Nắm bắt được xu thế phát triển của du lịch nông thôn, nhiều địa phương đã xác định đây là một trong những mũi nhọn trong chiến lược phát triển du lịch nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 đi qua.

Du lịch trải nghiệm tại các vùng nông thôn rất thu hút các du khách. Hình minh họa: Nam Nguyễn

Phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới là trọng tâm

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó GĐ Sở NN-PTNT Ninh Bình cho biết, tỉnh có địa hình đa dạng, từ biển đến núi và truyền thống văn hóa đặc sắc, lâu đời, nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, ví dụ như khu du lịch sinh thái Tràng An.

Ngoài cảnh quan thiên nhiên, tỉnh có gần 1.800 khu di tích và trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trên toàn quốc. Trong giai đoạn 2015-2020, ngoài các sản phẩm du lịch truyền thống, du lịch nông thôn đã được phát triển, dựa trên những lợi thế tự nhiên của tỉnh, trong đó có 1 sản phẩm OCOP cộng đồng.

“Trong tương lai, tỉnh xem phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới là trọng tâm, trong đó chuyển đổi số sẽ là giải pháp chính”, bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết thêm.

Theo đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và xác định sống chung với dịch để phát triển kinh tế, vấn đề chuyển đổi số sẽ là giải pháp hữu hiệu. Ví dụ như đẩy mạnh quảng bá, thu hút trên các mạng xã hội, xây dựng các trạm wifi miễn phí cho du khách.

Theo Phó GĐ Sở NN-PTNT tỉnh, người dân Ninh Bình đã chuyển đổi một số mô hình trồng cây kém hiệu quả chuyển sang du lịch, đưa những vùng trồng màu không hiệu quả sang trồng dược liệu, hoa để thu hút khách du lịch.

Bên cạnh đó, nhiều huyện của Ninh Bình đang phát triển các hình thức du lịch trải nghiệm làm nông dân ở các làng nghề. Tuy nhiên, Ninh Bình vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết như quy mô nhỏ lẻ, chưa đồng bộ và việc ứng dụng công nghệ mới ở trạng thái cơ bản, chưa ứng dụng được triệt để.

“Phát triển du lịch nông thôn chính là bài toán giải quyết vấn đề nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn”, bà Nguyễn Thị Lan Anh nhấn mạnh.

Trong tương lai, bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương, tỉnh sẽ khai thác, xây dựng các sản phẩm du lịch nông thôn, gắn với truyền thống, văn hóa của địa phương. Về địa điểm, tỉnh sẽ xây dựng gần các khu du lịch truyền thống để dễ kết hợp tour, chọn những nơi có cảnh quan phù hợp, có sản phẩm đặc trưng để du khách có thể mua làm quà.

Ninh Bình sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng đưa các điểm du lịch nông thôn vào bản đồ du lịch và cần được số hóa để du khách dễ tham khảo. Bên cạnh đó, cần có sự liên kết của các trang trại, gia trại với các cơ sở du lịch để tạo thành chuỗi liên kết.

Tận dụng lợi thế để phát triển đúng hướng về du lịch nông thôn

Trong khi đó, tại Lâm Đồng, ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư thương mại và Du lịch tỉnh chia sẻ, Lâm Đồng có hơn 61.000ha canh tác nông nghiệp công nghệ cao, đứng đầu trong cả nước. Với lợi thế đó, tỉnh đã khuyến khích người dân phát triển mô hình du lịch canh nông. Loại hình này đang là một trong những sản phẩm du lịch đặc thù phát triển của tỉnh.

Sản phẩm du lịch canh nông được phát triển tạo nên mối quan hệ giao hòa giữa con người với thiên nhiên, văn hóa và giữa các vùng đô thị và nông thôn thông qua việc tổ chức các tour du lịch đến ở, hoặc tham quan có mục đích thưởng ngoạn tại các gia trại, nông trại, trang trại…

Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của tổ chức JICA – Nhật Bản, tỉnh đã xây dựng thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” – đây là thương hiệu dùng để quảng bá các hình ảnh du lịch canh nông đến với khách du lịch trong và ngoài nước. Đến nay, đã có 10 đơn vị du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh được cấp nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

Theo thống kê, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 33 mô hình du lịch canh nông được công nhận để đưa vào phục vụ khách tham quan, trải nghiệm, mang lại hiệu quả kinh tế.

Còn tại Quảng Nam những năm gần đây, ngoài các sản phẩm truyền thống, du lịch địa phương đã có sự chuyển dịch sang một số loại hình mới, mang chất xanh, tôn trọng các yếu tố tự nhiên và bản sắc văn hóa địa phương.

Các sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với hoạt động tham quan, trải nghiệm ở các làng quê, làng nghề, nông thôn do tỉnh Quảng Nam xây dựng đã được nhiều địa phương quan tâm, triển khai đưa vào hoạt động như: Chương trình trải nghiệm các hoạt động nghề nông như ở Làng Rau Trà Quế, Làng rau Thanh Đông, Làng gốm Thanh Hà, Làng chài, tham quan rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh (ở TP. Hội An), Làng Triêm Tây (Điện Bàn), Làng trái cây Đại Bình (Nông Sơn), Làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước), Làng Bích Họa (Tam Thanh)…

Du lịch nông nghiệp, nông thôn hiện nay còn được xây dựng và phát triển tại các huyện miền núi phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Nam với các chương trình tham quan, tìm hiểu văn hóa, cuộc sống của người đồng bào dân tộc thiểu số, du khách tham gia biểu diễn văn nghệ cùng người dân tộc bản địa, xem trình diễn âm nhạc truyền thống, thưởng thức ẩm thực, tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Đây là những sản phẩm du lịch có sự kết hợp giữa du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa, mang đến nét độc đáo mới cho cho du lịch Quảng Nam, các điểm đến như: Quần thể Pơ mu có trên 1.200 cây “độc nhất, vô nhị” (cây lớn có đường kính 2-2,5m, cao trên 30m, được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường công nhận là cây di sản); Làng du lịch Pơning (huyện Tây Giang), Làng du lịch Bhohoong (huyện Đông Giang), Làng du lịch cộng đồng Cơtu (huyện Nam Giang)…

Có thể khẳng định, phát triển sản xuất nông nghiệp để thu hút khách du lịch trải nghiệm ở nông thôn bước đầu đã đem lại hiệu quả cả kinh tế, xã hội lẫn môi trường ở nhiều địa phương trong cả nước, qua đó tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn nhất là trong bối cảnh cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19./.

Theo Bảo Trân

https://toquoc.vn/du-lich-nong-thon-bai-4-khai-thac-toi-da-tiem-nang-loi-the-cua-dia-phuong-de-nang-cao-thu-nhap-cho-nguoi-dan-sau-dai-dich-covid-19-20211014091844502.htm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Zalo

en_USEnglish