủ để xây dựng thương hiệu và mình sẽ nhận được phần lợi ích của mình từ cái thương hiệu đó.

Vậy là, mình đang “kể chuyện” đó. “Kể” để khách trở lại lần sau, lần sau nữa… Trở lại để: “Xao xuyến trong lòng tình người, tình đất Tam Nông. Xao xuyến trong lòng nồng nàn tình ca Tam Nông… Xao xuyến trong lòng tình người, tình đất Tam Nông. Xao xuyến trong lòng nồng nàn tình ca Tam Nông…”.

Xích Lô (Nguồn: Theo Báo Đồng Tháp Online)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Zalo

en_USEnglish